Kế thừa gia tài vĩ đại của Heynckes, Bayern Munich
của Guardiola chưa tạo được quá nhiều ấn tượng, đặc biệt là thất bại
trước đối thủ chính Borussia Dortmund. Dẫu vậy, vẫn còn quá sớm để nhận
định về “ông vua Midas” một thời tại Nou Camp.
Gia tài vĩ đại của Heynckes
Bayern Munich kết thúc mùa giải 2012-13 một cách không thể ấn tượng
hơn khi thiết lập một loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại đấu trường
Bundesliga như số điểm (91 điểm), khoảng cách với đội về nhì (bỏ xa
Dortmund tới 25 điểm), số trận thắng nhiều nhất (29 trận) hay hiệu số
bàn thắng bại (+80)… Chưa kể đến màn trình diễn chói sáng tại đấu trường
Champions League thì những kỷ lục ấy cũng đã tô vẽ thêm cho chiến tích
ăn ba vĩ đại của Bayern Munich trở nên quá lộng lẫy.
Bayern Munich bước vào mùa giải mới với vị thế của kẻ thống trị
Với dàn cầu thủ tài năng và rất ăn ý nhờ nhiều năm sát cánh bên nhau
như Lahm, Boateng, Schweinsteiger, Ribery, Robben hay Muller… cộng thêm
vào đó là những sự bổ sung tuyệt vời như Javi Martinez, Mario Mandzukic
hay Shaqiri, có thể nói Heynckes sở hữu dàn cầu thủ chất lượng bậc nhất
tại châu Âu. Tuy nhiên không thể phủ nhận trong mùa giải cuối cùng gắn
bó với “hùm xám”, bằng chính tài thao lược kiệt xuất của mình, Heynckes
đã xây dựng nên một cỗ máy hủy diệt thực thụ.
Thứ nhất, Heynckes vận dụng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 phù hợp với
nhưng con người mà ông có tại Allianz Arena. Điển hình như cặp
Lahm-Robben và Alaba-Ribery ở hành lang hai cánh hay bộ ba tiền vệ công
thủ toàn diện bậc nhất thế giới vào thời điểm hiện tại là Javi
Martinez-Schweinsteiger-Toni Kroos. Thứ hai, khả năng xoay tua của
Heynckes trong mùa giải qua đã đạt đến mức chuẩn mực trong bóng đá.
Trục xương sống của Bayern Munich là quá rõ ràng nhưng trừ những trận
cầu đinh thì không ai là không thể thay thể. Trong suốt mùa giải
2012-13, chuyện Heynckes thực hiện đến 5-6 sự thay đổi trong đội hình ra
quân so với trận đấu trước là chuyện quá thường tình, thậm chí có trận
đấu Heynckes thực hiện tới 9 sự thay đổi trong đội hình ra sân. Bằng
chứng là mỗi vị trí Heynckes luôn có tới 2-3 sự lựa chọn nhờ sở hữu
nhiều cầu thủ đa năng như Philipp Lahm, Javi Martinez, Shaqiri hay
Thomas Muller.
Ngoài ra Heynckes còn có trong tay những chuyên gia dự bị như Mario
Gomez, Claudio Pizarro, Daniel van Buyten hay Luiz Gustavo. Mọi sự thay
đổi này không những không làm đội hình của Bayern Munich xáo trộn mà còn
tạo cơ hội cho các cầu thủ dự bị ra sân và duy trì cảm giác bóng trong
khi những trụ cột được nghỉ ngơi dưỡng sức. Chính vì vậy, gần như kể cả
giai đoạn cuối mùa giải, Bayern Munich luôn thi đấu sung mãn hơn hẳn đối
phương và dễ dàng triển khai lối chơi theo đúng ý đồ của Jupp Heynckes.
Guardiola với nhiệm vụ kế thừa và phát triển gia tài vĩ đại của Heynckes
Với Pep Guardiola, kế thừa gia tài vĩ đại của Heynckes là một may mắn nhưng cũng đi kèm với áp lực vô cùng lớn.
Pep Guardiola: Đường dài mới biết ngựa hay
Tại Nou Camp, có thể xem Pep Guardiola như một ông vua
Midas bởi
những kỳ tích vĩ đại mà chiến lược gia 42 tuổi này đã làm được trong 4
năm dẫn dắt Barcelona. Tuy nhiên sẽ quá thừa thải nếu như cứ nhai lại
mãi điệp khúc sự vĩ đại của Pep cùng Barcelona bởi vì hiện tại, Pep là
người của Bayern Munich, là người kế thừa gia tài vĩ đại của Jupp
Heynckes. Nhiệm vụ của Guardiola bây giờ là kéo dài chu kỳ thành công
của Bayern Munich mà Jupp Heynckes đã mở ra.
Với những tài năng trong tay, hơn nữalại được tăng cường đáng kể với
hai tân binh chất lượng Mario Gotze và Thiago Silva trong kỳ chuyển
nhượng, Guardiola đủ cơ sở để tái hiện kỳ tích đã từng làm được tại Nou
Camp. Trong giai đoạn khởi đầu mùa giải, Pep dần định hình hệ thống
chiến thuật 4-1-4-1 đậm chất
tiki-taka lên “hùm xám” xứ Bavaria. Điều này không quá bất ngờ bởi vì tên tuổi của Pep Guardiola gắn liền với lối chơi
tiki-taka trứ danh.
Về cơ bản, hệ thống chiến thuật mới này không có quá nhiều sự khác
biệt so với sơ đồ 4-2-3-1 mà Heynckes đã xây dựng khi Mandzukic vẫn là
mũi nhọn cao nhất, hai cánh vẫn là Lahm-Robben, Alaba-Ribery còn khu
trung tuyến vẫn là sự hiện diện của Kroos, và Schweinsteiger. Có chăng
sự khác biệt nằm ở điểm Guardiola đang cố gượng ép cậu học trò ruột
Thiago Alcantara thi đấu ở vị trí thấp nhất ở hàng tiền vệ còn Javi
Martinez được kéo về đá trung vệ.
Tuy nhiên điều đáng buồn là những biến đổi đầu tiên trong cách sắp
xếp đội hình của Guardiola lại thất bại thảm hại. Bằng chứng thứ nhất là
trong trận tranh siêu cúp Đức vừa qua, Bayern Munich đã bị kình địch
Borussia Dortmund đánh bại hoàn toàn từ tỉ số đến lối chơi. Tử huyệt của
Bayern Munich nằm chính ở vị trí của Thiago khi tài năng trẻ trưởng
thành từ La Masia này bị bóp nghẹt hoàn toàn khi phải đối mặt với hàng
tiền vệ đầy tài năng của Dortmund.
Với dàn cầu thủ đồng đều và chất lượng bậc nhất châu Âu, chu kỳ thành công của Bayern Munich vẫn chưa kết thúc?
Giả thử nếu Thiago phải đương đầu với những đàn anh như Iniesta, Xavi
của Barca, Xabi Alonso, Modric, Isco của Real Madrid hay những tiền vệ
hàng đầu tại Premier League thì thế trận của Bayern Munich còn thảm hại
tới đâu? Bằng chứng thứ hai chính là trong trận giao hữu với Manchester
City khi Martinez bộ lộ rõ yếu điểm tốc độ trong màn đua nước rút với
tiền đạo Alvaro Negredo, một cầu thủ vốn vĩ không có thế mạnh về tốc độ
như C.Ronaldo, Falcao hay bộ đôi Neymar-Messi.
Tất nhiên trong những trận đấu vừa qua, đặc biệt là trận tranh siêu
cúp, Guardiola vẫn chưa tung ra đội hình mạnh nhất do đó không thể nhận
định vị chiến lược gia người Tây Ban Nha đã “chết” tại nước Đức. Chỉ đến
khi mùa giải bắt đầu, Guardiola mới chứng tỏ hết năng lực. Nên nhớ Pep
từng vực một Barca đang “dãy chết” sau triều đại Rijkaard thành thế lực
số một châu Âu và khởi đầu triều đại tại Nou Camp bằng một thất bại
trước Numancia trong trận mở màn La Liga 2008-09.