Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Thi công chức ở Hà Nội: Không có hộ khẩu phải là Tiến sĩ, Thủ khoa



Các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, muốn thi tuyển công chức phải tốt nghiệp thủ khoa đại học, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; Có bằng Tiến sỹ tuổi đời dưới 35 tuổi; Có bằng Thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30 tuổi…

Người ngoại tỉnh nếu là Tiến sĩ phải dưới 35 tuổi mới được dự thi công chức ở Hà Nội.

Ngày 14/1, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc Phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội năm 2015.
Theo Quyết định, tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức năm 2015 là 560 người.
Về điều kiện và tiêu chuẩn dự thi tuyển công chức, ngoài điều kiện phải có quốc tịch Việt Nam, phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, muốn thi tuyển công chức phải có ít nhất một trong các điều kiện sau: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; Tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; Có bằng Tiến sỹ tuổi đời dưới 35 tuổi; Có bằng Thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30 tuổi.
Người đăng ký dự tuyển vào ngạch chuyên viên phải có trình độ đại học trở lên, đúng ngành hoặc chuyên ngành cần tuyển.
Những người không được đăng ký dự thi tuyển công chức là không cư trú tại Việt Nam, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Những đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức là: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách được cộng 30 điểm; Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an, quân nhân chuyên nghiệp… được cộng 20 điểm; Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND, thanh niên xung phong, đội tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi đủ từ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ được cộng 10 điểm vào tổng số điểm thi tuyển.
Người trúng tuyển công chức sẽ được làm việc tại các chi cục, phòng, ban chuyên môn tại các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã.
UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thông báo công khai, đúng thời gian, đầy đủ các nội dung tại trụ sở của đơn vị: chỉ tiêu, điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển; nội dung, hình thức thi tuyển; thời gian, địa điểm nhận hồ sơ theo quy định; thời gian, địa điểm tổ chức ôn tập theo hướng dẫn của Hội đồng thi tuyển; Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thu lệ phí dự thi đối với thí sinh dự tuyển theo thời gian quy định của Hội đồng thi tuyển; tổng hợp, nộp lệ phí dự tuyển về Sở Nội vụ…
UBND TP Hà Nội yêu cầu, các sở, ban, ngành chuẩn bị tài liệu, nội dung ôn tập, tổ chức, hướng dẫn ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành cho thí sinh dự thi vào các đơn vị thuộc sở và cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Sự vô cảm đáng sợ


Theo một khảo sát gần đây, hơn 50% giáo viên và phụ huynh cho rằng, bạo lực học đường hiện nay rất phổ biến, dù giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất cách gọi về hiện tượng này. Báo chí thường dùng cụm từ “bạo lực học đường”.

(Hình minh họa)
Theo một số nhà nghiên cứu, bạo lực học đường không chỉ gồm các hành vi xâm phạm thể xác. Một số nước dùng khái niệm “bắt nạt học đường” (school bullying) để chỉ các hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại, có ý định xấu của một hoặc nhiều học sinh nhằm trực tiếp chống lại một học sinh, người có khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân. Những hành vi này ngoài việc xâm phạm thân thể, còn là bạo lực về ngôn ngữ, giới tính…
Thậm chí trong nhiều trường hợp, hành vi bạo lực ngôn ngữ, thông qua những lời lẽ đe dọa, miệt thị còn để lại hậu quả đối với nạn nhân lớn hơn cả việc hành hung. Nhưng chính vì không có dấu hiệu xâm phạm thân thể nên chúng thường bị xem nhẹ. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, trẻ bị bạo lực học đường thường chán nản, lo âu, ngại đến trường, lơ là việc học hành, có thể dẫn tới stress hoặc trầm cảm. Tình trạng này nếu không được phát hiện và giải quyết sớm, có thể ảnh hưởng cả quãng đời về sau của trẻ.
Vì sao bạo lực học đường phổ biến? Trong một hội thảo mới diễn ra tại TPHCM, một số nhà giáo dục cho rằng, đây là hậu quả của việc nhà trường quá chú trọng việc dạy chữ, dạy kiến thức mà chưa cân bằng điều đó với việc dạy làm người. Thêm vào đó, những hành vi bạo lực học đường không được phát hiện sớm, không được xử lý triệt để.
Hành vi xấu không bị lên án, bị trừng phạt khiến trẻ hư ngày càng lộng hành và ngoài nạn nhân, những đứa trẻ khác cũng tỏ ra thờ ơ, vô cảm hơn. Lẽ ra phải lên tiếng, phải hành động bảo vệ người yếu thế. Nhiều trẻ coi hành vi bạo lực học đường là chuyện thường, miễn chúng không phải là nạn nhân. Có lẽ đây là lý do nhiều trẻ sẵn sàng chứng kiến bạn bị đe dọa, bị hành hung, thậm chí dửng dưng quay lại cảnh đó để tung lên mạng như một trò vui.
Trẻ thờ ơ với nỗi đau của người khác có khả năng trở thành những người lớn vô cảm. Mà một xã hội đầy những kẻ vô cảm thì đáng sợ biết nhường nào.

Quản lý sức khỏe học sinh: Ngất xỉu mới giật mình!


Sự cố hai học sinh ở TPHCM tử vong vừa qua khiến nhiềuphụ huynh không khỏi lo ngại đến sự an toàn của con mình trong quá trình học tập, vui chơi trong và ngoài nhà trường. Đáng nói, cái chết của hai em đều liên quan đến tiền sử bệnh án mà các em mắc phải.

Vấn đề đặt ra ở đây là bệnh của các em đều được nhà trường nắm và lưu vào sổ sách để gia đình và nhà trường cùng theo dõi trong quá trình các em theo học. Thế nhưng tại sao nó vẫn là tác nhân “vô tình” cướp đi tính mạng các em một cách đáng tiếc như vậy? Phải chăng, công tác theo dõi, quản lý sức khỏe học sinh ở trường học đang có lỗ hổng rất lớn?
Chi phí khám chỉ mười mấy ngàn đồng
Bà Nguyễn Thu Hà, hiệu trưởng trường THCS Chánh Hưng, quận 8 cho rằng, việc khám sức khỏe cho HS hiện nay trong các trường chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” vì kinh phí chi khám chỉ mười mấy ngàn đồng mỗi em, chủ yếu theo dõi và báo cáo về mức độ cận thị, răng miệng, thừa cân béo phì, da liễu…thôi. Còn những bệnh khác phải do phụ huynh thông báo và theo dõi là chính. 
Về nguyên tắc, 100% giáo viên phải nắm hồ sơ bệnh án của HS nhưng thực tế chỉ các giáo viên chủ nhiệm nắm, ai phụ trách lớp nào thì lo lớp đấy, không thể quán xuyến được tất cả.
“Trong trường từng có em bị bệnh máu không đông, chỉ gõ nhẹ trên đầu là máu cam đổ ra, không dừng lại được. Vì không thể sinh hoạt với tất cả giáo viên nên trường buộc phải ghi tên em trên bảng ở phòng giáo viên và lưu ý tất cả giáo viên không được gây áp lực cho em này, tránh va chạm không cần thiết, nhắc nhở HS, dặn phụ huynh phải dạy con cách tránh tiếp xúc…”.
Một HS của trường THCS Chánh Hưng (quận 8) được các bạn dìu xuống phòng y tế của trường để thăm khám.
 
Giáo viên bộ môn không thể biết sức khỏe học sinh
Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 cho rằng công tác tổ chức khám sức khỏe cho HS được trường thực hiện đều đặn và kỹ lưỡng. Trường cũng có cán bộ y tế chuyên trách, trang thiết bị phòng y tế đầy đủ nên khá yên tâm.
Tuy nhiên, theo vị này, cái khó là tính liên thông từ hồ sơ sức khỏe của HS đến tay của giáo viên bộ môn. Nhà trường có phổ biến việc các giáo viên phải nắm tình hình của HS nhưng thực chất chỉ là nhắc nhở, cùng lắm là nêu ra một số trường hợp HS đặc biệt như khuyết tật, mắc dịch bệnh…chứ không thể nào biết được các giáo viên có nắm hay không.
Vị này kể: “Có năm nhà trường cho cán bộ y tế rà soát, lập hẳn một danh sách những em HS có bệnh và gửi đến tất cả các thầy cô xem. Có một giáo viên khi kiểm tra bài cũ, gặp trúng em không thuộc bài đến lần thứ hai. Thầy này bực quá, liền bắt em ra hành lang đứng. Hành lang lại nắng, thầy cứ giảng bài, mãi đến khi có em trong lớp nói em đó xỉu rồi thì thầy vội chạy ra đưa em xuống phòng y tế. Cán bộ y tế tá hỏa nói em này có tiền sử hạ đường huyết, không được đứng lâu thì thầy này mới giật mình.
“Từ đó, nhà trường rất sợ nên luôn lưu ý các thầy cô phải nương tay với HS, kiểm tra kỹ thông tin của các em để ứng phó kịp thời với tinh thần “thà nhẹ tay nhầm còn hơn bỏ sót” – vị này hài hước nói.
Theo dõi sức khỏe học sinh lỏng lẻo
Tương tự, một số ý kiến cho rằng, các trường hiện nay lo chuyên môn là chính. Còn vấn đề y tế học đường chủ yếu dừng lại ở sổ sách, phụ huynh nào báo bệnh của em nào thì thầy cô biết, còn lại thì giáo viên chủ yếu tập trung giảng dạy.
Nói về vấn đề này, một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Gò Vấp thừa nhận, khâu theo dõi sức khỏe HS còn lỏng lẻo. Nguyên nhân một phần do quanh năm các trường phải lo rất nhiều việc liên quan đến y tế, từ các dịch bệnh, bệnh học đường (mắt, răng…) nên khá vất vả. Trong khi đó, các em lại có nhiều loại bệnh trong người, giáo viên không thể nắm hết từng dạng bệnh để lưu ý trong quá trình giảng dạy. 
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 10, giáo viên chủ nhiệm phải nắm thể trạng của từng em là tất nhiên nhưng không thể hiểu hết đặc thù từng dạng bệnh nên không thể lường trước các nguy cơ xảy ra. Ngay từ đầu năm, trường đã cho tất cả HS khám bệnh và phân các em theo ba nhóm sức khỏe A, B và C để tiện theo dõi. Tuy nhiên, vai trò hợp tác của phụ huynh mới là quan trọng để phối hợp với nhà trường theo dõi sức khỏe HS. Phụ huynh phải hợp tác nhắc nhở và lưu ý với giáo viên, hoặc có vấn đề gì phải đề xuất ngay như con dị ứng món gì, con không tham gia được hoạt động nào, vị trí ngồi của con…
“Đi ngoại khóa, trường buộc phải có ý kiến phụ huynh, em nào không đủ sức khỏe tham gia có thể sinh hoạt bằng hoạt động khác phù hợp hơn. Những em có tiền sử bệnh trường sắp xếp học với thầy cô già dặn kinh nghiệm, không phạt các em những hình thức ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý” - hiệu trưởng này nói.
Đồng tình ý kiến này, bà Hà cũng chia sẻ: “Không thể quán xuyến hết vấn đề y tế, sức khỏe HS cho nhà trường. Vì thế, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là quan trọng nhất. Phụ huynh phải liên tục cập nhật để giáo viên theo dõi và lưu ý”.

HLV Miura sẽ dẫn dắt Olympic Việt Nam tại SEA Games 28


Đó là khẳng định của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, trước nhiều thông tin VFF đang cân nhắc giao đội tuyển Olympic cho HLV Graechen.

Người đứng đầu VFF tỏ ra rất ngạc nhiên khi một số tờ báo đã suy diễn việc HLV Gaechen sẽ lên tuyển. Lý do nhiều người nghĩ tới phương án mời HLV Graechen là bởi HLV này quá hiểu các cầu thủ U19. Ngoài ra, HLV Miura có thể dẫn dắt đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup 2018, diễn ra trùng với thời điểm của SEA Games 28 vào tháng 6 năm sau.
Theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, VFF đã giao toàn quyền quyết định chuyên môn cho HLV Miura, nên việc HLV này có gọi cầu thủ U19 lên tuyển hay không còn phụ thuộc vào màn trình diễn những cầu thủ này tại V-League. Ngoài ra, nhiều người cho rằng thời gian diễn ra SEA Games 28 gần trùng với lịch đội tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại World Cup 2018 nên nghĩ rằng VFF cần hai HLV cho hai đội tuyển. HLV Graechen sẽ là người phù hợp nhất.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và HLV Miura

Tuy nhiên, theo ông Dũng, VFF chưa bao giờ tính tới chuyện mời HLV khác lên tuyển thay cho HLV Miura, bởi VFF sẽ tôn trọng bản hợp đồng đã ký với HLV này. VFF sẽ bàn với HLV Miura về kế hoạch và sắp xếp thời gian tập trung của 2 đội tuyển trong năm tới. VFF sẽ có cơ chế linh hoạt để không bó buộc HLV Miura. Cuộc làm việc sẽ được VFF giao cho Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn.
“Quyền quyết định trong mọi vấn đề chuyên môn thuộc về ông ấy và chúng tôi chỉ tạo điều kiện tối đa. Nhiệm vụ số 1 của bóng đá Việt Nam năm nay vẫn là SEA Games 28 ở Singapore. Vì thế, VFF sẽ dồn sức để tuyển Olympic có sự chuẩn bị tốt nhất”, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết.
Liên quan đến việc trùng lịch thi đấu, ông Dũng cho biết đã chỉ đạo phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đề xuất với AFC (LĐBĐ châu Á) thay đổi lịch thi đấu vòng loại World Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam. Cho đến thời điểm này dù AFC chưa có câu trả lời chính thức nhưng ông Dũng cho biết, AFC cam kết sơ bộ sẽ bố trí lại thời điểm diễn ra vòng loại World Cup để cách xa thời gian SEA Games 28.
Về phần mình, phát biểu trên báo chí ngày hôm nay, HLV Miura cho biết ông chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía VFF về vấn đề giao lại Olympic Việt Nam cho một HLV khác. Nhà cầm quân người Nhật Bản cũng khẳng định, rất hào hứng với nhiệm vụ dẫn dắt Olympic Việt Nam tham dự SEA Games 2015.
“Dĩ nhiên, tôi rất hào hứng được tham dự SEA Games 28 cùng tuyển Olympic. Trong đội hình tuyển Olympic dự Asiad 17 năm ngoái vẫn còn nhiều cầu thủ có thể tham dự SEA Games, và tôi rất muốn được làm việc lại với họ”, HLV Miura cho biết.

VFF được giao chỉ tiêu giành HCB SEA Games 28


thích

Trong bản báo cáo tại Hội nghị BCH Ủy ban Olympic VN diễn ra sáng nay tại trụ sở Bộ VH, TT&DL, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã bất ngờ giao chỉ tiêu cho VFF là phải đưa đội tuyển Olympic Việt Nam vào chung kết SEA Games 28 diễn ra tại Singapore tháng 6 năm nay.

Trong báo cáo của mình, đại diện Tổng cục TDTT nhấn mạnh các công việc chuẩn bị cho SEA Games 28-sân chơi trọng điểm của thể thao Việt Nam trong năm nay. Rất bất ngờ ở bản báo cáo này cũng có nói rõ việc đội tuyển Olympic Việt Nam phải vào chung kết SEA Games.
Tham dự Hội nghị, các quan chức VFF đã rất bất ngờ với chỉ tiêu này, bởi VFF chưa hề có cuộc làm việc nào với HLV Miura. Quan trọng hơn, tại SEA Games năm nay, VFF đặt mục tiêu trẻ hóa đội hình, không đặt nặng vấn đề thành tích để các cầu thủ có dịp cọ xát, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch “săn vàng” tại SEA Games 29 hai năm tới.
Ngay từ đầu năm, VFF đã thống nhất sẽ cử đội U19 làm nòng cốt tham dự SEA Games 28. Đây không phải là lần đầu tiên VFF lên tiếng sẽ cử cầu thủ U19 đi đá SEA Games. U19 Việt Nam đã thổi một luồng gió mới vào bóng đá nước nhà trong hơn 1 năm qua. Họ thi đấu rất hay, kỹ thuật cá nhân rất tốt, đặc biệt là các cầu thủ của Học viện Bóng đá HAGL Arsenal-JMG.

Olympic Việt Nam được giao chỉ tiêu phải giành HCB SEA Games 28

Theo một quan chức VFF, các cầu thủ U19 được thử lửa để làm quen với đấu trường SEA Games rồi chinh chiến thêm 3 năm ở V-League, nên VFF tin họ sẽ trưởng thành và chững chạc ở SEA Games 2017.
Nói là làm, mới đây, VFF đã tiết lộ bản danh sách sơ bộ tập trung đội tuyển Olympic Việt Nam. Trong bản danh sách của VFF, những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đã được gọi. Ngoài ra, khoảng 16 cầu thủ khác từng được gọi vào đội Olympic VN năm 2014 như trung vệ Phạm Mạnh Hùng, Đào Duy Khánh, hậu vệ Thanh Hiền, Văn Mạnh, Huy Toàn, Võ Ngọc Đức, Phạm Hoàng Lâm, tiền vệ Minh Hải, Sỹ Sâm, Cao Xuân Thắng, Đặng Anh Tuấn, tiền đạo Hồ Ngọc Thắng, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Văn Thành... cũng có tên trong danh sách.
Việc VFF gọi nhiều cầu thủ trẻ lên tuyển lần này không khiến nhiều người bất ngờ, bởi trong những phát biểu trước đó, các lãnh đạo cấp cao VFF đều khẳng định ủng hộ tuyệt đối kế hoạch trẻ hóa lực lượng của HLV Miura, trong đó có việc quan tâm đặc biệt tới lứa U19.
Nghịch lý ở chỗ, trong khi VFF chỉ đặt mục tiêu tham dự SEA Games 28 để các cầu thủ trẻ trưởng thành, làm quen với sân chơi khu vực, thì cấp trên lại giao nhiệm vụ vào chung kết.
Hơn 50 năm qua, bóng đá Việt Nam khát khao đến cháy bỏng tấm HCV, nhưng cũng chính vì thế mà cách làm luộn nóng vội, ăn xổi. Lần này VFF muốn có sự chắc chắn, chuẩn bị lực lượng cho kỳ SEA Games 2 tới, với những cầu thủ được rèn luyện tại sân chơi V-League, kết hợp với những chuyến tập huấn nước ngoài.
Theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, bóng đá Việt Nam cần có cái nhìn xa hơn và nên tin dùng lứa U19 sau 3 năm nữa. Nếu không thành công SEA Games năm sau thì sẽ thành công ở SEA Games năm sau nữa. "Tôi cho rằng mới đầu có thể chúng ta sẽ thua, sẽ không có thành tích, nhưng khi lứa U19 hiện nay đủ bản lĩnh rồi, họ sẽ vô địch SEA Games, thậm chí vô địch nhiều lần”, ông Dũng nói.
Về chỉ tiêu của Tổng cục TDTT đưa ra sáng nay, người đứng đầu của VFF cho rằng, đây là chỉ tiêu do Ủy ban Olympic Việt Nam đề ra. VFF và Ủy ban Olympic chưa có bàn bạc để thống nhất về chỉ tiêu này. Các bên sẽ có cuộc làm việc trong thời gian tới để thống nhất lại lần cuối.
Cũng trong sáng nay, với 100% phiếu thuận, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa IV nhiệm kỳ 2012- 2016.

Olympic Việt Nam đá giao hữu với Indonesia và Uzbekistan


Để giúp thầy trò HLV Miura có sự chuẩn bị tốt nhất cho vòng loại U23 châu Á 2016, VFF đã mời 2 quân xanh chất lượng là Olympic Indonesia và Uzbekistan đá giao hữu vào đầu tháng 3 tới. Vấn đề chuẩn bị lực lượng cũng sẽ được HLV Miura chốt lại vào đầu tháng 2 để tiếp 2 đội bóng này.

Olympic Indonesia và Uzbekistan không còn là những cái tên xa lạ với bóng đá Việt Nam. Trên BXH mới nhất của FIFA, Uzbekistan xếp ở vị trí thứ tư tại châu Á (sau Iran, Nhật Bản và Hàn Quốc). Ở lần gặp gỡ gần đây nhất, đội bóng Trung Á đã khẳng định sức mạnh khi 2 lần đánh bại đội tuyển Việt Nam với tỷ số lần lượt 3-0 và 3-1 tại vòng loại Asian Cup 2015.
Được đánh giá rất cao, nên VFF đặt rất nhiều kỳ vọng đối thủ này sẽ giúp thầy trò HLV Miura cọ xát, hoàn thiện mình. Trong khi đó, sự hiện diện của U23 Indonesia cũng hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả hâm mộ Việt Nam sự phấn khích đặc biệt.

Thầy trò HLV Miura sẽ được tạo điều kiện tối đa để thi đấu ở SEA Games 28

Để chuẩn bị cho đợt tập trung sắp tới , HLV trưởng Toshiya Miura đã lên kế hoạch trực tiếp theo dõi các trận đấu tại V-League 2015 nhằm tuyển chọn những gương mặt xuất sắc nhất cho ĐT Olympic Việt Nam. Mới đây, VFF cũng đã công bố 40 cái tên sẽ được triệu tập đợt tới, nhưng HLV Miura sẽ chỉ chọn ra 30 cầu thủ.
Theo đó, VFF đã lập danh sách sơ bộ khoảng 40 cầu thủ sinh năm 1993, 1994, 1995 để ông Miura tham khảo, trên cơ sở đó lập đội tuyển Olympic vừa chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á trong tháng 3 vừa hướng đến SEA Games vào tháng 6 tại Singapore.
Việc VFF gọi nhiều cầu thủ trẻ lên tuyển lần này không khiến nhiều người bất ngờ, bởi trong những phát biểu trước đó, các lãnh đạo cấp cao VFF đều khẳng định ủng hộ tuyệt đối kế hoạch trẻ hóa lực lượng của HLV Miura, trong đó có việc quan tâm đặc biệt tới lứa U19.
Chính vì thế, trong bản danh sách của VFF, những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đã được gọi. Ngoài ra, khoảng 16 cầu thủ khác từng được gọi vào đội Olympic VN năm 2014 như trung vệ Phạm Mạnh Hùng, Đào Duy Khánh, hậu vệ Thanh Hiền, Văn Mạnh, Huy Toàn, Võ Ngọc Đức, Phạm Hoàng Lâm, tiền vệ Minh Hải, Sỹ Sâm, Cao Xuân Thắng, Đặng Anh Tuấn, tiền đạo Hồ Ngọc Thắng, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Văn Thành... cũng có tên trong danh sách.
Nếu không có gì thay đổi, danh sách đội tuyển Olympic VN gồm 30 cầu thủ sẽ được công bố vào ngày 14/2, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Đội sẽ tập trung tại Hà Nội vào ngày 25/2. Olympic Việt Nam sẽ sang Malaysia dự vòng loại U/23 châu Á từ ngày 23 – 31/3. Đây cũng chính là giải đấu chuẩn bị cho SEA Games 28, sẽ diễn ra vào tháng 6 tới tại Singapore.

Tân Đại sứ Mỹ hiến máu góp quà Tết cho cộng đồng


thích

Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sáng nay 15/1 đã tham gia hiến máu trong khuôn khổ một hoạt động nhân đạo đầy ý nghĩa do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức như một món quà cho cộng đồng khi kỳ nghỉ Tết đang đến gần.

Đại sứ Mỹ Ted Osius và ông Lê Lâm, Viện phó Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương Việt Nam, chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người trước khi buổi hiến máu bắt đầu.
 
Đợt hiến máu nhân đạo mang tên “Quà Tết” được tổ chức tại Tòa nhà Vườn Hồng, 170 Ngọc Khánh, Hà Nội. Đây là đợt hiến máu lần thứ 4 liên tiếp được Đại sứ quán Mỹ phát động tại Hà Nội, sau các lần tổ chức thành công vào 3 năm trước đó.
 
Trong hoạt động lần này, Đại sứ quán Mỹ không chỉ mời các nhân viên Đại sứ quán tham gia mà còn mới các đại sứ quán khác và các thành viên gia đình, bạn bè họ, cũng như Phòng thương mại Mỹ và các công ty của Mỹ, các đơn vị tham gia Hội chợ Y tế của Đại sứ quán năm 2014 và và các sinh viên đại học.
Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và Phó Đại sứ Claire Pierangelo nằm trong số những người đầu tiên tham gia hiến máu vào sáng nay.
Đại sứ Osius được khám sức khỏe trước khi hiến máu.
Đại sứ quán Mỹ tổ chức đợt hiến máu này để đáp ứng nhu cầu trong kỳ nghỉ Tết, khi số người hiến tặng máu thường giảm, cũng như để nâng cao nhất thức về tầm quan trọng của việc có một nguồn cung máu ổn định từ những người hiến máu tình nguyện, và để ghi nhận thành tích của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương Việt Nam về sự tiến bộ vững vàng trong việc tăng nguồn cung máu quốc gia trong những năm gần đây.
Tại Việt Nam, tuy có những cải thiện đáng kể trong việc hiến tặng máu, nguồn cung hiện nay chỉ đáp ứng 60% nhu cầu. Cũng xảy ra sự thiếu hụt thường xuyên về nguồn cung máu cho các bệnh nhân trên toàn quốc, đặc biệt trong các kỳ nghỉ Tết và mùa hè do sự khan hiếm về người hiến tặng máu.
 
Đại sứ Osius trò chuyện với nhân viên y tế khi tham gia hiến máu.
 
Phát biểu với báo giới sau khi hiến máu, Đại sứ Osius cho hay ông rất vui khi tham gia một vào sự kiện nhân đạo đầy ý nghĩa.
 
Theo ông Osius, số người hiến máu tình nguyện tại Việt Nam ngày càng tăng và đó là một xu hướng rất tốt nhưng vẫn cần nhiều hơn thế nữa và "thông điệp của chúng tôi là việc hiến máu sẽ giúp ích cho những người cần đến nó".
 
“Chúng tôi là một phần trong cộng đồng tại đây và gắn bó với Việt Nam. Chúng tôi có những người bạn là người Việt Nam và chúng tôi có những cam kết và đóng góp cho cộng đồng”, ông Osius nói.
 
Phó Đại sứ Mỹ Claire Pierangelo (trái) cũng tham gia hiến máu.
 
Khu vực đăng ký hiến máu.
 
Ông Osius cho biết thêm thúc đẩy hợp tác y tế là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông và buổi hiến máu hôm nay là một ví dụ sinh động cho điều đó.
 
Tham dự buổi lễ, ông Lê Lâm, Phó viện trưởng Việt Huyết học-Truyền máu Trung ương, đánh giá đây là một hoạt động rất ý nghĩa của Đại sứ quán Mỹ trước dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.
 
Theo ông Lâm, các đại sứ quán nước ngoài rất ý thức trong việc hiến máu nhân đạo và mỗi khi Việt Huyết học-Truyền máu Trung ương đề nghị họ đều thực hiện khi sắp xếp được. Ông cũng hi vọng rằng các hoạt động hiến máu như thế này tiếp tục được nhân rộng.
 
Ông Lê Lâm, Phó viện trưởng Việt Huyết học-Truyền máu Trung ương, trả lời phỏng vấn báo chí tại sự kiện.
 
Trong đợt hiến máu đầu tiên của Đại sứ quán Mỹ vào ngày 25/9/2012, có 62 người hiến, đợt thứ hai vào ngày 11/1/2013, có 80 người hiến, và có 80 người khác hiến máu trong đợt thứ 3 vào ngày 30/8/2014.
 
Một số hình ảnh khác về buổi hiến máu sáng ngày 15/1:
 

Người đầu tiên hiến máu trong sáng nay là một phụ nữ nước ngoài.

Tiếp đó là tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
 
Bên trong khu vực hiến máu.


Các bạn trẻ trong và ngoài nước tham gia hoạt động nhân đạo.
 
Đại sứ Osius vui vẻ trò chuyện sau khi hiến máu.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và Phó viện trưởng Việt Huyết học-Truyền máu Trung ương Lê Lâm trao đổi tại sự kiện.

Kế hoạch công phu bảo vệ Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ


Các cơ quan an ninh Ấn Độ và Mỹ đang hoàn tất kế hoạch bảo vệ Tổng thống Barack Obama tại thủ đô New Delhi, nơi ông sẽ làm khách chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1) và hai thành phố khác mà ông có thể tới thăm là Agra và Varanasi.

Tổng thống Obama luôn được bảo vệ nghiêm ngặt
 
Theo báo “Economic Times” ngày 12/1, một đội liên lạc tiền trạm của cơ quan Mật vụ Mỹ đã tiến hành các cuộc họp với những người đồng cấp Ấn Độ và ngày 16/1 sẽ họp lần cuối để chốt lịch trình của Tổng thống Obama trong chuyến thăm.
Cho đến nay vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Obama có đi cùng Tổng thống Pranab Mukherjee trên chiếc xe limousine chống đạn, mang biệt danh “the Beast” (Quái vật) của ông hay không.
Các cơ quan an ninh Mỹ và Ấn Độ phải triển khai thêm biện pháp bảo vệ Tổng thống Obama bởi ông sẽ ngồi trên khán đài ngoài trời tại khu vực phố Rajpath trong hơn hai giờ để xem các đoàn diễu binh của Ấn Độ trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa.
Khả năng một tấm lá chắn chống đạn sẽ được dựng lên ở phía trong và xung quanh khu vực dành cho những nhân vật tối quan trọng (VVIP).
Trong khi đó, nhân viên mật vụ Mỹ sẽ tiếp quản những vị trí trọng yếu, trong đó có các nhà cao tầng ở khu vực lân cận. Những tay súng bắn tỉa sẽ được triển khai tại các vị trí thuận lợi, trong khi Lực lượng không quân Ấn Độ làm nhiệm vụ cảnh giới trên không để bảo đảm an ninh cho khu vực diễu binh và khu vực khán đài.
Ít nhất 10.000 lính bán vũ trang trung ương của Ấn Độ sẽ cùng lực lượng cảnh sát hùng mạnh gồm 80.000 nhân viên của New Delhi chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh ở trong và xung quanh Rajpath, nơi diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa.
Các ngả đường vào phố Rajpath hiện đã bị đóng; tất cả các tòa nhà như Dinh Tổng thống, Phủ Thủ tướng, trụ sở bộ Ngoại giao, Viện Bảo tàng … ở trung tâm New Delhi từ ngày 24/1 không ai được phép vào, trừ nhân viên an ninh.

Thủ tướng: Nếu hàng trăm chỉ đạo với Vinashin được thực hiện…


“Với Vinashin, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng trăm văn bản chỉ đạo. Thủ tướng nhắc không được mua tàu cũ mà rồi tàu nát vẫn được mua về mà không ai biết…” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại bài học về hiệu quả, hiệu lực hoạt động điều hành của Chính phủ.

Sáng 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo về nhiệm vụ tham mưu tổng hợp phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong năm, văn phòng đã tiếp tục cải tiến, đổi mới công tác, tạo chuyển biến mạnh trong việc xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách (trọng tâm là các dự án luật, pháp lệnh thực thi Hiến pháp).
Năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, tham mưu tổng hợp trình 29 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có nhiều dự án lớn, phức tạp; ban hành 42/48 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đạt 88%. Cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản (năm 2012 nợ 24 văn bản, năm 2013 nợ 17 và năm 2014 chỉ còn nợ 6 văn bản, trong đó không có văn bản nào thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng phải nợ lại).
 
Văn phòng Chính phủ cũng tiếp nhận, xử lý hơn 95.000 văn bản trong năm, tổng hợp trình lãnh đạo Chính phủ hơn 14.600 công việc cần giải quyết; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 24.300 văn bản. Hầu hết các ý kiến đề xuất độc lập của Văn phòng đã được lãnh đạo Chính phủ chấp thuận.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Tuy vậy, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ vẫn xác nhận nhiều hạn chế trong năm 2014. Một số đề án trong chương trình công tác được chỉ rõ là chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn còn chậm. Việc theo dõi, nắm bắt tình hình, tham mưu xử lý, chỉ đạo giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm đôi khi chưa kịp thời; chưa có nhiều thông tin phân tích sâu sắc để chủ động định hướng dư luận hoặc phản bác thông tin sai trái.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế tồn tại đó là do chủ quan, ý thức trách nhiệm của một sốc án bộ, đảng viên, công chức chưa cao. Một số cấp uỷ Đảng chưa có biện pháp hữu hiệu nắm bắt diễn biến tư tưởng của đảng viên, chưa coi trọng công tác giám sát.
Việc đôn đốc, giám sát thực hiện chương trình công tác trong một số trường hợp cũng còn thiếu quyết liệt. Chia sẻ thông tin trong phối hợp thẩm tra các đề án còn hạn chế chưa phát huy được trí tuệ tập thể.
Góp ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp Vũ Thiện Vương trả lời câu hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra 1 năm trước: ai là người giúp Thủ tướng tổng hợp, theo dõi, đốc thúc, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Ông Vương khẳng định, Văn phòng Chính phủ đã triển khai, thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn hẳn, trong năm 2014.
Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã giao cho một Phó Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách, đốc thúc triển khai các văn bản, chỉ đạo xuống từng đơn vị, theo dõi và báo cáo, cập nhật việc thực hiện hàng tuần.
“Năm ngoái Thủ tướng hỏi, chúng tôi còn băn khoăn nhưng giờ, nếu được yêu cầu, sau 5 phút, chúng tôi có thể báo cáo ngay là bộ nào, cơ quan nào còn “nợ” thực hiện bao nhiêu văn bản, nợ quá hạn bao nhiêu ngày. Hàng tuần chúng tôi đều tổng hợp lại số liệu để thúc xuống, các bộ ngành còn nợ không thể “cãi” được” – ông Vương khẳng định.
Đối chiếu với việc thực hiện nhiệm vụ này thời gian trước, ông Vương so sánh, vụ Vinashin xảy ra, rà soát lại mới thấy trong 1 năm trước đó, Chính phủ đã có 187 văn bản, quyết định nhắc nhở, chỉ đạo đối với tập đoàn này mà không có hồi âm, báo cáo kết quả thực hiện. Nếu chỉ 1/3 số văn bản này được thực hiện thì đã không có hệ quả đáng tiếc như đã xảy ra.
Vụ trưởng Vụ pháp luật Phạm Tuấn Khải cũng nhắc một trăn trở của Thủ tướng về vấn đề nhân sự, con người trong bộ máy của Văn phòng Chính phủ khi ý kiến, hoạt động tham mưu cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng vẫn có nhiều e dè, chưa phát huy được hết tinh thần chủ động, sáng tạo. Ông Khải cho rằng, đây là một nghịch lý khi các chuyên viên của Văn phòng đều được tuyển chọn từ các bộ, ngành đưa về, đáng ra việc nắm thông tin, tình hình và tham mưu trong mỗi lĩnh vực theo dõi đều phải rất tốt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ băn khoăn của các các bộ. Nhắc lại việc hàng trăm văn bản chỉ đạo Vinashin trước đây “mất hút” như đá ném ao bèo, Thủ tướng chỉ rõ: “Thủ tướng nhắc không được mua tàu cũ mà rồi tàu nát vẫn được mua về mà không ai biết, làm trái cũng không có đề xuất xử lý gì. Cuối cùng, là Thủ tướng, tôi đành chịu, phải nhận trách nhiệm… Cần rút kinh nghiệm từ việc này, chúng ta ban hành văn bản rồi thì phải nắm được chỉ đạo đó được thực hiện đến đâu”. Thủ tướng nêu yêu cầu, mỗi chuyên viên của Văn phòng Chính phủ soạn, trình văn bản nào phải theo dõi, đôn đốc luôn việc thực hiện yêu cầu, chỉ đạo. Chính việc này thể hiện hiệu lực, hiệu quả của công tác điều hành.
Thủ tướng nhắc ngay việc hiện tại, vừa qua làm việc, Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan đã cam kết giảm thủ tục, cắt giảm giờ nộp thuế, làm thủ tục hải quan xuống hơn 200 giờ nhưng đó mới chỉ là kết quả giảm trên giấy, thực tế triển khai như nào, Văn phòng Chính phủ phải kiểm soát, nắm thông tin thay cho Thủ tướng xem doanh nghiệp phải mất bao nhiêu ngày làm việc này.
Thủ tướng cũng ghi nhận hướng tiến bộ tích cực của Văn phòng trong năm 2014 qua nhiều việc chủ động tham mưu như vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng khiến 12 công nhân mắc kẹt, những vướng mắc trong quản lý người nghiện… để Chính phủ có hướng chỉ đạo kịp thời.
Thủ tướng lưu ý thời gian chuẩn bị có các sự kiện lớn của đất nước tới đây, những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Văn phòng Chính phủ phải chủ động nắm bắt, phải tổng hợp, tham mưu để để xuất Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ phận thông tin phản hồi. Thủ tướng nhắc chủ động nắm bắt dư luận trên các mạng xã hội, triển khai tuyên truyền, đấu tranh bằng lý lẽ ngay trên “mặt trận” này để người dân thấy nhà nước vẫn luôn hiện diện, song hành.

Hà Nội bầu bổ sung 2 Phó Bí thư Thành ủy


Sáng 15/1, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 19 đã lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy khóa XV và bầu bổ sung hai Phó Bí thư Thành ủy.

Nội dung quan trọng của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 19 là lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy khóa XV và bầu bổ sung Phó Bí thư Thành ủy khóa XV.
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khai mạc sáng 15/1
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội - yêu cầu các cá nhân tham dự hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan khi tham gia lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy khóa XV.
Đặc biệt, các cá nhân tham gia lấy phiếu phải căn cứ trên hai tiêu chí cơ bản là: năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao; phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ để đánh giá, đảm bảo mỗi lá phiếu sẽ là một nhận xét, đánh giá chân thành, xây dựng và khách quan.
Đối với dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Bí thư Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến phân tích, lãm rõ hơn những kết quả nổi bật, những mặt còn hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục ngay. Đồng thời nêu rõ những kiến nghị, đề xuất về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phù hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010-2015, nhất là công tác nhân sự phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.
Về báo cáo kết quả kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy năm 2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị các thành viên tham dự hội nghị thẳng thắn đóng góp ý kiến không nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Xe tải lao xuống kênh, tài xế thoát chết


Một chiếc xe tải lưu thông trên đường Tô Hiệu bất ngờ mất lái, tông gãy hàng rào chắn rồi lao thẳng xuống kênh.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11h trưa 15/1, trên đường Tô Hiệu, đoạn qua phường Hiệp Trung, quận Tân Phú, TPHCM.
Hiện trường xe tải lao xuống kênh

Thông tin ban đầu, thời điểm trên, chiếc xe tải BKS 61C- 065.71 lưu thông trên đường Tô Hiệu, hướng từ đường Phan Anh về đường Hòa Bình. Khi đến đoạn gần giao lộ Hòa Bình, chiếc xe tải bất ngờ mất lái tông gãy hàng rào sắt ven kênh Tô Hiệu rồi lao thẳng xuống kênh này.
Tại hiện trường, chiếc xe tải nằm nghiêng giữa kênh, bùn và nước dính đầy cabin xe.
Rất may, thời điểm xảy ra sự cố, nước kênh cạn nên tài xế đã kịp thời thoát ra noài an toàn.
Chiếc xe được cẩu lên.

Đến 12h cùng ngày, hai xe cẩu được điều đến khu vực để cẩu chiếc xe gặp nạn lên.

Đào nở rộ, vùng cao "đón Tết" sớm


Mặc dù đang giữa tiết trời đông giá rét, nhưng trên vùng núi Cao Sơn của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, mùa xuân như đã về đến ngõ, bên những cây đào nở hoa rực rỡ.

Dọc theo những sườn đồi hay những con đường trong bản, những cây đào đã bung hoa, đua nở giữa mùa đông giá rét. Theo người dân các bản làng vùng cao của huyện miền núi Bá Thước, năm nay là năm nhuận nên thời điểm này, nhiều cây đào rừng cũng như đào dân trồng đều đã bung nở.
Hiện tượng đào nở sớm hàng loạt khiến bà con thất thu trong dịp Tết sắp tới. 
Hoa đào bung nở nơi Cao Sơn.

Những cây đào khoe sắc sớm giữa tiết trời đông giá lạnh.
Những cây đào bên hiên nhà, trên những sườn núi đua nhau khoe sắc.


Đào bung nở trên những bản làng như mang mùa xuân đến sớm với bà con nơi đây.

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Ban trọng tài phủ nhận chuyện bênh vực HA Gia Lai


Sau khi phía ĐT Long An lên tiếng cho rằng trọng tài Nguyễn Ngọc Châu trong trận đấu giữa ĐT Long An với HA Gia Lai đã thổi có phần “ép” đội chủ nhà, Ban trọng tài đã khẳng định không hề có chủ trương phải bênh vực HA Gia Lai trong mùa này.

Ngay sau trận đấu ĐT Long An – HA Gia Lai hôm 11/1, HLV Ngô Quang Sang của Gạch cho biết ông không hài lòng về trọng tài, dù ĐT Long An chiến thắng. 

Theo HLV Ngô Quang Sang thì trong hiệp 1 của trận đấu này, Gạch phải được hưởng hơn 1 quả phạt đền. Rõ nhất là tình huống Tài Em bị cầu thủ của HA Gia Lai xô ngã trong khu vực 16m50 của Gỗ, nhưng thay vì cho ĐT Long An hưởng phạt đền, trọng tài Nguyễn Ngọc Châu lại phạt thẻ vàng Tài Em của ĐT Long An vì lỗi phản ứng.

Trọng tài Nguyễn Ngọc Châu bị phàn nàn vì bỏ qua nhiều tình huống đáng được hưởng phạt đền của ĐT Long An (ảnh: Kim Điền)

Cũng theo vị HLV của Gạch, ở trận đấu đấy, trong những tình huống tranh chấp năm ăn năm thua, các quyết định của trọng tài Nguyễn Ngọc Châu đều theo hướng có lợi cho đội khách.

Sau phản ứng này của phía ĐT Long An, trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi khẳng định theo báo cáo của giám sát trọng tài trong trận đấu ấy thì trọng tài Nguyễn Ngọc Châu đã hoàn thành nhiệm vụ.

Người đứng đầu Ban trọng tài một lần nữa khẳng định các trọng tài chỉ làm theo luật và xử lý nghiêm với hành vi bạo lực nói chung.

Sở dĩ công tác trọng tài trong những trận đấu có sự hiện diện của HA Gia Lai bị “soi” kỹ vì trước khi giải diễn ra, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trong phát biểu của mình đã nêu cụ thể rằng các trọng tài cần phải bảo vệ lứa U19 của bầu Đức, bảo vệ bóng đá Việt Nam. Rồi chính ông Dũng cho biết bầu Đức đã có lời nhờ ông bảo vệ các cầu thủ của ông Đức, vì lo sợ những cầu thủ này bị đá thô bạo.

Dù sau đó, phía VFF và Ban trọng tài nhất loạt khẳng định không có chuyện bảo vệ riêng đội bóng của bầu Đức, mà bảo vệ cả nền bóng đá, nhưng việc người đứng đầu VFF nêu đích danh một lứa cầu thủ khiến cho dư luận nói chung càng muốn “soi” giới trọng tài khi họ làm việc xung quanh nhóm cầu thủ này.

Sân Pleiku lên phương án đối phó với tình trạng quá tải


Trước khi tiếp Thanh Hóa ở vòng 3 V-League, HA Gia Lai lo nhất là tình trạng mất an toàn có thể xảy ra, sau sự cố “vỡ sân” ở vòng 1. Hiện tại, sân Pleiku và BTC trận đấu đang lên những phương án kiểm soát chặt lượng người đổ vào trong sân.

Theo đó, ngay sau khi nhận án phạt cảnh cáo từ phía VFF, sân Pleiku đã lên phương án gia cố các cổng kiểm soát cho kiên cố hơn, tránh tình trạng khán giả ào vào sân nhưng lực lượng làm nhiệm vụ không thể ngăn được như ở vòng 1.

BTC sân Pleiku không muốn tình trạng quá tải này tái diễn

Ngoài ra, phương án bán vé cũng được tính lại. Theo đại diện phía CLB HA Gia Lai, BTC trận đấu chỉ bán vé trong ngày trận đấu diễn ra là 17/1, thay vì bán rải rác vài ngày như trận tiếp Khánh Hòa hôm 4/1, với mục đích là không để dân phe vé đầu cơ, cũng như không cho dân làm vé giả có thời gian để in “lậu” những chiếc vé này.

Rồi để tránh tình trạng vé giả, BTC trận đấu sẽ cho in tem chống giả lên mỗi chiếc vé. Theo phía CLB HA Gia Lai cho hay, ở trận tiếp Khánh Hòa tại vòng 1, sở dĩ sân Pleiku quá tải vì có quá nhiều người sử dụng vé giả để vào sân.

Theo GĐĐH CLB HA Gia Lai Huỳnh Mau, ở trận HA Gia Lai tiếp Thanh Hóa vào ngày 17/1 tới đây, BTC trận đấu chỉ bán gần 9.000 vé, khoảng hơn 1.000 vé còn lại là vé mời và vé xem nguyên mùa đã được BTC sân Pleiku phát hành trước đó.

Trước đây, BTC sân Pleiku lên phương án đặt màn hình lớn ngay bên ngoài sân bóng để phục vụ khán giả không mua được vé, nhằm giảm tải, nhưng phương án này chưa được địa phương thông qua, do xung quanh sân Pleiku không có không gian thoát hiểm như thường thấy ở các SVĐ đúng chuẩn khác.

Nếu đặt màn hình lớn ngay bên ngoài sân thì lại dễ gây ách tắt giao thông, do sân Pleiku nằm sát mặt đường.

FIFA bị tố cáo gian lận phiếu bầu


Trên trang Twitter cá nhân, tiền vệ Arda Turan đã tố cáo FIFA cố tình làm sai lệch kết quả bầu chọn của mình ở danh hiệu HLV xuất sắc nhất thế giới.

Sau mỗi lần trao giải thưởng Quả bóng vàng, FIFA đều bị tố cáo gian lận phiếu bầu. Sau buổi lễ trao giải mới đây, cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá thế giới tiếp tục hứng chịu những điều tiếng không hay.

Ardu Turan khẳng định đã bầu HLV Simeone xuất sắc nhất

Cụ thể, tiền vệ Arda Turan, đội trưởng đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, đã lên tiếng tố cáo FIFA cố tình làm sai lệch kết quả bầu chọn của mình ở danh hiệu HLV xuất sắc nhất thế giới. Cụ thể, theo công bố của FIFA, Turan đã bầu chọn J.Low ở vị trí số 1, Mourinho thứ 2 và Simeone thứ 3.
Mặc dù vậy, theo xác nhận của tiển vệ Atletico Madrid, anh đã bầu chọn ông thày Simeone ở vị trí số 1 trong cuộc đua này (chứ không phải J.Low). Trên trang Twitter, Turan phân trần: “Liên quan tới cuộc bình chọn HLV xuất sắc nhất năm, tôi có rất nhiều câu hỏi muốn gửi đến FIFA để họ giải quyết.
Trong lá phiếu của tôi gửi đến FIFA, tôi đã lựa chọn HLV Simeone xuất sắc nhất và C.Ronaldo đứng số 1 trong cuộc đua giành Quả bóng vàng. Chính xác là vậy. Đối với tôi, Simeone là HLV xuất sắc nhất.
Tôi vô cùng hạnh phúc nếu như ông ấy đoạt giải. Vì vậy, tôi muốn cho mọi người cũng như báo chí biết sự thật này. Tôi muốn giải thích một lần nữa để tránh những sự hiểu nhầm đáng tiếc”.

Nhật thông qua ngân sách quốc phòng lớn chưa từng có



Chính phủ Nhật ngày 14/1 đã thông qua ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2015 với quy mô 42 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tiếp diễn.


Nhật sẽ đầu tư lớn cho lực lượng không quân và hải quân (Ảnh: AP)
Thông tin được chính phủ nước này công bố sáng nay. Theo đó, ngân sách quốc phòng năm tới sẽ ở mức 4,98 nghìn tỷ Yên, tương đương 42 tỷ USD, và tăng 2,8% so với năm ngoái và là năm thứ 3 tăng liên tiếp.

Các hạng mục lớn được đầu tư bao gồm chi mua máy bay, tàu hải quân và các phương tiện chiến đấu để bảo vệ biên giới trên biển với Trung Quốc, nước từ lâu vẫn mâu thuẫn với Tokyo về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phát biểu trước báo giới hôm Chủ nhật, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Gen Nakatani khẳng định: “Môi trường xung quanh Nhật Ban đang thay đổi. Mức độ chi quốc phòng phản ánh số tiền cần thiết để bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ Nhật, bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân chúng ta”.

Hiện so với Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng của Nhật chỉ bằng khoảng 1/3, sau khi Bắc Kinh quyết định gia tăng chi cho quân sự thêm hơn 12% trong năm ngoái.

Kể từ khi lên nắm quyền, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đảo ngược xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng kéo dài trong 11 năm trước đó. Hồi tháng 8 năm ngoái, Bộ quốc phòng nước này đã đề xuất ngân sách kỷ lục, để tậu một loạt khí tài hiện đại, trong đó có 20 máy bay tuần tra P-1, 6 chiến đấu cơ F-35 tối tân và một số lượng không công bố máy bay không người lái.