Thứ Hai, 24 tháng 2, 2025

Phim 'Nhà gia tiên' của Huỳnh Lập chạm mốc 100 tỷ đồng sau 4 ngày chiếu

Trong tuần đầu ra mắt, phim điện ảnh "Nhà gia tiên" do Huỳnh Lập đạo diễn, Phương Mỹ Chi đóng chính nhanh chóng dẫn đầu phòng vé và thu về 100 tỷ đồng.

Theo Box Office Vietnam, phim Nhà gia tiên của Huỳnh Lập đã vượt mốc 100 tỷ đồng (tính đến 11h15 ngày 24/2). Ra rạp từ ngày 21/2, phim nhanh chóng lấp kín các phòng chiếu.

Riêng trong 3 ngày cuối tuần, Nhà gia tiên thu gần 68 tỷ đồng với 763 nghìn vé từ 12 nghìn suất chiếu, vượt xa tất cả các phim còn lại, trở thành bất ngờ lớn của rạp chiếu năm nay. Hiện tại, Nhà gia tiên có khoảng 5.000 suất chiếu mỗi ngày, áp đảo vượt trội các đối thủ khác.

Phim của Huỳnh Lập ra rạp trong thời điểm nhiều phim như Bộ tứ báo thủ, Đèn âm hồn, Nụ hôn bạc tỷ... đã hạ nhiệt. Nếu giữ phong độ này, bộ phim sẽ sớm vươn đến cột mốc 200 tỷ đồng.

Diễn xuất của Phương Mỹ Chi được khen ngợi dù lần đầu đóng phim điện ảnh.

Diễn xuất của Phương Mỹ Chi được khen ngợi dù lần đầu đóng phim điện ảnh.

Nhà gia tiên là phim điện ảnh thứ 2 của đạo diễn - diễn viên Huỳnh Lập, thuộc thể loại hài - kinh dị, khai thác sâu sắc tình cảm gia đình. Phim xoay quanh Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi), nhà sáng tạo nội dung gen Z quyết định về lại căn nhà thờ tổ tiên mà gia đình mình đang sinh sống để cùng bạn thân tạo nên những clip gây sốt trên mạng xã hội.

Mất kết nối với gia đình, chịu đựng sự trọng nam khinh nữ từ nhỏ, vốn không tin vào chuyện tâm linh, Mỹ Tiên bắt đầu thay đổi kể từ khi bất ngờ nhìn thấy Gia Minh (Huỳnh Lập) - người anh trai chết từ 10 năm trước - vẫn tồn tại như hồn ma trong nhà. Mỹ Tiên và Gia Minh cùng nhau giữ lấy căn nhà gia tiên trước tình thế các thành viên trong gia đình giằng co phức tạp về chuyện phân chia tài sản.

Huỳnh Lập đảm nhận vai trò đạo diễn, biên kịch, diễn viên trong "Nhà gia tiên".

Huỳnh Lập đảm nhận vai trò đạo diễn, biên kịch, diễn viên trong "Nhà gia tiên".

Sau khi công bố, dự án thu hút khán giả do khai thác đề tài tâm linh, lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa truyền thống như những tập tục thờ cúng gia tiên, nghề bánh xèo, tranh kiếng... Ngoài ra, sự xuất hiện của "cô bé dân ca" Phương Mỹ Chi cũng góp phần kéo khán giả đến rạp. 

Trong ngày công chiếu, bộ phim nhận nhiều luồng ý kiến trái ngược. Giới chuyên môn đánh giá phim là một điểm sáng của điện ảnh Việt Nam năm 2025, thu hút khán giả mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ, để cùng suy ngẫm và trân trọng những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Diễn xuất của Phương Mỹ Chi được phần lớn người xem đánh giá cao, nhưng kịch bản của Huỳnh Lập bị nhận xét là hơi dài dòng. Một số ý kiến cho rằng phim thiếu tính điện ảnh, nhiều phân đoạn có góc quay và hình ảnh gợi cảm giác của web drama (phim chiếu mạng). 

Volume 90%
 

Trailer phim "Nhà gia tiên".

Đạo diễn Huỳnh Lập chia sẻ: "Bộ phim mang yếu tố tâm linh, nhưng đây không phải là chủ đề chính mà chúng tôi muốn truyền tải. Thực tế, đích đến của phim là gia đình. Bộ phim không chỉ là câu chuyện về những nghi thức thờ cúng tổ tiên; quan trọng hơn, nó là hành trình khám phá giá trị gia đình, tình yêu thương và sự biết ơn mà mỗi người trong chúng ta cần dành cho tổ tiên và những người thân yêu xung quanh”.

Theo: VTC NEWS

Trung Quân và nỗ lực thoát danh xưng "thánh mưa"

 

Sau một năm hoạt động đầy năng nổ với live concert 1689, Trung Quân có cơ hội nhìn lại hơn 17 năm làm nghề của mình và được anh chia sẻ trong Chuyển động 24h.

Mới đây  nam ca sĩ Trung Quân đã ra mắt một E.P mới mang tên B.U.I kết hợp với ca sĩ  Bùi Anh Tuấn. Sự chín muồi trong cách thể hiện cùng lối xử lý tinh tế của hai nam ca sĩ đã tạo nên dấu ấn riêng cho sản phẩm lần này. 

Trung Quân và nỗ lực thoát danh xưng thánh mưa - Ảnh 1.

Sau sự xuất hiện bất ngờ của cặp đôi Trung Quân và Bùi Anh Tuấn ở đường đua nhạc Valentine năm nay với ca khúc I Do. 2 nam ca sĩ đã tiếp tục mang tới khán giả E.P mới mang tên B.U.I gồm 5 ca khúc ballad đúng sở trường. Tên của album có ý nghĩa đặc biệt, là họ Bùi trong tên của hai ca sĩ, như một cách đánh dấu dự án âm nhạc kết hợp đầu tiên, là lời hẹn 10 năm của họ.

Ca sĩ Trung Quân chia sẻ trong chương trình, cái tên B.U.I có 2 ý nghĩa, đó là sự ngọt ngào trong tình yêu, thứ hai có nghĩa là cát bụi. 

Nhìn lại hành trình 17 năm hoạt động của nam nghệ sĩ, Trung Quân đã luôn cố gắng làm mới mình và trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày trong mắt khán giả. Ít ai biết, thời gian đầu, Trung Quân cũng chưa từng nghĩ hành trình mình đi lại nhận được nhiều yêu thương như thế.

Trung Quân và nỗ lực thoát danh xưng thánh mưa - Ảnh 2.

 Chia sẻ về những ngày đầu mới bước vào làng nhạc, Trung Quân nhớ lại: "Thời gian đầu Quân không có gì cả, không có ngoại hình, không có tài chính, không có mối quan hệ và trong giới showbiz rộng lớn như vậy mình không biết bám vào đâu để đi lên. Lúc đầu Quân đi hát để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Đến năm 2025, khi Quân có bài hát Chưa bao giờ được khán giả đón nhận đã giúp mình nhận ra mình có khả năng nên từ đó từ đó tập trung và coi đó là một công việc. 

Theo: VTV.vn

Đường dây lừa đảo tiền ảo 2.000 tỷ đồng: Tổ chức hội thảo xa hoa, hứa hẹn lợi nhuận 100 lần

 

Để chiếm lòng tin, chúng triển khai nhiều chiến dịch quảng bá rầm rộ, tổ chức những hội thảo xa hoa, vẽ ra viễn cảnh đầu tư hấp dẫn.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã triệt phá một đường dây lừa đảo tiền ảo trị giá hơn 2.000 tỷ đồng, hàng nghìn người đã rót vốn và sập bẫy. Vậy thủ đoạn tinh vi này được thực hiện như thế nào?

Đường dây lừa đảo tiền ảo 2.000 tỷ đồng: Tổ chức hội thảo xa hoa, hứa hẹn lợi nhuận 100 lần - Ảnh 1.

Những cuộc hội thảo được tổ chức tại những khách sạn nhà hàng sang trọng

Những cuộc hội thảo được tổ chức tại những khách sạn nhà hàng sang trọng. Mỗi tư vấn viên làm việc với một nhà đầu tư, vẽ ra những viễn cảnh giàu sang. Các đối tượng giới thiệu về ứng dụng ví nạp rút tiền ảo, cũng là ứng dụ do nhóm đối tượng tự lập ra.

Đường dây lừa đảo tiền ảo 2.000 tỷ đồng: Tổ chức hội thảo xa hoa, hứa hẹn lợi nhuận 100 lần - Ảnh 2.

Mỗi tư vấn viên làm việc với một nhà đầu tư, vẽ ra những viễn cảnh giàu sang.

Đường dây lừa đảo tiền ảo 2.000 tỷ đồng: Tổ chức hội thảo xa hoa, hứa hẹn lợi nhuận 100 lần - Ảnh 3.

''Nó giống như 1 siêu thị công nghê, dùng hết trên này. Những tỷ phú, cá mập triệu đô đều đổi ở đây, chứ không ai lên sàn, chức năng rất phù hợp với cả những người cao tuổi. Ví này kinh khủng lắm, không thiếu thứ gì hết. Kinh khủng lắm'', một đối tượng giới thiệu về ứng dụng ví nạp rút tiền ảo.

Một trong những nạn nhân đã đầu tư số tiền lớn nhất là 13 tỷ đồng, một người đàn ông đã 60 tuổi bị các đối tượng dụ dỗ thậm chí ông đã cắm sổ đỏ để có tiền đưa cho đối tượng. 

Những nhóm nhà đầu tư được tạo ra và kết nối với nhau trên mạng xã hội. Nhiều người liên tục khoe lợi nhuận, số tiền từ vài chục triệu đến vài trăm triệu chỉ một thời gian ngắn, trở thành những doanh nhân thành đạt, không cần phải làm gì khiến nhiều người tin cơ hội làm giàu có thật.

Đường dây lừa đảo tiền ảo 2.000 tỷ đồng: Tổ chức hội thảo xa hoa, hứa hẹn lợi nhuận 100 lần - Ảnh 4.

Theo Công an thành phố Hà Nội, công nghệ đang giúp những đối tượng lừa đảo tạo ra những hình ảnh doanh nhân giả mạo, giấy phép giả, thậm chí cả clip "phỏng vấn doanh nhân thành đạt" cũng là giả mạo.

Từ số tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng cầm đầu trong nước nhận số tiền hoa hồng khoảng 1 tỷ đồng 1 tháng, số tiền còn lại được chuyển ra nước ngoài cho các đối tượng cầm đầu người nước ngoài.

Công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra dòng tiền này.

Theo khuyến cáo của cơ quan công an, dù bạn bè, đồng nghiệp có giới thiệu kiếm được lợi nhuận từ một mô hình tài chính nào đó, cũng đừng vội tin. Hãy tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư, tránh trở thành nạn nhân tiếp theo.

Theo: VTV.vn

Triệt phá đường dây rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia hơn 2.000 tỷ đồng

 

Các đối tượng tại cơ quan công an. (Ảnh: CA)

Công an tỉnh Đồng Nai ngày 24/2 thông tin, đơn vị vừa triệt phá đường dây chuyển tiền đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo trên không gian mạng, hoạt động xuyên quốc gia.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện nhóm người ngụ tại địa bàn TP Biên Hòa thực hiện hành vi chuyển tiền cho đường dây đánh bạc và lừa đảo trên không gian mạng hoạt động xuyên quốc gia có trụ sở tại Campuchia.

Nhóm này mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng che giấu nguồn gốc và rửa tiền tại Việt Nam, trải dài ở các địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng với số tiền giao dịch trên 2.000 tỷ đồng.

Nhận định đây là đường dây tội phạm quy mô lớn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án để đấu tranh triệt xóa đường dây tội phạm này.

Triệt phá đường dây rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia hơn 2.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Cơ quan công an làm việc với đối tượng K. (Ảnh: CA)

Ngày 12/2, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Công an thành phố Hà Nội, Đà Nẵng bắt 18 đối tượng, khám xét nơi ở, làm việc của các đối tượng, thu giữ nhiều máy tính, điện thoại và thiết bị công nghệ.

Khám xét chỗ ở của đối tượng tên K. (người giữ vai trò cầm đầu), lực lượng chức năng thu giữ 2 bộ máy tính, 13 điện thoại di động, 26 dấu mộc, 100 thẻ sim đã sử dụng, 80 sim điện thoại chưa sử dụng, hơn 300 triệu đồng tiền mặt, hàng chục giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do bà K. cùng đồng bọn đăng ký để mở tài khoản doanh nghiệp rồi bán lại.

Qua đấu tranh, K. khai nhận khi tham gia một tổ chức thương mại có chi hội tại Đồng Nai thì quen biết với một đối tượng tên J. (quốc tịch nước ngoài) đang hoạt động tại Campuchia, sau đó móc nối cách thức "rửa tiền", lợi nhuận được ăn chia.

Bà K. giữ vai trò cầm đầu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động rửa tiền tại Việt Nam. Mỗi tháng, K được J. chuyển tiền công từ 450 - 500 triệu đồng.

Triệt phá đường dây rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia hơn 2.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tang vật cơ quan công an thu giữ. (Ảnh: CA)

Từ tháng 7/2024 đến nay, nhóm của K. đã chuyển và nhận tiền cho các đối tượng người nước ngoài trên 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, K. còn chỉ đạo các đối tượng tên T. và V. đăng ký, thành lập hơn 30 công ty "ma", hơn 150 tài khoản ngân hàng doanh nghiệp để sử dụng vào hoạt động rửa tiền, thu lợi trung bình 10 triệu đồng/tháng từ việc cho thuê tài khoản doanh nghiệp.

Mở rộng điều tra, Ban Chuyên án tiếp tục bắt giữ 3 đối tượng trú tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên, thu giữ 8 sim điện thoại đăng ký tài khoản ngân hàng, 1 khẩu súng hiệu RG88 và 27 viên đạn, cùng nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan.

Hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra mở rộng. Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời dụ dỗ của các đối tượng liên quan đến mua bán, mở tài khoản ngân hàng, đối tượng lạ mặt gọi điện cài đặt ứng dụng lạ, đường link chứa mã độc để tránh những hệ lụy phát sinh với bản thân, gia đình và xã hội.

Theo: VTV.vn

Clip em bé vùng cao ngủ quên trước cửa lớp 'đốn tim' dân mạng

Đua nhau chia sẻ clip bé trai 2 tuổi ngủ quên trên thềm lớp học trong khi bố mẹ lên nương sớm, nhiều cư dân mạng nói rằng họ "tan chảy" vì bé quá ngoan và đáng yêu.

Volume 90%
 

Em bé 2 tuổi ngủ ngoan trong lúc chờ cô đến lớp. (Nguồn: @quachbep020990)

Trong clip đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội TikTok, em bé 2 tuổi mặc áo phao, đi chân đất, lấy balo làm gối và đệm, nằm ngủ ngon lành trước cửa lớp học đang khóa cửa, tay vẫn nắm chặt lồng cơm. Lúc này còn quá sớm nên các bạn khác chưa tới. Cô giáo phải gọi mấy lần, em bé mới tỉnh dậy, vẻ mặt vẫn còn ngơ ngác. Tuy ngái ngủ nhưng bé vẫn trả lời đúng khi được hỏi "cô giáo nào đây". Sau đó, cậu học trò nhỏ ngoan ngoãn vào cất đồ và ăn bim bim.

Đoạn clip chỉ kéo dài 1 phút 32 giây với dòng ghi chú "Bố mẹ lên nương từ sớm, cô đến lớp còn em vẫn say giấc ngủ; thương em" thu hút hơn 10 triệu lượt xem, gần 550 nghìn lượt "thả tym", gần 15 nghìn bình luận và hơn 30 nghìn lượt chia sẻ.

"Em ngủ đáng yêu quá. Say giấc nồng mà tay em vẫn cầm chặt hộp cơm, không là sợ rơi mất đó"; "Sao em bé hiểu chuyện quá vậy. Em ngồi ngoan ngoãn chờ cô đến để vào lớp học"; "Khổ thân em phải đến lớp sớm để mẹ đi lên nương đúng giờ. Chắc nhà cũng xa nữa, nên em đi học từ khi còn ngái ngủ díp cả mắt vào".

"Nghe giọng cô và giọng của em nhỏ rất tình cảm, như những người thân trong nhà với nhau vậy. Chắc đây không phải lần đầu tiên cô gặp cảnh này, nên gọi phát em bé dậy là nhận ra luôn"; "Bé mới mẫu giáo mà đã nằm im đợi cô như thế là quá giỏi. Mình cũng khâm phục các cô giáo vùng cao khi dám chấp nhận khó khăn để đem con chữ đến các em"..., cư dân mạng bình luận.

Nhiều người cũng để ý thấy em bé không đi tất nên mong muốn góp phần hỗ trợ trẻ vùng cao để cuộc sống đỡ khó khăn hơn: "Mình ở miền Tây, khí hậu không lạnh như ở vùng núi cao. Mình có ít áo len, các bạn có thể xin địa chỉ để mình gửi tặng ít đồ lên các bé được không? Trông em nhỏ mà thương quá, muốn chung tay đóng góp một phần".

"Tôi nhìn em bé chân không mang tất mà thấy rưng rưng nước mắt. Thật may, em bé vẫn được mặc áo phao ấm và sạch sẽ, như vậy chứng tỏ gia đình cũng rất quan tâm, chăm sóc. Tôi đã liên hệ cô giáo để gửi thêm ít đồ ấm lên tới các em nhỏ vì thời tiết gần đây lạnh lắm", bạn Minh Quân viết.

Người dùng Anh Nguyễn chia sẻ: "Chắc sáng nay mẹ bế em đi đến lớp nên không mang dép cho em. Tôi vẫn thường lên vùng cao xây trường, từ thiện, thấy nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rất thương. Thật may vì bây giờ cuộc sống có phần đủ đầy hơn, em nhỏ thường đem cơm đi học và được Nhà nước hỗ trợ thức ăn. Từ đó, con đường học chữ của các em cũng bớt phần gian khổ".

Không ít phụ huynh chia sẻ về con mình, mong trẻ em thành phố cũng xem clip để biết cuộc sống của mình đủ đầy thế nào: "Mình có con nhỏ 3 tuổi mà sáng nào gọi dậy đi học cũng ầm ĩ hết cả lên. Mong sao con mình ngoan được như em nhỏ trong clip này thì mừng lắm luôn"; "Nhìn giống con mình y như đúc, đi học lúc nào cũng mắt nhắm mắt mở. Nãy cho con em clip để đồng cảm với các bạn hơn, con cũng tỏ ra rưng rưng không nói gì"...

Người đăng clip là cô giáo Tuyết (36 tuổi) thuộc điểm trường thôn Đăk Dé, Xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Giáo viên này cho biết cô công tác ở điểm trường này được 6 năm, quản lý 120 em nhỏ mầm non. Em bé trong clip mới 2 tuổi, thường đến sớm để chờ lớp mở cửa, rất ngoan và không quấy khóc bao giờ.

Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, cô Tuyết chia sẻ rằng mùa đông ở điểm trường rất lạnh, có hôm xuống còn khoảng 9°C. Các em nhỏ thường mang theo cặp lồng cơm để ăn bán trú, thức ăn được Nhà nước hỗ trợ. Vì vậy mà em bé dù ngủ quên vẫn ôm khư khư cặp lồng của mình.

Cô Tuyết cho biết thêm: "Thời gian các cô giáo đón trẻ là 7h mỗi ngày. Vài phụ huynh phải đi làm nương nên đưa các em đến lớp sớm hơn khoảng 30 phút. Nhà tôi cách điểm trường khoảng 30km nhưng có nhiều em còn ở xa hơn. Sau khi clip được đăng tải, rất nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ thêm đồ ăn, áo ấm để các em yên tâm học tập hơn. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc".

Theo: VTC NEWS

“Việc Nhẹ Lương Cao” Hay Cạm Bẫy Địa Ngục: Hành Trình Đau Thương Của Những Nạn Nhân Bị Lừa Sang Campuchia

 

Ảnh: Báo Thanh niên

Lời mời gọi hấp dẫn hay cạm bẫy nguy hiểm?

Trong thời đại số hóa, khi thông tin tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội, những lời mời gọi “việc nhẹ lương cao” xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt hướng đến giới trẻ đang khao khát cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, đằng sau những lời hứa hẹn hấp dẫn ấy là những cạm bẫy nguy hiểm, đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng nơi đất khách quê người.
Thủ đoạn tinh vi của kẻ buôn người
Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mong muốn kiếm tiền nhanh chóng của nạn nhân. Họ tiếp cận qua mạng xã hội, đưa ra những công việc với mức lương hấp dẫn tại Campuchia, kèm theo lời hứa về điều kiện làm việc thoải mái. Khi nạn nhân đồng ý, họ được hướng dẫn xuất cảnh trái phép qua các đường tiểu ngạch hoặc nhập cảnh hợp pháp nhưng với mục đích sai trái. Tại Campuchia, nạn nhân bị ép làm việc trong các sòng bạc trực tuyến hoặc trung tâm lừa đảo do người nước ngoài điều hành. Công việc chủ yếu là lừa đảo qua mạng, nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, tra tấn tinh thần và thể xác. Một số trường hợp, khi nạn nhân muốn trở về, họ bị yêu cầu nộp khoản tiền chuộc lớn, đẩy gia đình vào cảnh nợ nần chồng chất. Những câu chuyện thực tế đầy ám ảnh Anh Đ.T.L., một nạn nhân từng bị lừa sang Campuchia, chia sẻ về những ngày tháng kinh hoàng: “Khi bị phát hiện liên lạc về gia đình để cầu cứu, tôi bị nhốt vào phòng kín, còng tay, bỏ đói và đánh đập suốt 4 ngày liền.” Trải nghiệm đau đớn này không chỉ để lại vết thương thể xác mà còn ám ảnh tinh thần suốt đời. Tương tự, nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ bị ép làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, điện thoại bị tịch thu, và phải đối mặt với những hình phạt tàn nhẫn nếu không hoàn thành chỉ tiêu. Những câu chuyện này là lời cảnh tỉnh cho những ai đang mơ về “việc nhẹ lương cao” nơi xứ người. Nỗ lực giải cứu và hồi hương

Trước tình hình nghiêm trọng này, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía Campuchia để giải cứu và đưa các nạn nhân trở về. Theo thống kê, đã có hơn 1.000 nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia lao động được cứu và hồi hương. Tuy nhiên, con số này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi nhiều trường hợp khác vẫn chưa được phát hiện và giải cứu kịp thời.

Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận hàng trăm nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia với thủ đoạn “việc nhẹ lương cao” (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Cảnh báo và phòng tránh

Để tránh rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người, người dân cần nâng cao cảnh giác, đặc biệt khi nhận được những lời mời gọi công việc với mức lương quá hấp dẫn. Trước khi quyết định làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ thông tin, xác minh qua các cơ quan chức năng và tránh tin tưởng vào những lời hứa hẹn không rõ ràng. Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, giáo dục con em về những rủi ro tiềm ẩn khi tìm kiếm việc làm qua mạng. Sự quan tâm và hỗ trợ từ gia đình là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn những bi kịch tương tự xảy ra.
Ảnh: Sở thông tin và truyền thông tỉnh Tây Ninh

Những lời mời gọi “việc nhẹ lương cao” thực chất là những cạm bẫy nguy hiểm, đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng nơi đất khách. Việc nâng cao nhận thức, cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định làm việc ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Hãy luôn tỉnh táo và đừng để những lời hứa hẹn hấp dẫn biến thành cơn ác mộng trong cuộc đời bạn.
Theo: Góc nhìn 2k06

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Concert Chị đẹp lập kỷ lục

 

Các Chị đẹp đầu tiên xác nhận tham gia concert

Dù chưa diễn ra nhưng concert đầu tiên của các Chị đẹp bước ra từ hai mùa thi trên sóng VTV3 đã ghi dấu mốc đáng nhớ.

Theo tiết lộ ban đầu từ phía ban tổ chức, concert Chị đẹp sẽ diễn ra vào thứ bảy, ngày 12 tháng 4 năm nay và là sự kiện âm nhạc quy tụ đông đảo nữ nghệ sĩ bậc nhất từ trước đến nay với số lượng ca khúc cực kỳ "khủng".

"Concert là nơi tài năng thăng hoa và cảm xúc vỡ oà, nơi các Chị đẹp nhiều thế hệ sẽ cùng nhau tỏa sáng trên một sân khấu rực rỡ. Đêm nhạc không chỉ gồm những màn trình diễn cuốn tai nghe, đã mắt nhìn từ các Chị đẹp 2023 và 2024 mà còn là hành trình khám phá "vũ trụ Chị Đẹp" đầy bí ẩn và kỳ diệu" - nhà sản xuất hứa hẹn. Đồng thời đây cũng là sự kiện mà nghệ sĩ và người hâm mộ được giao lưu, cùng hòa mình vào không gian âm nhạc và không gian của sự yêu thương, kết nối, nâng niu phái đẹp.

Với thông điệp chủ đạo "30 chưa từng là một giới hạn", concert Chị đẹp hiện đang "nóng" dần lên mỗi ngày, thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ. Những Chị đẹp đầu tiên được xác nhận tham gia đó là: Thanh Ngọc, Lưu Hương Giang, Phương Vy, Ninh Dương Lan Ngọc, H’Hen Niê, và Hương Ly.

Ban tổ chức cũng cho biết những tiết mục mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của 3 miền và sự giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý ở concert.

Theo: VTV.vn

Phát huy giá trị di sản ở các làng quê: Động lực xây dựng nông thôn mới

 Những ngày đầu năm 2025, nhiều địa phương thuộc khu vực ngoại thành của Hà Nội đã tổ chức công bố và đón nhận xếp hạng di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Những di sản được vinh danh là tài sản quý giá để các địa phương gìn giữ, phát huy, đặc biệt là tận dụng thế mạnh này nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới.

le-hoi.jpg
Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu (xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Náo nức đón nhận danh hiệu

Trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, người dân làng Tường Phiêu (xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ) rộn ràng niềm vui khi lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, năm 2018, đình Tường Phiêu cũng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tích Lộc Lê Thị Kim Phương, đình Tường Phiêu thờ 4 vị Thành hoàng làng, gồm: Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng. Đình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, được xem là công trình kiến trúc biểu tượng của xứ Đoài. Mỗi năm, ở đình tổ chức 4 lễ tiết, trong đó dịp rằm tháng Giêng là lễ lớn nhất, nhằm tưởng nhớ ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh. Vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu sẽ tổ chức lễ rước Tam vị Thánh Tản và Thành hoàng làng từ đình Cả lên đền Ngô Sơn (đền Ngo) vào ban đêm vô cùng đặc biệt.

Cùng với Tường Phiêu, những ngày qua, nhân dân làng Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cũng náo nức vui hội làng và đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng. Bà Đặng Thị Ty, nguyên cán bộ văn hóa huyện Đan Phượng, sinh sống ở xóm Đình Nam, thôn Đại Phùng, chia sẻ, năm nay làng mở hội lớn (theo hương ước 5 năm mở hội lớn một lần). Dịp này, nhân dân và chính quyền địa phương đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt, nên hội làng càng vui hơn với nhiều hoạt động tế lễ, rước thánh, các trò chơi dân gian...

Còn tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), những ngày qua, chính quyền và nhân dân đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê vào đúng dịp hội làng. Lễ đón nhận thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của ông cha để lại, tôn vinh giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích chùa Bối Khê. Nhân dịp này, địa phương đã tổ chức nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao phong phú phục vụ nhân dân và du khách…

Đưa di sản trở thành tài sản quý

Di sản được vinh danh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào to lớn của người dân các địa phương, mà còn giúp các làng quê ở Hà Nội khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng nông thôn mới, biến di sản thành tài sản quý giá để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông Lê Huy Trọng, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn Song Khê (xã Tam Hưng) thông tin, chùa Bối Khê vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh. Người Tam Hưng rất tự hào bởi có Đức thánh Bối là người làng mình. Đó là biểu tượng, hướng dân làng làm nhiều việc thiện, chăm lo cho con cái học hành tiến bộ, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh cho biết, với những giá trị quý giá về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của chùa Bối Khê, sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, địa phương tiếp tục chăm lo trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích. Đồng thời, có giải pháp để khai thác giá trị của di tích trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Vũ Đình Tuấn, từ việc đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại di tích để phát triển “du lịch thông minh”, nhằm đánh thức và khai thác mạnh tiềm năng di sản văn hóa, phục vụ đa dạng cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm di tích của nhân dân và du khách thập phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ có kế hoạch rà soát, thực hiện việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết khu vực để tôn tạo, trùng tu và mở rộng di tích, bảo đảm không gian tổ chức lễ hội phù hợp với cảnh quan, môi trường. “Huyện tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền dạy để các thế hệ mai sau hiểu rõ và tiếp nối di sản. Khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào việc thực hành, gìn giữ nghi lễ truyền thống, tăng cường kết nối lễ hội với du lịch để thu hút du khách”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn khẳng định.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, những di sản văn hóa là tài sản vô giá để bồi đắp nét đẹp văn hóa ở mỗi làng quê, củng cố gắn kết tình làng, nghĩa xóm, cộng đồng dân cư và xa hơn, giúp các làng quê khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương.

Theo: hanoimoi.vn