Nếu nói về drama nóng nhất thời điểm này, chắc chắn vụ ồn ào từ thiện của Phạm Thoại và mẹ bé Bắp sẽ đứng đầu bảng. Ban đầu, câu chuyện khởi nguồn từ một mục đích nhân văn – kêu gọi giúp đỡ một bé trai mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng chỉ trong vài tuần, sự việc đã bùng nổ theo hướng không ai ngờ tới, kéo theo hàng loạt tranh cãi, sao kê, livestream “bóc phốt” và cả những câu hỏi lớn về tính minh bạch của từ thiện cá nhân.
Bài đăng kêu gọi từ thiện của Phạm Thoại được đăng tải ngày 4/11/2024. (Ảnh chụp màn hình)
16,7 tỷ đồng không phải con số nhỏ. Và khi tiền bạc liên quan đến lòng tốt, nó trở thành một câu chuyện nhạy cảm hơn bao giờ hết. Vậy, câu chuyện lần này phản ánh điều gì? Liệu có phải “từ thiện” đang dần biến tướng thành “từ tiền”?
Mẹ bé Bắp và Phạm Thoại
2. Khi lòng tốt trở thành “con dao hai lưỡi”
Từ thiện, về bản chất, là một hành động xuất phát từ lòng trắc ẩn. Nhưng khi dòng tiền chảy về quá nhanh, quá nhiều và thiếu sự giám sát chặt chẽ, nó có thể tạo ra những hệ lụy khó lường.
2.1. “Hiệu ứng đám đông” và sức mạnh của mạng xã hội
Trong kỷ nguyên TikTok, một lời kêu gọi của KOL có thể huy động hàng tỷ đồng chỉ trong vài ngày. Điều này nghe thì tuyệt vời, nhưng cũng đặt ra vấn đề: Những người đóng góp thực sự hiểu rõ mình đang giúp đỡ ai và số tiền sẽ đi đâu không? Hay tất cả chỉ đơn giản là “ủng hộ theo trend”?
Trường hợp của Phạm Thoại là ví dụ điển hình. Với sức ảnh hưởng lớn trên TikTok, anh chỉ cần vài video là có thể huy động số tiền khổng lồ. Nhưng sau đó, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý và phân bổ số tiền này?
2.2. Không phải cứ sao kê là xong!
Sau khi vướng nghi vấn, Phạm Thoại đã công khai sao kê số tiền 16,7 tỷ đồng, nhưng dư luận vẫn chưa hài lòng. Vì sao?
• Sao kê không đồng nghĩa với minh bạch: Chỉ đưa ra bản sao kê ngân hàng không thể hiện rõ tiền được sử dụng như thế nào. Những khoản chi cụ thể, quá trình giải ngân, ai là người quyết định – tất cả đều là dấu hỏi.
• Niềm tin đã bị tổn thương: Công chúng không chỉ cần một tờ giấy sao kê mà còn muốn thấy trách nhiệm và sự minh bạch thực sự. Khi lòng tin đã lung lay, rất khó để khôi phục.
Phạm Thoại chuẩn bị nhiều tài liệu phục vụ việc công khai minh bạch khoản tiền từ thiện các mạnh thường quân gửi cho bé Bắp
3. “Từ thiện cá nhân” – Cần hay nên dừng lại?
3.1. Ranh giới mong manh giữa giúp đỡ và trục lợi
Không thể phủ nhận rằng nhờ có những cá nhân như Phạm Thoại, nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ nhanh chóng. Nhưng cũng có rất nhiều vụ lùm xùm liên quan đến việc lợi dụng từ thiện để trục lợi.
Một số câu hỏi lớn đặt ra:
• Ai kiểm soát nguồn tiền này?
• Có cơ chế nào đảm bảo số tiền sẽ đến đúng tay người cần giúp đỡ?
• Nếu có sai phạm, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể và chặt chẽ về từ thiện cá nhân. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn, khiến một số cá nhân có thể lợi dụng để trục lợi mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý rõ ràng.
3.2. Cần một hệ thống quản lý chặt chẽ hơn
Thay vì để các KOL tự kêu gọi và tự quản lý tiền từ thiện, một giải pháp hợp lý hơn có thể là:
• Thành lập một quỹ từ thiện chuyên nghiệp có sự giám sát chặt chẽ.
• Các cá nhân kêu gọi từ thiện nên phối hợp với các tổ chức chính thức để đảm bảo tính minh bạch.
• Áp dụng công nghệ blockchain hoặc các nền tảng tài chính minh bạch để theo dõi từng khoản quyên góp.
4. Đừng để từ thiện trở thành “cuộc chiến mạng xã hội”
Câu chuyện của Phạm Thoại và mẹ bé Bắp không chỉ đơn thuần là tranh cãi giữa những người liên quan mà đã biến thành một trận chiến trên mạng xã hội. Một bên chỉ trích gay gắt, đòi hỏi minh bạch. Một bên bảo vệ, cho rằng đây là chuyện cá nhân và ai không thích có thể không đóng góp.
Tuy nhiên, tranh cãi sẽ chẳng đi đến đâu nếu chỉ dừng ở mức “khẩu chiến”. Điều quan trọng hơn là chúng ta cần rút ra bài học:
• Đừng vội vàng quyên góp chỉ vì cảm xúc nhất thời, hãy tìm hiểu kỹ trước khi ủng hộ.
• Người kêu gọi từ thiện cần minh bạch ngay từ đầu, thay vì đợi đến khi bị chất vấn mới giải thích.
• Xây dựng một môi trường từ thiện có trách nhiệm, nơi lòng tốt không bị biến thành công cụ để trục lợi.
5. Từ thiện là để giúp đỡ, không phải để tranh cãi
Câu chuyện của Phạm Thoại có thể rồi sẽ qua đi, nhưng bài học về minh bạch trong từ thiện vẫn còn nguyên giá trị. Nếu muốn giúp đỡ một ai đó, hãy chắc chắn rằng sự giúp đỡ đó thực sự đến đúng nơi và được sử dụng đúng cách.
Trong không khí phấn khởi kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ đô đã có nhiều hoạt động chào mừng sôi nổi và ý nghĩa, thu hút đông đảo các lực lượng phụ nữ tham gia, tạo được không khí vui tươi, ấm áp và lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình ra mắt mô hình "Vườn trải nghiệm" tại Bến hoa Phúc Xá. Ảnh: BTC
Ngày 8-3, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Ðình tổ chức "Ngày hội Áo dài xuống phố", ra mắt mô hình "Vườn trải nghiệm" tại Bến hoa Phúc Xá. Không chỉ là một sự kiện tôn vinh áo dài, Ngày hội còn mang đến những hoạt động ý nghĩa, giúp người tham gia có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm và kết nối với những giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô.
Cán bộ, hội viên phụ nữ sinh hoạt truyền thống tại các địa danh lịch sử. Ảnh: BTC
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai tổ chức hoạt động dâng hương, gặp mặt, sinh hoạt truyền thống tại đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) và Khu di tích lịch sử Cổ Loa (huyện Đông Anh).
Trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai đã phát động Tuần lễ áo dài, mô hình "Tuyến phố không rác"; huy động 150 cán bộ, hội viên tổng vệ sinh môi trường tại các khu vực trọng điểm; tặng 48 suất quà cho phụ nữ tiêu biểu trong phong trào "Ba đảm đang".
Phụ nữ quận Hoàn Kiếm giới thiệu ẩm thực Hà Nội. Ảnh: BTC
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm tổ chức Festival “Phụ nữ Hoàn Kiếm tài năng - thanh lịch” năm 2025. Tại chương trình, diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ấn tượng, như: Hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”; Hội chợ “Tinh hoa ẩm thực Việt” giới thiệu ẩm thực Hà Nội với các món ăn truyền thống; các gian hàng giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng và biểu diễn nghệ thuật.
Phụ nữ huyện Đông Anh tham gia Ngày hội thể thao “Vì sự tiến bộ phụ nữ”. Ảnh: BTC
Hòa chung không khí hân hoan đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mê Linh tổ chức “Hội khỏe phụ nữ Mê Linh”. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh tổ chức Ngày hội thể thao “Vì sự tiến bộ phụ nữ” năm 2025. Đây là dịp để các cấp Hội phụ nữ cùng nhau giao lưu, thể hiện sự duyên dáng, tài năng, khéo léo của chị em.
Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Nam Từ Liêm tổ chức cuộc thi ảnh “Check-in Nam Từ Liêm”; Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự quận tổ chức Hội trại với chủ đề “Hà Đông - Sắc màu hội tụ"; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì tổ chức gặp mặt gương nữ tiêu biểu trong phong trào “Ba đảm đang”; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quốc Oai tổ chức Hội thi trình diễn áo dài và liên hoan tiếng hát nữ công nhân viên chức lao động…
Một số hình ảnh các hoạt động sôi nổi của phụ nữ Thủ đô trong dịp 8-3. Ảnh: BTC
Nói đến tấm gương làm việc thiện ở Hà Nội thời Pháp thuộc không thể không nhắc đến bà Cả Mọc. Bà tên thật là Hoàng Thị Uyên, người làng Kim Lũ, xưa thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Chân dung bà Cả Mọc.
Bà Hoàng Thị Uyên sinh năm 1870, là con gái cụ Hoàng Đạo Thành (1835 - 1908), một nhà Nho yêu nước, một sử gia tên tuổi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với các tác phẩm tiêu biểu là “Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện”, “Việt sử Tân ước toàn biên”, “Việt sử tứ tự”. Năm 1902 cụ từ quan về quê, rồi tham gia phong trào Duy Tân.
Đến tuổi lấy chồng, bà Hoàng Thị Uyên được gả làm vợ ông Nguyễn Huy Vị, con trai cụ tú Nguyễn Đôn người làng Hạ Đình thuộc kẻ Mọc (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), vì thế được gọi là “bà Cả Mọc”. Chung sống mấy năm nhưng chưa có con thì chồng mất, không lâu sau bố chồng cũng qua đời, bà ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng. Nhà chồng không có ruộng nên bà đi bán hàng thuê ở phố Hàng Đào, từ đó tập tành buôn bán.
Sau chục năm kinh doanh hàng tơ lụa, dành dụm được món tiền bà mua đất xây chùa, đón mẹ chồng về chùa sống an vui tuổi già, còn bà mở rộng kinh doanh ở khu phố cổ. Lúc đầu bà thuê cửa hàng trên phố Hàng Bạc mở sạp vải lấy tên là “Nghĩa Lợi”, ít lâu sau bà mua căn nhà số 25 phố Hàng Đào, chuyển tiệm vải đến địa chỉ mới. Ngoài phụng dưỡng mẹ chồng, bà còn nuôi nấng, tìm thầy dạy học, cưới vợ cho em trai cùng cha khác mẹ là Hoàng Đạo Thúy - một trong những người sáng lập, lãnh đạo tổ chức Hướng đạo Việt Nam, sau này trở thành một nhà cách mạng, nhà văn hóa tên tuổi của đất nước.
Năm 1923, các tỉnh Nam Định, Thái Bình bị vỡ đê. Dân đói la liệt đầy đường. Xót thương đồng bào, bà lấy tiền nhà ủng hộ và đi quyên góp chị em, bạn hữu và bà con buôn bán rồi nhờ thanh niên đi phát cùng. Thấy con cái những người làm thuê lang thang trên phố vì không có ai chăm nom, buổi trưa cũng không có cơm ăn nên bà vận động chị em buôn bán ở khu phố cổ gom lũ trẻ lại, cho ăn bữa trưa. Ý tưởng thành lập Hội Tế sinh nhen nhóm từ đó.
Hà Nội những năm ấy cuộc sống đói khổ, người dân lam lũ bần hàn, trẻ em đói ăn vạ vật. Mới đầu bà Cả Mọc chỉ mở một ngôi nhà nhỏ để trông nom bọn trẻ, cho chúng ăn uống, tắm rửa miễn phí giúp cha mẹ chúng yên tâm đi làm. Nhiều người tưởng đây là cô nhi viện nên đã mang những trẻ không nơi nương tựa tới gửi gắm cho bà. Bà gặp học giả Nguyễn Văn Vĩnh, chủ báo Trung Bắc tân văn nói ý định lập nhà Tế sinh để nuôi dạy trẻ em nghèo miễn phí; đáng chú ý là trẻ em vào đây ngoài được nuôi nấng còn được dạy học, khác xa với trại tế bần do người Pháp mở. Ông Vĩnh khích lệ và nói, nếu bà đứng ra sẽ có nhiều người đồng lòng ủng hộ.
Được bà Cả Mọc vận động, chị em buôn bán ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Buồm... người giúp công, người giúp của. Năm 1938, bà Cả Mọc mua miếng đất hơn 1.000m2 ở ngõ Hàng Đũa (phố Ngô Sỹ Liên ngày nay) để xây nhà Tế sinh. Bà được bầu làm Hội trưởng, bác sĩ Trần Văn Lai làm Hội phó, em trai bà là Hoàng Đạo Thúy làm thư ký...
Việc xây dựng nhà Tế sinh giao cho một nhà thầu ở Hàng Đẫy. Ông này chỉ lấy tiền vật liệu mà không lấy tiền công. Trên cổng nhà Tế sinh có đắp khẩu hiệu “Ấu nhân chi ấu - Yêu con mình, yêu cả con người”, các bức tường bên trong có dòng chữ “Tất cả vì trẻ con”. Nhờ Trung Bắc tân văn và một số tờ báo đăng thông tin miễn phí liên tục nên công chúng hiểu được hoạt động của nhà Tế sinh. Sáng sáng, những người làm thuê có hoàn cảnh nghèo khó mang con đến gửi, chiều lại đến đón con về. Không chỉ tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, nhà Tế sinh còn nuôi ăn mà không thu một đồng, chỉ nhận tiền hay quà từ những nhà hảo tâm. Trẻ vào đây được khám, chữa bệnh, được dạy học chữ, học hát, đến khi lớn lên con gái được học đan lát thêu thùa, con trai được dạy nghề thủ công hay làm đồ mộc. Bà Cả Mọc muốn bọn trẻ sau này đến tuổi trưởng thành sẽ có nghề để tự kiếm kế sinh nhai.
Những hoạt động của nhà Tế sinh.
Nhà Tế sinh được Đốc lý Hà Nội đến thăm, bày tỏ bất ngờ khi An Nam lại có mô hình nhà trẻ đầy tình nhân ái, trong khi ngay cả ở châu Âu thời điểm đó cũng chỉ có rất ít. Vua Bảo Đại hay tin, nhân chuyến ra Hà Nội cũng đến thăm nhà Tế sinh; sau này về Huế vua sai người mang đến tặng bà Cả Mọc tấm hoành phi khắc hai chữ “Tiết nghĩa”. Khoảng năm 1943, bà Cả Mọc mua mảnh đất ở khu vực Nội Bài (nay thuộc huyện Sóc Sơn) xây dãy nhà để nuôi người già không nơi nương tựa. Không chỉ nuôi ăn, bà còn cho mời bác sĩ từ Hà Nội lên để khám, chữa bệnh cho các cụ.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời bà Cả Mọc đến Bắc Bộ phủ (hiện Bảo tàng Lịch sử còn lưu giữ tấm ảnh bà chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp này), và Người khen ngợi những việc bà đã làm khi dân ta còn nhiều người nghèo khổ... Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà Cả Mọc đưa các cháu lên sơ tán tại ấp ở Nội Bài, rồi bà mất tại đó vào năm 1947.
Ở Hà Nội hiện có hai đường phố mang tên cha của bà là nhà chí sĩ cách mạng, nhà sử học Hoàng Đạo Thành và em trai bà là nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy.
Trong hai ngày 8 và 9-3, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân.
Giới thiệu các tiện ích của căn cước công dân. Ảnh: Chu Dũng
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 - 11/3/2025), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Bộ Công an tổ chức Chương trình Gala âm nhạc “Vinh quang Công an nhân dân Việt Nam”.
Trong hai ngày diễn ra sự kiện (8 và 9-3), người dân Thủ đô sẽ có cơ hội hòa mình vào chuỗi 8 hoạt động đặc sắc, ấn tượng, mang đậm dấu ấn của lực lượng Công an nhân dân.
Hoạt động đầu tiên là chương trình biểu diễn trống hội cùng võ thuật hào hùng tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ.
Giới trẻ xếp hàng xem phòng trình chiếu phim. Ảnh: Chu Dũng
Một trong những điểm nhấn được đông đảo người dân mong chờ tại sự kiện là triển lãm Bảo tàng công nghệ số, ứng dụng mô hình Immersive Museum hiện đại, mang đến trải nghiệm đa chiều, sống động.
Tham quan khu trưng bày thiết bị, khí tài của lực lượng Công an nhân dân tại dọc đường Hàng Khay, Tràng Tiền và một phần đường Hàng Bài (trong khuôn viên phố đi bộ) với nhiều trang thiết bị tối tân, hiện đại, như: Xe bọc thép, robot, xe chữa cháy…
Người dân thử cảm giác lái xe trên mô hình. Ảnh: Chu Dũng
Song song với đó là các khu trải nghiệm tương tác kết hợp tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống tội phạm công nghệ cao… và các hoạt động: Trải nghiệm công dân số, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông… giúp người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống tội phạm và các hoạt động phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.
Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, người dân và du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những màn biểu diễn mô tô dẫn đoàn, nhạc kèn, kỵ binh, võ thuật và khí công đầy mãn nhãn hay màn biểu diễn tình huống truy bắt tội phạm đầy kịch tính, nghẹt thở.
Huấn luyện chuyên nghiệp cảnh khuyển phát hiện dấu vết tội phạm do chính lực lượng Công an nhân dân thể hiện. Ngoài ra, Lễ hội áo dài và diễu hành tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng cũng là một trong chuỗi hoạt động của sự kiện.
Các kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy trình bày dễ hiểu, dễ nhớ. Ảnh: Chu Dũng
Khép lại chuỗi hoạt động đầy ấn tượng là Chương trình Gala âm nhạc “Vinh quang Công an nhân dân Việt Nam” sẽ diễn ra vào tối 9-3, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với sự góp mặt của dàn nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, như: Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Tùng Dương, Soobin Hoàng Sơn, Nguyễn Trần Trung Quân, Văn Mai Hương, Dương Hoàng Yến…
Dưới đây là chuỗi các hoạt động đặc sắc của các lực lượng Công an nhân dân:
Dàn mô tô của Cảnh sát giao thông. Ảnh: Chu DũngLực lượng kỵ binh. Ảnh: Chu DũngMàn trình diễn tấn công tội phạm của Cảnh sát cơ động. Ảnh: Chu DũngTheo: hanoimoi.vn
Hoàng Thùy Linh có những chia sẻ chân thành về sự cố được cho là "trịch thượng với báo chí" được ghi lại trong nội dung phim về "Vietnamese Concert" ra mắt ngày 8/3.
Theo chia sẻ từ một thành viên trong ê-kíp, sau sự cố, Hoàng Thùy Linh vẫn tiếp tục công việc như bình thường: tập nhảy, tập hát, kiểm tra khâu sản xuất.
Trong phim, Hoàng Thùy Linh thừa nhận bản thân rất buồn về sự việc: "Chắc chắn đó không phải điều tôi mong muốn, nhất là khi tôi đang có nhiều niềm vui để chia sẻ với mọi người trong đêm concert".
Nữ ca sĩ cảm ơn khán giả, các tiền bối và báo chí đã cho mình cơ hội phát triển. Cô nhấn mạnh: "Những ai theo dõi sự nghiệp của tôi đều biết tôi luôn trân trọng và yêu thương báo chí. Họ như người anh, người chị trong gia đình. Khi định làm điều gì vui, tôi đều muốn chia sẻ.
Trong gia đình, đương nhiên có lúc chia sẻ, bảo ban nhau. Tôi mong rằng trong tất cả những điều đó, hãy giữ lại sự tích cực và yêu thương, bởi các anh chị báo chí rất quan trọng trong hành trình phát triển, trưởng thành và hạnh phúc của tôi".
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh.
Trong phần giao lưu với báo chí, trước câu hỏi Tại sao không đưa vào yếu tố làm mình từng buồn và làm sao vượt qua cú sốc tinh thần? Hoàng Thùy Linh trả lời: "Đó là lúc ngồi một mình không có máy quay. Và sự thật là tôi cũng tôn trọng tất cả những cách thể hiện cảm xúc của mọi người".
Cô thừa nhận đôi khi giữ nỗi buồn cho riêng mình và thích lắng nghe hơn chia sẻ. Thay vì tập trung vào nỗi buồn, Hoàng Thùy Linh chọn "giành lại những năng lượng tuyệt đẹp giữa người với người, những tình yêu đã cho tôi, có thể gọi là oxy để sống và muốn sống cho đến ngày hôm nay".
Nữ ca sĩ thẳng thắn thừa nhận: "Tôi là một người không hoàn hảo, chắc chắn có rất nhiều khuyết điểm. Vượt qua chính mình thôi cũng đã rất là khó khăn rồi". Hoàng Thùy Linh nói cần thời gian để tự ngẫm nghĩ, tự kiểm điểm để nhận ra đã được yêu thương như thế nào và phải thể hiện lòng biết ơn bằng hành động.
Trong phim tài liệu về Vietnamese Concert, Hoàng Thùy Linh cũng hé lộ nhiều chi tiết thú vị về quá trình chuẩn bị cho đêm diễn đáng nhớ của mình và khóc trước lời động viên của bố mẹ ở phần cuối của phim.
Cảm hứng đặt tên Vietnamese Concert đến với Hoàng Thùy Linh một cách đầy ngẫu hứng trong chuyến thăm quê nội. Trên chuyến xe di chuyển, nữ ca sĩ chợt nhận ra ý nghĩa sâu sắc về cội nguồn và bản sắc. "Mình là ai? Mình sinh ra từ đâu? Và điều gì đã tạo nên cá tính con người?" - những câu hỏi này đã dẫn dắt cô đến cái tên Vietnamese Concert.
Nữ ca sĩ đặc biệt chú trọng đến việc thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong concert. "Trong nửa năm qua, Hoàng đã phải tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều về văn hóa của Á Đông và văn hóa của Việt Nam để xây dựng lên cho Linh những bộ trang phục nó mang đến nhiều tầng ý nghĩa khác nhau", stylist Hoàng Ku chia sẻ trong phim.
Là người dẫn dắt dự án, Hoàng Thùy Linh thể hiện tư duy làm việc rõ ràng, thẳng thắn và tôn trọng đồng nghiệp. Cô khuyến khích mọi người nói thật mọi ý tưởng, đặc biệt là "những điều chưa từng được làm với các ê-kíp khác", tạo không gian sáng tạo rộng mở. Tuy nhiên, Hoàng Thùy Linh cũng tự nhận thức rằng đôi khi có thể quá gay gắt và ai cũng cần sự động viên, khích lệ để làm việc hiệu quả.
Vietnamese Concert là dự án lớn của Hoàng Thùy Linh. Với sự tham gia của hơn 1.000 người, trong đó có khoảng 200 vũ công đến từ nhiều vũ đoàn khác nhau trên cả nước, concert đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và quản lý chuyên nghiệp. Quy mô này đặt ra nhiều thách thức về mặt tổ chức, sản xuất và biểu diễn, đồng thời thể hiện tham vọng nghệ thuật lớn của nữ ca sĩ.
Sau nhiều lần úp mở và cố giấu mặt bạn gái, tiền vệ Đức Huy vừa chính thức công khai một nửa của mình là MC Huyền Trang (Mù Tạt).
Cầu thủ Đức Huy và MC Huyền Trang VTV dính tin đồn hẹn hò một thời gian khi mạng xã hội chia sẻ bức ảnh 2 người được mặc áo dài nắm tay thân mật. Có nguồn tin cho rằng bức ảnh được chụp khi MC Huyền Trang về quê Đức Huy dịp Tết vừa qua.
Ngày 14/2, Đức Huy đăng ảnh tại nhà riêng với hình ảnh chụp phía sau lưng bạn gái đang đứng rửa bát. Nhiều người nhận định đó chính là MC Huyền Trang. Cùng ngày, MC Huyền Trang cũng đăng ảnh Đức Huy cầm hoa tặng trong không gian một quán cafe.
Dù cả hai tương tác và "thả thính" nhiệt tình trên trang cá nhân của nhau nhưng Huyền Trang và Đức Huy đều không lên tiếng xác nhận hay phủ nhận thông tin họ đang hẹn hò.
Tuy nhiên tối 7/3, cầu thủ Đức Huy bất ngờ đăng ảnh chụp với MC Huyền Trang dù không tag tên cô. Đây là lần đầu tiên anh công khai đăng ảnh bạn gái kèm lời nhắn hài hước: "Đăng ảnh hôm nay vì mai bận! Quà thì cũng nhận sớm rồi, còn cho hẳn chuyến đi về quê tôi để thăm thú rồi làm mấy kiểu ảnh. Ngày 8/3 chúc bạn phát tài phát lộc, đủ đầy sung túc, ra đường vui vẻ, về nhà yêu thương".
MC Huyền Trang cũng vào thả like và bình luận hài hước. Trong khi đó, bạn bè và người hâm mộ của cả hai đều chúc mừng cặp đôi. Các cầu thủ Quế Ngọc Hải, Hồ Tấn Tài, Trần Đình Trọng, Phan Văn Đức... cùng để lại bình luận hài hước.
MC Huyền Trang cũng đồng thời chia sẻ loạt ảnh tương tự chụp cùng Đức Huy với nội dung hài hước: "Đang 88 lại va phải 34". Đoàn Văn Hậu, MC Hồng Phúc, người mẫu Hạ Vy, diễn viên Lưu Duy Khánh, Thuỳ Dương... đều vào bình luận vui. Cô cũng đăng tải đoạn clip hậu trường chụp ảnh trên TikTok.
Huyền Trang sinh năm 1993, hơn Đức Huy 2 tuổi. Cô được biết tới khi dẫn Bữa trưa vui vẻ trên VTV6 và sau đó dẫn hàng loạt chương trình giải trí trên VTV3 như: Cuộc hẹn cuối tuần, Khách sạn 5 sao, Cafe sáng.... Huyền Trang cũng góp mặt trong một số bộ phim giờ vàng: Mê cung, 11 tháng 5 ngày...