Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Quang Linh Vlogs: Từ người hùng của dân nghèo châu Phi tới ‘chiến thần livestream'

Đã lâu, người hâm mộ Quang Linh không còn thấy hình ảnh một chàng nông dân chân chất cùng người dân Angola thu hoạch mùa vụ, chăm sóc những đàn bò, đàn dê…

Quang Linh Vlogs (hay còn gọi là Quang Linh châu Phi) tên thật là Phạm Quang Linh, sinh năm 1997, quê Nghệ An. Vốn là một thanh niên sang Angola lao động, cuộc sống và công việc của anh rẽ sang một hướng hoàn toàn khác sau khi kênh YouTube Quang Linh Vlogs phát triển và được nhiều người biết đến.

Bắt đầu xây dựng kênh vào năm 2019, Quang Linh đăng tải những video được quay thô sơ bằng điện thoại di động về cuộc sống và con người châu Phi. Những video của anh hấp dẫn người xem một phần vì sự tò mò của người Việt về cuộc sống ở một đất nước nghèo nàn và xa lạ. 

Từ đó, sự giản dị, gần gũi của chàng trai người Việt trong những video dần chiếm được sự cảm mến của người xem.

Từ 2020, Quang Linh bắt đầu nổi tiếng khi các video về cuộc sống ở châu Phi ngày càng thu hút được lượng lớn người xem. Đặc biệt là khi anh kết hợp với những yếu tố hài hước, chia sẻ các thử thách và hành trình giúp đỡ người dân địa phương, cũng như khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống ở Angola. 

quang linh 1.webp
Quang Linh ghi điểm trong lòng người hâm mộ với hình ảnh mộc mạc, chân chất

Từ một thanh niên sang Angola để đi làm thuê, Quang Linh trở thành một ông chủ năng động với những dự án trồng trọt, chăn nuôi. Anh thuê đất để trồng hoa màu, thuê chính người dân bản địa làm việc cho mình trên các cánh đồng, trang trại. Anh dạy họ cách trồng lúa, trồng rau củ, nuôi gà, lợn, dê, bò… 

Những loại rau củ quả quen thuộc của Việt Nam dần xuất hiện ở các bản làng của Angola. Không chỉ tạo thu nhập cho chính mình, Quang Linh còn tạo được công ăn việc làm cho cộng đồng.

Với lợi nhuận thu được từ làm nông nghiệp, chàng trai trẻ không ngại ngần chia sẻ sự ấm no của mình với người dân bản địa bằng những hành động thiết thực. Quang Linh thường xuyên tổ chức những buổi trao tặng quà cho bà con các thôn bản xa xôi, khó khăn. 

Trường học, giếng nước, nhà vệ sinh, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho trẻ em… là những món quà mà Quang Linh và nhóm lao động người Việt ở châu Phi đã trao tặng cho bà con nơi đây.

Nhờ vào các hoạt động hỗ trợ của Quang Linh cũng như công ăn việc làm mà nhóm của anh đã tạo dựng cho bà con, đời sống của người dân địa phương được cải thiện đáng kể. Các dự án như cấp nước sạch, hỗ trợ thực phẩm và xây dựng nhà ở đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều gia đình ở Angola.

Những thành tựu này của Quang Linh không chỉ giúp anh nổi tiếng mà còn trở thành hình mẫu của một con người có tấm lòng nhân ái, trở thành cầu nối văn hóa giữa hai quốc gia, hai nền văn hóa.

Không có gì khó hiểu khi Quang Linh được nhiều người yêu mến sau ngần ấy hoạt động mà anh đã làm cho người Angola. Anh cũng là một “idol” đặc biệt, không theo thông lệ. Không phải nghệ sĩ, người nổi tiếng, không có ngoại hình xuất sắc hay tài năng gì nổi bật, Quang Linh được yêu mến nhờ sự tử tế, tinh thần cầu tiến và nỗ lực vượt khó.

Câu chuyện của anh mang đến một thông điệp tích cực về sự kiên trì, không bỏ cuộc và luôn phấn đấu vì những điều tốt đẹp. Nhiều người chắc hẳn nhìn thấy ít nhiều hình ảnh của mình trong đó. 

Đâu đó có ý kiến cho rằng, những việc làm thiện nguyện ban đầu của Quang Linh là thật nhưng càng về sau, khi kênh YouTube càng phát triển, tên tuổi anh càng nổi tiếng thì trang trại ở Angola chỉ giống như một sân khấu để anh sản xuất nội dung, chứ không còn thực sự là nơi sản xuất nông sản nữa.

Nhưng bất chấp những ý kiến tiêu cực chưa rõ thực hư ấy, Quang Linh vẫn được yêu mến và được bênh vực. Cho đến khi anh quyết định dấn thân vào những phiên livestream bán hàng ở Việt Nam.

quang linh vlog1.jpg
Quang Linh Vlogs thừa nhận quảng cáo quá lời về kẹo rau. Ảnh chụp màn hình

Cùng với Hằng Du Mục, Quang Linh bỗng dưng xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, trong các phiên livestream giới thiệu sản phẩm của nhãn hàng. Có những phiên live anh bán hàng chục sản phẩm khác nhau.

Để bán được hàng, anh cũng không ngần ngại thực hiện các chiêu trò nhằm thu hút sự chú ý của người xem, như mặc những trang phục kì quặc, ướm thử quần áo phụ nữ, diễn các tiểu phẩm hài… 

Đã lâu, người hâm mộ anh không còn thấy hình ảnh một chàng nông dân chân chất cùng người dân Angola thu hoạch mùa vụ, chăm sóc những đàn bò, đàn dê… Thay vào đó là một Quang Linh chỉn chu với áo vest, quần âu, miệt mài livestream quảng bá cho những sản phẩm mà không chắc là anh đã hiểu rõ. 

Đã có những lần anh phải lên tiếng xin lỗi khách hàng vì chất lượng sản phẩm khách nhận về chưa được như những lời quảng cáo.

Khi đã dấn thân vào những giao dịch mua bán, người xem dần khắt khe với Quang Linh hơn. Họ không còn mãi bênh vực và bao dung cho những thiếu sót của anh nữa. 

Dĩ nhiên, anh được phép bán hàng như bao người nổi tiếng khác. Đó là cách kiếm tiền hoàn toàn trong sạch mà anh có quyền lựa chọn. Nhưng có vẻ anh đã quá dễ dãi trong việc lựa chọn sản phẩm và ngôn từ để quảng bá. 

Nếu biết chọn lọc và tiết chế hơn, có thể cái tên Quang Linh vẫn sẽ mãi ở trong lòng những người hâm mộ anh như ngày tháng anh còn ở Angola. 

Theo: vietnamnet.vn

NSND Tự Long đề xuất đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học

Trẻ con ngày nay nghe nhạc Beethoven, Mozart từ trong bụng mẹ nhưng không được nghe lời ru trên cánh võng của cha ông mình. Vì thế, NSND Tự Long nói đề xuất đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Bộ VHTTDL) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

tulong2.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông. Ảnh H.An

PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định nghệ thuật truyền thống Việt Nam là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa dân tộc. Đây là kho tàng văn hóa quý giá, không chỉ đóng vai trò trong việc giáo dục tâm hồn con người mà còn là nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội.

Tuy nhiên, nghệ thuật truyền thống đang chịu tác động tiêu cực bởi cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, dẫn đến nguy cơ mai một, mất dần bản sắc dân tộc. Công tác bảo tồn còn nhiều hạn chế như thiếu nhân lực kế cận, chính sách bất cập, đầu tư chưa tương xứng và sự quan tâm của công chúng ngày càng giảm.

Thực tế này đặt ra câu hỏi, làm thế nào bảo tồn và phát huy được giá trị nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh vừa phát triển kinh tế thị trường, vừa mở rộng cánh cửa hội nhập với thế giới?

tulong1.jpg
NSND Tự Long. Ảnh: FBNV

NSND Tự Long - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết, anh có rất nhiều fan trong nước và quốc tế khi tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. 

"Những bài hát mang chất liệu dân gian như Dạ cổ hoài lang, Đào liễu, Trống cơm... đưa lên sân khấu Anh trai vượt ngàn chông gai có hơi thở của đời sống, kết hợp rock, rap, hiphop... đều thu hút đông khán giả. Có những Việt kiều xa quê đã khóc khi xem các tiết mục biểu diễn này.

Chứng tỏ, các bạn trẻ bây giờ vẫn yêu âm nhạc truyền thống của cha ông, chẳng qua họ chưa được tiếp cận theo cách hiện đại. Tôi kiến nghị nên đưa hoạt động nghệ thuật văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Trẻ con ngày nay nghe nhạc Beethoven, Mozart từ trong bụng mẹ nhưng không được nghe lời ru trên cánh võng của cha ông mình", NSND Tự Long nói.

NSND Tự Long ví việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống giống như chế biến món ăn, phải biết "làm mới món cũ để người đã ăn món này rồi khi ăn lại vẫn thấy hấp dẫn".

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam dẫn câu chuyện về MV Bắc Bling của Hòa Minzy để minh chứng cho sức hút của nghệ thuật biểu diễn khi được tiếp cận theo cách mới mẻ.

Theo bà, công tác bảo tồn cần được thực hiện bài bản, không chỉ giữ gìn mà còn phát huy giá trị nghệ thuật, tạo sự kết nối mạnh mẽ với công chúng, khuyến khích họ tìm hiểu về cội nguồn văn hóa.

“Nghệ thuật truyền thống Việt Nam từng có tầm ảnh hưởng trong khu vực, vậy tại sao ngày nay chúng ta chưa tận dụng và phát huy được lợi thế đó?”, bà Phương trăn trở.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống gặp thách thức không nhỏ. Vì vậy, cần phải nhận thức đúng đắn về nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ phát triển nghệ thuật biểu diễn; tạo dựng thị trường bền vững, khơi dậy niềm đam mê của nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật, từ đó chinh phục công chúng và duy trì sức sống cho nghệ thuật truyền thống.

Theo: vietnamnet.vn

Cẩn thận khi bị TikToker, YouTuber phỏng vấn

Một cô gái ở Hà Nội bức xúc khi một TikToker cố tình cắt ghép hình ảnh cùng nội dung sai sự thật để đưa lên mạng xã hội. Hệ lụy xảy ra là cô gái này bị dân mạng "ném đá" dữ dội.

TikToker cố tình câu view

Những ngày qua, trên nhiều fanpage đăng tải câu chuyện cô gái tên V.A (ngụ ở Hà Nội) cảm thấy sốc vì xuất hiện trên clip của một TikToker.

Trong clip, TikToker đến nhờ cô gái (chính là V.A) cầm một chiếc thẻ đen quét thông tin cá nhân. Sau đó, TikToker nhờ V.A quay thử thách "túi mù", dúi vào tay V.A một đồ vật. Đến khi mở tay ra, V.A hoảng hốt khi đó là bao cao su nên vội vàng ném trả.

Clip trên đã lên xu hướng, thu hút lượt xem "khủng" trên TikTok. Sau khi biết được điều này, V.A cảm thấy sốc và phản ánh clip đã được dựng lại, không đúng sự thật.

Cẩn thận khi bị TikToker, YouTuber phỏng vấn- Ảnh 1.

V.A cho biết bị TikToker cố tình cắt ghép hình ảnh cùng nội dung sai sự thật để đưa lên mạng xã hội khiến cô bị dân mạng "ném đá"

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Tối 14.2, chia sẻ với PV Thanh Niên, V.A cho biết vào ngày 5.10.2024 có đi dạo với bạn ở phố đi bộ Hà Nội. "Có 2 người (trong đó 1 người là TikToker tên H.) tiếp cận tôi. H. nhờ tôi tham gia vào một clip để đăng TikTok, thời gian thực hiện không lâu. Thoạt đầu, tôi không đồng ý. Tuy nhiên H. có năn nỉ", V.A nhớ lại.

"Tôi có hỏi rõ chi tiết sẽ quay thế nào, H. cho biết sẽ có người đàn ông bước qua đường, tiếp cận tôi và tặng tôi một món quà. Món quà sẽ là một bông hoa hồng", V.A thuật lại và tiếp tục cho hay: "Nhưng tôi hỡi ôi vì không phải bông hoa hồng mà lại là bao cao su. Tôi rất bực trong khoảnh khắc đó, yêu cầu H. không được đăng, phải xóa những hình ảnh vừa quay. H. cũng đồng ý và nói là "đùa với tôi cho vui", "sẽ quay lại một cách nghiêm túc". Lần quay sau, tôi được tặng bông hoa hồng thật".

Tuy nhiên, clip mà TikToker H. đăng tải trên TikTok không có cảnh nhận được hoa hồng mà nhận… bao cao su.

Ads end in 09

V.A bức xúc: "Tôi cảm thấy không được tôn trọng. Clip ấy đã bị cắt ghép sai sự thật. Hậu quả là tôi bị dân mạng ném đá, chửi rủa, xúc phạm rất nhiều kể từ khi clip của TikToker H. lên xu hướng".

Cũng theo V.A, sau khi phát hiện nội dung sai sự thật, đã liên hệ H. yêu cầu gỡ bỏ clip nhưng không được.

Tìm hiểu của PV, cho thấy kênh TikTok của H. thường xuyên đăng tải nội dung phỏng vấn các cô gái. Và có nhiều người phản ánh đã từng rơi vào tình cảnh giống như V.A.

"Tôi cũng là nạn nhân tương tự. Tôi được H. năn nỉ tham gia quay clip. Nhưng H. trơ trẽn, thay đổi nội dung, cắt dựng để câu view", Đ.T.H, sinh viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nói.

Cẩn thận khi bị TikToker, YouTuber phỏng vấn- Ảnh 2.

Ngày càng có nhiều TikToker, YouTuber "sáng tạo nội dung" bằng cách phỏng vấn dạo, đưa ra những chủ đề dung tục, phản cảm

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Đừng cố tình làm những nội dung "bẩn"

Câu chuyện mà V.A. hay Đ.T.H gặp phải đã và đang khá phổ biến. Bởi lẽ hiện nay nhiều người mang mác "nhà sáng tạo nội dung" trên TikTok, YouTube… đổ xô tập trung vào việc phỏng vấn người khác.

"Tôi đã xem rất nhiều clip trên mạng xã hội. Những TikToker, YouTuber tiếp cận người lạ, sau đó thực hiện những nội dung rất "bẩn", phỏng vấn những câu hỏi mang hơi hướng dung tục, gợi dục, phản cảm", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói.

Chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM), cho biết đã từng tiếp nhận trường hợp một cô gái bị stress, hoảng loạn, khi hình ảnh mặc bikini ở ngoài biển bị YouTuber đăng lên YouTube.

"Dù cô gái không hề đồng ý, từ chối khi YouTuber đặt vấn đề quay, nhưng YouTuber vẫn ngang nhiên thực hiện việc quay clip", anh Thịnh cho hay.

Lê Nguyễn Phương Lam (28 tuổi, ngụ ở chung cư Him Lam Riverside, Q.7, TP.HCM), kể: "Tôi từng bị TikToker quay ở biển Vũng Tàu. TikToker lại gần tôi, hỏi một vài câu hỏi nhưng tôi không trả lời. Tuy nhiên họ vẫn đăng lên TikTok và tôi bị dân mạng chửi rủa, cho rằng ăn mặc quá khiêu gợi. Cùng với đó là những bình luận khiếm nhã".

Cẩn thận khi bị TikToker, YouTuber phỏng vấn- Ảnh 3.

Một cô gái đi biển, bị TikToker tiếp cận thực hiện phỏng vấn. Tuy cô gái không đồng ý, nhưng clip vẫn xuất hiện trên TikTok

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trước câu chuyện của V.A và nhiều người khác từng tham gia các cuộc phỏng vấn của YouTuber, TikToker, sau đó phát hiện bị "đặt điều", xuyên tạc, gán ghép làm sai sự thật…, nhiều ý kiến cho rằng cần phải báo công an để điều tra làm rõ. Động thái này có thể khiến giới "sáng tạo nội dung" cảm thấy "tởn", không dám đăng tải những clip không đúng sự thật.

Theo V.A: "Đó là bài học của tôi. Chắc chắn từ giờ trở đi tôi sẽ không đồng ý tham gia bất kỳ cuộc phỏng vấn nào nữa từ những TikToker, YouTuber, dù họ có năn nỉ cỡ nào đi chăng nữa. Sở dĩ tôi kể câu chuyện của mình vì không muốn những bạn nữ khác trở thành nạn nhân giống như tôi".

Chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh cho rằng: "Khi có người khác chĩa máy quay vào người, cần yêu cầu họ dừng lại hành động một cách cứng rắn. Nếu họ vẫn tiếp tục, tạo dựng clip để câu view đăng trên nền tảng các mạng xã hội, có thể báo với các cơ quan chức năng".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói: "Sáng tạo nội dung có nhiều cách để thu hút người xem. Hy vọng những TikToker, YouTuber đừng cố tình làm những nội dung "bẩn", phản cảm. Còn với người trẻ, cũng nên suy nghĩ trước khi tham gia các cuộc phỏng vấn dạo từ những TikToker, YouTuber. Cần phải cẩn thận vì bản thân người được phỏng vấn không hề kiểm soát được nội dung mà TikToker, YouTuber đăng tải. Vì có thể sẽ bị "bẻ lái", gán ghép nội dung sai sự thật. Tốt nhất là nên từ chối".

Theo luật sư Nguyễn Hải Long (Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh), hành vi đăng tải những thông tin của người khác trên trang mạng xã hội mà những thông tin này là bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác là vi phạm pháp luật.

Tùy tính chất vụ việc mà xử lý theo Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt từ xử lý hành chính đến phạt tù. Bên cạnh đó, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Theo: Tiền phong

Hơn 25 hoạt động đặc sắc dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2025

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 sẽ diễn ra từ ngày 29-3 đến 7-4 với hơn 25 hoạt động đặc sắc.

Chiều 7-3, tại thành phố Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị gặp mặt báo chí để thông tin về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025.

img_8521.jpg
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: Linh Tâm

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 sẽ diễn ra từ ngày 29-3 đến 7-4 (tức từ mùng 1 đến 10 tháng Ba âm lịch) với khoảng 25-27 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao đặc sắc.

Cụ thể, các hoạt động gồm: Chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn văn hóa dân gian đường phố thành phố Việt Trì; sự kiện “Sắc màu du lịch Đất Tổ”; trình diễn hát Xoan làng cổ; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc Cúp Hùng Vương; Giải Marathon “Về nguồn”...

Hiện nay, Ban tổ chức đang hoàn tất công tác chuẩn bị để đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về viếng thăm đất Tổ.

Đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 đề nghị, các cơ quan, đơn vị của tỉnh tạo mọi điều kiện để các phóng viên tác nghiệp thuận lợi, tiếp cận, truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách chính xác, sinh động trong thời gian trước, trong và sau dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025. Năm nay, Ban tổ chức sẽ thành lập Trung tâm báo chí phục vụ sự kiện này.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về công tác bảo đảm an ninh trật tự cho lễ hội, tránh tình trạng lộn xộn, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó Trưởng ban tổ chức Phạm Tiến Đạt cho biết, Ban tổ chức đã lên kế hoạch, di chuyển toàn bộ hàng quán từ khu vực đền Giếng đến ngã 5 đền Giếng ra bờ hồ Mai An Tiêm.

Song song với đó, Ban tổ chức cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm hạn chế tình trạng bán hàng rong, ăn xin, chèo kéo du khách nhằm thiết lập lại an ninh trật tự, xây dựng hình ảnh văn minh, tạo cảnh quan và môi trường an toàn, thân thiện cho người dân và khách du lịch khi về với Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025.

z6383351640006_16d39eea8b87eae9ec49d1ba7de196df.jpg
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 thu hút đông đảo du khách thập phương về trẩy hội. Ảnh: Phương Thanh

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng thảo luận về công tác xây dựng sản phẩm, gói kích cầu, các tour tuyến đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ và những giải pháp quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Phú Thọ trên nền tảng xã hội nhằm thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh trong thời gian tới.

Theo: hanoimoi.vn

Dân mạng đùa cực hóm về ngày 8/3

 

Không muốn phải đau đầu vắt óc nghĩ quà, mua quà cho chị em nhân ngày 8/3, nhiều anh em đưa ra đề xuất hài hước và ngay lập tức bị chị em phản công mạnh mẽ.

Ngày 8/3 đang đến gần, không khí háo hức sôi sục khắp nơi, đặc biệt là trên mạng xã hội. Nhiều nam giới đang đau đầu vắt óc nghĩ xem nên mua quà gì tặng chị em.

Nhiều anh than thở: "Tại sao vừa qua ngày 14/2, đã đến 8/3? Sắp tới lại đến ngày Valentine trắng 14/3, chỉ mỗi việc nghĩ tặng quà gì cho vợ, người yêu đã khiến cánh mày râu chúng tôi kiệt sức". 

tangquua.jpg
Anh em đau đầu nghĩ quà ngày 8/3 cho chị em. Ảnh: FP

Ngay lập tức, nhiều anh em đã đề xuất những ý tưởng mang tính "đột phá" nhưng vô cùng hài hước, như sáp nhập các ngày 14/2, 8/3 và 20/10... thành một ngày duy nhất để tiết kiệm thời gian, tài chính và công sức.

Có người còn nhanh trí đặt tên cho ngày lễ mới này là "ngày quan trọng của chị em". "Lúc đó phụ nữ được tặng quà một lần, còn anh em được giảm áp lực”, người đề xuất nêu lý do.

haihuoc83.jpg
Cánh mày râu đưa ra đề xuất "sáp nhập" ngày 8/3. Ảnh chụp màn hình
haihuoc83g.png
Một đề xuất khác cũng gây chú ý của dân mạng. Ảnh: chụp màn hình

Thậm chí, có anh còn tự khen mình là người chồng tốt nếu không tặng quà cho vợ ngày 8/3. 

haihuoc83.png
Các anh chồng tự khen mình. Ảnh chụp màn hình

Ngay lập tức, cánh chị em đáp trả, đề xuất "sáp nhập" các bữa sáng, trưa, tối thành một để khỏi phải đau đầu nấu nướng cho các ông chồng.

"Hòa theo không khí sáp nhập của cả nước, các anh đề xuất gộp 14/2, 8/3, 20/10 vào làm một. Vậy chị em chúng tôi đề nghị sáp nhập 3 bữa sáng, trưa, tối thành một cho phụ nữ đỡ phải nấu nướng nhiều", một chị viết.

haihuoc83f.png
Đại diện chị em phản hồi trước đề nghị "sáp nhập" ngày 8/3 của anh em. Ảnh chụp màn hình

Nhiều chị em còn viết status, ước được các anh chồng, bạn trai tặng "quà cho ra quà". 

haihuoc83a.jpg
Một bó hoa nhân ngày 8/3 "đáng đồng tiền bát gạo". Ảnh: Gió
haihuoc83d.png
Các bạn nữ yêu cầu món quà thú vị cho ngày 8/3. Ảnh chụp màn hình

Những status trên đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và nhận được nhiều lượt tương tác, chia sẻ cũng như bình luận.

Dù các "đề xuất" hóm hỉnh này có thành hiện thực hay không, thì chắc chắn cánh mày râu vẫn phải lo quà tặng cho chị em. Vì nếu không có chị em quán xuyến việc nhà, lo cơm nước, chăm sóc con cái thì các anh sẽ vô cùng vất vả.

Tổng hợp

Theo: vietnamnet.vn