Say mê Messi nhưng bắt chước Neymar, Lamine Yamal đang trở thành cầu thủ rê bóng hay nhất hiện nay.
Hành trình của Lamine Yamal
Người ta nói rằng chó là người bạn tốt nhất của con người. Lamine Yamal hiểu rõ ý nghĩa của câu nói này. Khi còn nhỏ, anh có hai thú cưng: Kila và Clara.
“Tôi luôn chạy cùng chúng. Cuối cùng, chơi bóng đá với một chú chó là điều khó khăn nhất”, Lamine trò chuyện với France Football. Trong khi kể lại trải nghiệm cùng tạp chí trao giải Quả bóng vàng, niềng răng của anh sáng lên.
Rất khó lấy bóng từ chân Lamine. Ảnh: EFE
Một nụ cười tinh nghịch rạng rỡ trên khuôn mặt chàng trai trẻ. Đó là nụ cười tương tự sau mỗi lần anh rê bóng qua đối thủ.
“Lamine Yamal chơi bóng với những chú chó nhỏ, vì cậu ấy thấy khó khăn khi rê bóng qua chúng”, Inocente Diez, được biết đến với cái tên Kubala, điều phối viên của La Torreta, CLB đầu tiên của Yamal, kể lại với El Pais.
“Tôi biết Lamine khi còn rất nhỏ. Từ lúc 5 tuổi, cử chỉ và tư thế cơ thể của cậu ấy giống hệt như bây giờ. Phong cách của Yamal vẫn vậy”.
Lamine rất “tham” bóng. “Thả bóng ra, nó không phải của mình con; nó là của chung!”, Kubala nhiều lần nói với Yamal từ băng ghế kỹ thuật trong các buổi tập.
Ở La Torreta, Yamal từng bị phạt vì chuyện “tham” này. “Một ngày, chúng tôi phạt cậu ấy không được thi đấu”, Kubala nhớ lại.
Hôm đó, đội thua 1-3 trong hiệp 2. Một giải pháp nảy ra trong đầu Kubala: “Cho Lamine Yamal vào sân”. Hiệu quả của quyết định này là ngoạn mục.
“Chúng tôi kết thúc trận đấu với chiến thắng 6-3. Riêng Lamine ghi 3 bàn”, ông kể một cách tự hào.
Juan Carlos Unzue, cựu HLV của Barcelona, nói với El Pais: “Điều khiến kỹ năng rê bóng của Lamine Yamal khác biệt là giữ bóng rất sát chân ở tốc độ cao”.
Ngoài ra, như Unzue phân tích, Yamal nổi bật với khả năng “đánh lừa đối thủ để biết anh ta sẽ đi hướng nào trong tình huống một đối một”. Và "vì là người thuận chân trái, Lamine Yamal giống Leo hơn là Neymar trong cách rê bóng. Vị trí trên sân của cậu ấy tương tự như vị trí của Messi”.
Lamine có nhiều pha rê bóng nhất trong 5 giải hàng đầu châu Âu. Ảnh: EFE
Giữa Messi và Neymar
Lamine say mê thứ bóng đá của Messi, nhưng bắt chước cách rê bóng của Neymar. “Chúng tôi thường gặp nhau sau giờ học ở nhà bạn tôi, vì cậu ấy có một chiếc máy tính. Chúng tôi xem video của Neymar. Chúng tôi ở đó cả buổi chiều để xem chúng. Sau đó, tôi bắt đầu làm theo những gì anh ấy làm ngay trong phòng”.
Vì vậy, Neymar, người vừa trở lại Santos, có ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ năng rê bóng của Lamine Yamal. Anh dễ dàng vượt qua đối thủ, từ đó để đốt cháy các giai đoạn đào tạo.
Lamine Yamal hiện là cầu thủ rê bóng thành công nhiều nhất trên mọi đấu trường, trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu (245 lần). Anh cũng là người rê bóng thành công nhiều nhất (129).
Theo Opta, top 5 rê bóng thành công còn có Jamie Gittens (105), Kylian Mbappe (98), Florian Wirtz (94) và Vinicius Junior (91). Tương tự, không ai sánh bằng anh ở La Liga (89).
Chỉ trong 33 trận đấu, Lamine Yamal đã tạo ra 53 cơ hội, so với 50 cơ hội sau 50 trận mùa trước. Sau khi rê bóng thành công, anh tạo ra 9 cơ hội, gần gấp đôi toàn bộ mùa trước (5). Điều này nhờ đáng kể lối chơi mà Hansi Flick triển khai.
Giống Messi, Lamine có thể chiến thắng các tình huống một đấu 2. Ảnh: EFE
Các đối thủ có chung một câu hỏi: làm thế nào để ngăn chặn Lamine Yamal? “Đừng để cậu ấy có quá nhiều thời gian để nhận bóng một cách định hướng tốt; cũng như các hậu vệ phải có sự hỗ trợ”, Unzue chỉ ra.
Tuy nhiên, Unzue thừa nhận “Lamine Yamal có thể thắng cả những tình huống một đối hai. Về phẩm chất này, "Messi là khác biệt lớn nhất”.
Lamine Yamal đã nghe nhiều lời khen và so sánh với Messi. “Anh ấy là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử. Nếu bạn được so sánh với Leo, điều đó có nghĩa là bạn đang làm mọi thứ tốt, nhưng tôi cố gắng là chính mình”, anh thú nhận với Mundo Deportivo.
Ở tuổi 17, vũ điệu Lamine đang giúp Barca hướng đến cú ăn 3. Trước mắt, nhiệm vụ của anh là rê bóng qua bức tường phòng ngự nổi tiếng của Atletico, lượt đi bán kết Cúp nhà Vua (3h30 ngày 26/2).
Người dùng TikTok đua nhau áp dụng và khen ngợi hiệu quả của mẹo ngăn mua sắm bốc đồng khi lướt mạng, đó là chụp màn hình quảng cáo sản phẩm, cất đi xem sau.
Mạng xã hội tràn ngập quảng cáo về những sản phẩm mới nhất, nhiều mặt hàng còn được người nổi tiếng, KOL (người có sức ảnh hưởng) quảng cáo rầm rộ, khiến mọi người dễ dàng nhấn nút "mua". Tuy mua sắm là hoạt động rất thú vị, đem lại niềm vui, nhưng sự bốc đồng khi quyết định "xuống tiền" khiến nhiều người "cháy túi".
Mới đây, những người dùng TikTok mách nhau một mẹo để kiểm soát "cơn say shopping" khi lướt mạng. Chủ tài khoản @renee.benes chia sẻ rằng, việc chụp màn hình để lưu ảnh sản phẩm và mở ra xem sau là một mẹo tiết kiệm tiền hiệu quả. Bạn sẽ có thời gian để suy nghĩ và quyết định xem đó có phải là thứ mình thực sự muốn hoặc cần hay không.
Cô chú thích cho video: "Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy ham muốn của mình đối với một thứ gì đó giảm đi bao nhiêu chỉ bằng cách chụp một bức ảnh hoặc chụp màn hình nhanh".
Phần lớn các ý kiến bình luận đều đồng ý với cô, lưu ý rằng phương pháp này và những mẹo tương tự đã có hiệu quả với họ trong cuộc sống cá nhân: "Nếu tôi thấy sản phẩm đó trên Amazon, tôi sẽ cho vào giỏ hàng rồi nhấn 'lưu để mua sau'. Việc này thực sự hữu ích!”; "Đúng thế! Tôi giữ một album những thứ tôi cho là thú vị, những thứ đó không nhất thiết phải có trong nhà tôi"...
Chụp ảnh màn hình sản phẩm là một cách hữu ích nếu bạn đang muốn tiết kiệm tiền cho những thứ mình không cần. (Ảnh minh họa: Stock Adobe)
Người sáng tạo nội dung @mara_sumner cũng sử dụng phương pháp tiết kiệm này. "Tôi chụp màn hình mọi thứ để không mua chúng. Tôi phải đợi ít nhất 30 ngày xem có nhất thiết cần mua không, đó là quy tắc của tôi", cô nói trong một video và viết chú thích rằng điều này giúp cô không mua sắm theo cảm tính, có chủ đích hơn và rõ ràng là tiết kiệm được tiền.
Ở phần bình luận, có người nói về tâm lý "hoảng sợ vì mọi thứ sẽ bán hết" và Mara khuyên hãy cố gắng giữ vững tâm lý.
Andrea Woroch, chuyên gia tài chính tiêu dùng, cũng cho rằng chụp ảnh màn hình sản phẩm là một cách hữu ích nếu bạn đang cố gắng chi ít tiền hơn cho những thứ mình không cần. Woroch nói với Bustle: “Tôi thích xu hướng này vì nó thực sự có thể giúp bạn tránh mua hàng theo cảm tính và tiết kiệm tiền”.
Theo cô, mẹo này giúp người mua hàng dành thời gian suy nghĩ về những gì họ thực sự muốn và cần trước khi chi tiền, tương tự như việc thêm đồ vào giỏ hàng rồi thoát khỏi màn hình: “Chụp ảnh màn hình một mặt hàng cũng có tác dụng tương tự và thậm chí có hiệu quả cao hơn trong việc ngăn bạn mua những mặt hàng không cần thiết, vì mặt hàng đó sẽ không được thêm vào giỏ hàng của bạn và khiến bạn phải quay lại”.
Cách này giúp bạn có thời gian suy nghĩ mình có thực sự muốn và cần món hàng này không. (Ảnh minh họa: Stock Adobe)
Nếu bạn muốn thử mẹo tiết kiệm tiền này nhưng không biết bắt đầu từ đâu, tất cả những gì bạn phải làm là chụp ảnh màn hình hoặc ảnh của mặt hàng tiếp theo bạn muốn mua và lưu vào thư viện ảnh. Bạn thậm chí có thể tạo một thư mục riêng trong ứng dụng Ảnh để sắp xếp và truy cập dễ dàng.
Sau đó, hãy cho mình một khoảng thời gian nhất định trước khi quay lại xem ảnh chụp màn hình. Chuyên gia tài chính Woroch khuyên bạn nên đợi ít nhất 24 giờ. “Đây là khoảng thời gian khá dài và trong nhiều trường hợp có thể khiến bạn quên mất món đồ đó, mặc dù một số người có thể cần nhiều hơn một ngày", bà nói.
Nếu quên mất món đồ đó nghĩa là bạn đã tiết kiệm được số tiền có thể đã bị tiêu đi một cách bốc đồng. Nhưng nếu không thể ngừng nghĩ về nó, bạn có thể cho phép mình xem lại ảnh và cân nhắc khả năng mua.
Khi thời gian chờ đợi kết thúc, chuyên gia Woroch khuyên bạn nên xóa ảnh để không vô tình nhìn thấy nó sau nhiều tháng và trải qua cảm giác mong muốn tương tự. "Khi xem lại ảnh những món đồ, bạn sẽ được nhắc nhở về mặt hàng đó giống như một quảng cáo được nhắm mục tiêu theo dõi bạn trực tuyến. Chính vì thế, hãy xóa nó đi, 'xa mặt, xa lòng'", bà khuyên.
Dù "Nhà gia tiên" có doanh thu 100 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày ra rạp, Huỳnh Lập vẫn tự nhận mình còn yếu trong nghề đạo diễn; anh muốn chinh phục cả giới chuyên môn.
Sau hơn 5 năm kể từ khi ra mắt phim điện ảnh đầu tay Pháp sư mù, Huỳnh Lập mới trở lại "cuộc chiến phòng vé" với Nhà gia tiên. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo điện tử VTC News, Huỳnh Lập cho biết anh có rất nhiều áp lực khi đứa con tinh thần của mình ra rạp sau thời gian dài ấp ủ.
Giật mình với doanh thu của phim
- "Nhà gia tiên" đạt doanh thu trăm tỷ chỉ sau 4 ngày công chiếu, thành tích này có phải là điều anh đã dự tính trước?
Thât sự đến giờ tôi vẫn cảm thấy bất ngờ vì bộ phim có mức doanh thu khá tốt. Ngay trong ngày chiếu sớm, tôi giật mình khi thấy doanh thu chạm mốc mười mấy tỷ đồng. Thậm chí tôi còn bảo ê-kíp nên kiểm tra lại vì sợ đơn vị thống kê đánh sai số. Tôi bị hoang mang với chính bản thân mình. Sau đó khi được xác nhận là con số chính xác, tôi rất xúc động.
Khi thực hiện một bộ phim, ngoài việc đem đến một món ăn tinh thần cho khán giả thì doanh số cũng là một trong những động lực để chúng tôi có thể tự tin hơn nữa với sản phẩm của mình.
Huỳnh Lập trở lại với điện ảnh sau 5 năm.
Nhà gia tiên là phim thứ hai nhưng tôi vẫn hồi hộp, lo lắng khi phim ra rạp. Những ngày đầu công chiếu, tôi và cả Phương Mỹ Chi đều ngồi đọc hết những bình luận của khán giả, có khen có chê nhưng đa phần họ cảm thấy xúc động với bộ phim. Điều đó khiến tôi vui và hạnh phúc vì cảm xúc là một trong những yếu tố tôi muốn mang đến cho khán giả khi thực hiện Nhà gia tiên.
- "Nhà gia tiên" được khán giả chú ý trước khi ra rạp một phần do có ca sỹ Phương Mỹ Chi đóng vai chính. Anh đánh giá thế nào về cô ấy?
Với tôi, Nhà gia tiên sẽ không hoàn thiện trọn vẹn nếu không có người cộng sự ăn ý như Phương Mỹ Chi. Ban đầu khi xây dựng nhân vật, tôi đã nghĩ tới những người khác; song việc lựa chọn Phương Mỹ Chi chính là một cơ duyên cũng như may mắn cho bộ phim.
Phương Mỹ Chi đã có nhiều đóng góp để xây dựng nhân vật Mỹ Tiên. Tôi không chỉ hài lòng mà còn rất tự hào về Chi.
Huỳnh Lập hài lòng với diễn xuất của Phương Mỹ Chi.
- Về kịch bản, một số khán giả cho rằng với"Nhà gia tiên", Huỳnh Lập đang ôm đồm quá nhiều, anh nghĩ sao?
Khán giả nói rất đúng vì tôi là một người tham lam (cười). Thật ra, tôi muốn khán giả xem bộ phim của mình với đủ cung bậc cảm xúc, thưởng thức một món ăn với nhiều khẩu vị ở trong đó.
Nói thật ban đầu độ dài của bộ phim là hơn 3 tiếng, nhưng tôi đã phải cắt gọt đi rất nhiều để chỉ còn lại 117 phút. Đối với tôi như vậy là đủ để khán giả cảm thấy vừa vặn, không bị quá ngợp.
- Việc "Nhà gia tiên" bị gắn mác 18+ có gây nhiều trở ngại cho bộ phim?
Ngay từ khi quyết định chọn đề tài tâm linh, tôi và ê-kíp đã xác định phim sẽ phải gắn mác từ 16+ đến 18+. Khi gửi Cục Điện ảnh kiểm duyệt, bộ phim bị gắn mác T18 vì trong đó có cảnh máu me, những âm mưu hãm hại nhau nên đối tượng khán giả cần có sự trưởng thành về nhận thức.
Tôi có hơi tiếc khi bị hạn chế khán giả nhưng đã là quy tắc thì phải tuân thủ. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm thú vị của phim khi poster trông rất trong sáng, dễ thương. Đó cũng là yếu tố lôi kéo khán giả đi xem, họ muốn hiểu tại sao bộ phim lại bị gắn mác T18.
Phim của Huỳnh Lập thường mang yếu tố tâm linh.
"Tôi thấy phim của mình còn nhiều thiếu sót"
- Trong bộ phim, Huỳnh Lập đảm nhận rất nhiều vai trò, từ đạo diễn, biên kịch cho tới diễn viên... Anh không chọn một diễn viên khác đóng thay mình phải chăng do cảm thấy không ai đủ khả năng làm tròn vai?
Tôi nghĩ vai Gia Minh không quá phức tạp nên diễn viên nào cũng có thể làm được. Tôi đảm nhận vai này đơn giản vì rất mê diễn (cười). Xuất phát điểm là một diễn viên, niềm đam mê với diễn xuất của tôi vẫn lớn hơn cả.
Khi mới bước vào trường sân khấu, dù học ngành đạo diễn nhưng tôi còn chưa phân biệt được đạo diễn, biên kịch và diễn viên khác nhau thế nào. Chỉ đến khi đi làm, được thực hành, tôi mới dần học hỏi thêm kinh nghiệm trong từng khâu. Vì thế đến bây giờ khi làm sản phẩm của mình, tôi muốn được tự làm tất cả những vai trò đó, dù đôi lúc cảm thấy bị hụt hơi, quá sức.
Tôi thừa nhận mình vẫn còn yếu nghề trong khâu đạo diễn, nhưng may mắn có những đồng nghiệp rất giỏi, điển hình như đạo diễn Lý Minh Thắng. Anh Thắng đã đồng hành với tôi trong nhiều dự án với vai trò nhà sản xuất sáng tạo. Với Nhà gia tiên, anh Thắng nói muốn tác phẩm này mang đậm dấu ấn, tư duy của tôi. Vì thế ở bộ phim này, anh ấy chỉ hỗ trợ về mặt sáng tạo. Tất cả những khâu còn lại, anh để cho tôi tự do thực hiện.
- Khi xem "Nhà gia tiên", khán giả nhận xét rằng phim còn thiếu chất điện ảnh, thậm chí nhiều người còn nói nó chỉ như một web drama (phim chiếu mạng). Đây có phải là một dụng ý của anh?
Không có dụng ý nào cả mà do tôi yếu nghề (cười). Nói vui là vậy, thật ra bản thân tôi thấy mình vẫn nhiều thiếu sót. Với Nhà gia tiên, khi xem xong bản dựng, tôi tự thấy phim của mình vẫn còn thiếu sót nhiều như những góc máy điện ảnh, thiếu những hình ảnh duy mỹ của nhân vật...
Do thiếu hình ảnh, nhân vật thoại nhiều nên phim bị mang hơi hướng của web drama. Nhờ những góp ý của khán giả, tôi sẵn sàng tiếp thu để hoàn thiện bản thân ở những tác phẩm sau.
Huỳnh Lập thừa nhận phim còn nhiều thiếu sót.
- Trong "Nhà gia tiên", các nhân vật có góc nhìn hơi tiêu cực về nghề nghiệp của Mỹ Tiên - một nhà sáng tạo nội dung. Đây phải chăng là những gì Huỳnh Lập, xuất phát điểm là một Youtuber, cũng từng trải qua?
Công việc nhà sáng tạo nội dung (content creator) khiến tôi nhớ đến mình của ngày xưa. Khoảng thời gian làm Youtuber, tôi chưa được nhiều khán giả công nhận. Thời điểm đó khi đóng chung với các cô chú nghệ sỹ, tôi luôn bị "ném đá". Khán giả nói rằng tôi chưa đủ trình độ để lên sân khấu diễn cùng các nghệ sỹ gạo cội. Điều đó làm tôi tổn thương.
Tham gia Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sỹ, tôi lại càng bị áp lực nhiều hơn với hai chữ nghệ sỹ. Lúc đó tôi rất sợ và từng muốn bỏ cuộc, nhưng đã ký hợp đồng nên phải chấp nhận tham gia. Cuối cùng, tôi may mắn trở thành quán quân. Kể từ đó, Huỳnh Lập mới được khán giả công nhận là một người làm nghệ thuật.
Cũng vì thế mà hiện tại, tôi luôn tạo điều kiện hết sức cho những nhà sáng tạo nội dung có niềm đam mê thật sự với nghệ thuật. Trong các sản phẩm của mình, tôi luôn cho những bạn trẻ đó cơ hội xuất hiện, giúp đỡ để họ tiếp cận được với các tác phẩm nghệ thuật một cách chuyên nghiệp.
- Đó là những định kiến từ khán giả, còn gia đình Huỳnh Lập thì sao?
Từ nhỏ, ba mẹ đã không ủng hộ tôi theo con đường nghệ thuật. Thời sinh viên, khi còn là Youtuber, tôi từng nhịn ăn, nhịn uống để dành tiền làm clip. Khi đó, mẹ nhiều lần gọi điện mắng và bắt tôi phải bỏ đam mê này. Bà nghĩ rằng tôi chỉ làm những clip đó cho vui, chẳng đem lại được lợi nhuận nào. Tôi nói với mẹ hãy yên tâm vì tôi sẽ "làm nghề này nhưng vẫn sống tốt ở TP.HCM".
Sau này khi học trường sân khấu, tôi mới chứng minh được cho gia đình thấy mình đã làm tốt khi theo đuổi con đường này. Đến nay, tôi hạnh phúc vì đã khiến cho ba mẹ tự hào.
"Có doanh thu trăm tỷ chưa chắc đã là phim hay"
- Huỳnh Lập cũng đã có hơn 10 năm bước vào nghệ thuật. Nhìn lại chặng đường này, anh thấy bản thân thay đổi thế nào?
Huỳnh Lập có phim điện ảnh đầu tiên đạt doanh thu trăm tỷ.
Điểm khác biệt rõ nhất là Huỳnh Lập hiện tại đã không còn hiếu thắng. Nếu như 10 năm trước, mỗi khi cảm thấy không hài lòng một việc gì đó, tôi sẽ "xù lông" đáp trả ngay. Còn bây giờ, tôi biết mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó, cũng đã nhìn thấy rất nhiều điều diễn ra xung quanh, trong cuộc đời này. Tôi sẽ tiếp thu và chắt lọc những ý kiến đó làm bài học cho chính bản thân mình, cho bạn bè, cho những người yêu thương.
Cũng không cần phải đấu đá hay là tranh giành cái gì cả vì đối với tôi, phước ai nấy hưởng. Tôi sẽ cố hết sức để làm ra những sản phẩm tốt nhất, cố gắng lan tỏa những điều tích cực. Kết quả thế nào là do duyên và cũng là cái phước của mình với nghề.
- Hành trình từ Youtuber trở thành đạo diễn của Huỳnh Lập đã trải qua không ít khó khăn. Vậy "đạo diễn trăm tỷ" có phải cột mốc mà Huỳnh Lập luôn muốn theo đuổi kể từ khi lấn sân sang điện ảnh?
Danh xưng "đạo diễn trăm tỷ" đang bị khán giả xem như một định hướng chung cho mọi đạo diễn khi đến với điện ảnh, và vô tình trở thành áp lực. Điều đó giống như việc khán giả nhận định rằng nếu không làm được phim có doanh thu trăm tỷ thì không phải là đạo diễn giỏi.
Với tôi, điều này khiến các tác phẩm nghệ thuật bi hạn chế về mặt đánh giá. Ngoài doanh số, một bộ phim hay cần phải có những cái góc nhìn chuyên môn, đánh giá chất lượng cụ thể.
Doanh số chỉ thể hiện sự quan tâm của khán giả dành cho bộ phim. Vì thế, ngoài khán giả thì một bộ phim hay cần được sự công nhận của cả giới chuyên môn. Đó cũng là những yếu tố mà bản thân tôi đang muốn chinh phục.
Nam đạo diễn khẳng định không nên đánh giá chất lượng bộ phim nhờ doanh số.
- Bỏ qua doanh số, Huỳnh Lập kỳ vọng điều gì ở "Nhà gia tiên"?
Tôi mong khán giả sẽ có những cảm xúc với nơi gọi là gia đình, đặc biệt là khán giả trẻ. Nếu như có một gia đình êm ấm, có thể khán giả xem phim sẽ không thấy quá bồi hồi, xúc động; nhưng đối với những bạn có biến cố trong gia đình, tôi mong họ hãy dừng lại một chút để lắng nghe những người thân của mình.
Gia đình không nhất thiết phải là nơi có đủ cha, đủ mẹ. Nơi có những người đã đồng hành, yêu thương và cùng chúng ta vượt qua sóng gió - đó cũng là gia đình. Vì thế khi khán giả xem xong bộ phim này, tôi chỉ muốn họ thêm yêu gia đình hoặc những người mà họ xem là gia đình.
Thời gian gần đây, nhiều người cho biết đã nhận được các cuộc gọi không nói gì, không có âm thanh… từ những số lạ.
Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, gần đây, nhiều người dùng điện thoại đã phản ánh về tình trạng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ số lạ nhưng khi bắt máy thì không ai trả lời. Nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật hoặc kẻ gian cố tình thực hiệncuộc gọi không lờinhằm khơi gợi sự tò mò, khiến khách hàng gọi lại. Khi đó, cuộc gọi có thể bị tính phí viễn thông cao bất thường.
Tình trạng trên thường được gọi là "cuộc gọi mồi" - những cuộc gọi trong tích tắc rồi tắt máy để người dùng thấy cuộc gọi nhỡ mà gọi lại, kết quả sẽ tốn rất nhiều tiền trong vài giây ngắn ngủi mà không nghe đối phương nói gì.
Hình thức lừa đảo này đã từng rất phổ biến tại Mỹ và các nước châu Âu từ thập kỷ trước và hiện đang quay trở lại, gây hoang mang cho khách hàng của các nhà mạng. Cách thức lừa đảo này đã từng được các trang báo trong nước cũng như quốc tế cảnh báo từ lâu.
Cụ thể, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng một thiết bị để tự động thực hiện các cuộc gọi đến hàng triệu số điện thoại di động ngẫu nhiên trên toàn cầu. Đánh vào đúng thói quen rất bình thường từ trước đến nay của người dùng điện thoại, đó là gọi lại những cuộc gọi nhỡ, trò này đã lừa được vô số người. Hầu hết các số điện thoại đều rất khó nhận diện vì chúng hao hao như mã vùng điện thoại tại một số nơi ở Việt Nam.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, hiện nay, các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và Internet ngày càng tinh vi, không chỉ giới hạn trong môi trường trực tuyến mà còn mở rộng sang những cuộc gọi điện thoại với nhiều chiêu trò khó lường. Do đó, nếu nhận được cuộc gọi từ số điện thoại không phải là một số điện thoại cố định hay di động thông thường hoặc không liên quan đến một tổ chức hay đơn vị nào, người dân cần tuyệt đối cảnh giác, không nghe và thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lạ.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới mọi hình thức hoặc truy cập vào những đường dẫn do đối tượng không rõ danh tính gửi đến.
Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm, Hà Nội bắt đầu thí điểm cấm xe trên 16 chỗ lưu thông qua phố cổ và Hồ Gươm từ tháng 3, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
Theo Công văn số 384/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội đã thống nhất phương án thí điểm của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc hạn chế ô tô trên 16 chỗ hoạt động theo khung giờ tại khu vực phố cổ và Hồ Gươm, ngoại trừ xe buýt và xe đưa đón học sinh.
Theo kế hoạch, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3, áp dụng vào hai khung giờ cao điểm: buổi sáng từ 6h30 đến 8h30 và buổi chiều từ 16h30 đến 18h30. Sau 6 tháng thí điểm, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả và báo cáo thành phố để xem xét quyết định chính thức.
Hồ Gươm là một trong những khu vực được thí điểm cấm xe trên 16 chỗ trong khung giờ cao điểm.
Tuyến hạn chế xe trên 16 chỗ bao gồm các trục đường Hàng Giấy - Đồng Xuân - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng; trục Hàng Đậu - Trần Nhật Duật - Nguyễn Hữu Huân trở vào trong khu vực phố cổ Hà Nội và các tuyến phố Lý Quốc Sư, Nhà Thờ, Nhà Chung, Quang Trung (đoạn Tràng Thi tới Nhà Chung), Ấu Triệu, Báo Khánh, Hàng Trống, ngõ Hàng Hành, ngõ Bảo Khánh.
Để tạo thuận lợi cho người dân và du khách, thành phố sẽ thiết lập 4 điểm trung chuyển tại các vị trí chiến lược như tuyến phố Bà Triệu, Trần Nhật Duật, Phùng Hưng và khu vực chợ Đồng Xuân. Các phương tiện trung chuyển này sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường.
Cần giải pháp quyết liệt để bảo vệ không gian đô thị
Ùn tắc giao thông quanh phố cổ và Hồ Gươm đã kéo dài nhiều năm nay, dẫn đến nhiều hệ lụy như ô nhiễm tiếng ồn và không khí.
Là một người dân sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, anh Tuấn chia sẻ lo ngại: “Sáng nào tôi đi làm khoảng 7h qua đoạn đầu Nguyễn Hữu Huân cũng đông kín xe tour 16-45 chỗ dừng đỗ đón khách, thậm chí 2 xe 45 chỗ dừng đỗ song song nhau. Như này rất gây khó khăn cho người dân đi lại”.
Những chiếc xe du lịch nối đuôi nhau “dàn trận” trên mặt đường.
Trong nhiều năm qua, chính quyền Hà Nội đã nghiên cứu và quyết định thí điểm việc cấm các xe ô tô trên 16 chỗ hoạt động trong khu vực phố cổ và quanh Hồ Gươm vào giờ cao điểm, xuất phát từ một số nguyên nhân chính.
Thứ nhất, quận Hoàn Kiếm là khu vực có mật độ dân cư dày đặc, diện tích nhỏ nhưng tập trung đông người sinh sống. Thứ hai, khu vực này tập trung nhiều cơ quan và tổ chức, dẫn đến tình trạng quá tải dân số và phương tiện, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Thứ ba, đây cũng là nơi tập trung các bệnh viện lớn, khiến giao thông càng trở nên khó khăn hơn.
Dù có tiềm năng phát triển du lịch lớn, nhưng do các tuyến phố của quận Hoàn Kiếm nhỏ và hẹp, việc di chuyển trở nên rất hạn chế.
Thêm vào đó, tình trạng lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm để trông giữ phương tiện và kinh doanh diễn ra khá phổ biến.
Ô tô trên 16 chỗ được xem là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, việc cấm xe trên 16 chỗ vào giờ cao điểm tại khu vực Hồ Gươm và phố cổ không chỉ nhằm giảm ùn tắc mà còn hướng tới xây dựng vùng phát thải thấp (LEZ). Theo đó, các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải sẽ bị hạn chế lưu thông để bảo vệ môi trường. Thành phố cũng từng đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô nhưng vẫn đang nghiên cứu do tác động lớn đến đời sống dân sinh.
Dù có lo ngại ảnh hưởng đến du lịch, Sở Du lịch đề xuất nới lỏng quy định, cho phép xe du lịch trên 35 chỗ hoạt động và rút ngắn thời gian cấm. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải vẫn giữ nguyên phương án nhằm đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc, hạn chế ô nhiễm và cải thiện chất lượng không gian đô thị. Việc này cũng giúp khu phố cổ trở nên thân thiện hơn với người đi bộ, khuyến khích du khách sử dụng phương tiện sạch như xe điện, xe đạp hoặc đi bộ, phù hợp với quy định của Luật Thủ đô 2024.