Thứ Tư, 12 tháng 3, 2025

Năm 2025, đi xe máy không gạt chân chống bị phạt bao nhiêu tiền?

 Mặc dù ý thức tham gia giao thông ngày một cải thiện nhưng còn không ít người vi phạm gây mất an toàn giao thông, trong đó có việc không gạt chân chống xe máy.

Việc không gạt chân chống là một thói quen xấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho chính người điều khiển và cộng đồng. Một nghiên cứu của Hội An toàn giao thông Việt Nam cho thấy, tỉ lệ tai nạn liên quan đến lỗi này chiếm khoảng 5% trong tổng số các vụ tai nạn xe máy. Hậu quả của việc này không chỉ là thiệt hại về tài sản mà còn có thể gây thương tích, thậm chí tử vong.

Nâng cao ý thức về việc gạt chân chống xe sau khi khởi động là vô cùng quan trọng. Đây là một hành động đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa an toàn lớn. Người tham gia giao thông cần tự giác và tạo thói quen này để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Không gạt chân chống xe máy khi di chuyển không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn mà có thể bị xử phạt rất nặng. (Ảnh minh hoạ)

Không gạt chân chống xe máy khi di chuyển không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn mà có thể bị xử phạt rất nặng. (Ảnh minh hoạ)

Về mức phạt không gạt chân chống xe máy khi đang chạy năm 2025, theo Điểm a Khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính với số tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy.

Theo Điểm b Khoản 10 và Điểm d Khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy mà gây tai nạn thì bị xử phạt hành chính với số tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm và nâng cao ý thức, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường tuyên truyền, tổ chức các chương trình giáo dục an toàn giao thông trong trường học và các địa phương. Việc áp dụng công nghệ, như hệ thống cảnh báo tự động khi chân chống chưa gạt, trên các dòng xe máy mới cũng là một giải pháp được khuyến khích và phát triển.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần chú ý hơn tới các tiêu chí an toàn khi lựa chọn, sử dụng xe máy. Việc bảo dưỡng, kiểm tra xe định kỳ cũng giúp phát hiện và khắc phục sớm những vấn đề kỹ thuật liên quan đến chân chống và các bộ phận khác của xe.

Theo: VTC NEWS

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động bế giảng huấn luyện đầu khóa đào tạo chính quy

Trải qua 5 tháng huấn luyện theo Chương trình khung của Bộ Công an, 100% học viên hoàn thành chương trình huấn luyện, nhiều học viên đạt kết quả khá, giỏi.

Ngày 12/3/2025, tại Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tổ chức Lễ bế giảng huấn luyện đầu khóa học viên đào tạo chính quy các trường công an nhân dân năm học 2024-2025. Trong ảnh: Đại tá Phùng Văn Chiến, Phó Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, phát biểu chỉ đạo tại lễ bế giảng. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Đại tá Phùng Văn Chiến, Phó Tư lệnh Cảnh sát Cơ động trao giấy chứng chỉ hoàn thành khóa huấn luyện cho các học viên xuất sắc. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Duyệt đội ngũ báo cáo kết quả hoàn thành khóa huấn luyện. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Trải qua 5 tháng huấn luyện theo Chương trình khung của Bộ Công an, 100% học viên hoàn thành chương trình huấn luyện, nhiều học viên đạt kết quả khá, giỏi. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Các học viên báo cáo kết quả huấn luyện tại lễ bế giảng. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Các học viên duyệt đội ngũ báo cáo kết quả hoàn thành khóa huấn luyện. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Cách nào giúp người trẻ 'thích nghi' giữa làn sóng mất việc?

Trước thực trạng nhiều người trẻ "loay hoay" trong làn sóng thất nghiệp hiện nay, các chuyên gia về kinh tế, xã hội học đã có những phân tích về bối cảnh chung, từ đó gợi mở giải pháp giúp người trẻ thích nghi, xây dựng bộ kỹ năng "sinh tồn" và trở thành một nhân sự bền vững trong bối cảnh đầy biến động. 

Xu hướng "từ bỏ công việc thầm lặng" hoặc "nằm yên mặc kệ"

Trước làn sóng làn sóng thất nghiệp cả ở khu vực công - tư hiện nay, TS. Phan Duy Anh - Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM) nhận định, đối với khu vực tư nhân, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do sức cầu tiêu dùng yếu, chi phí đầu vào tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững, họ buộc phải cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy để tồn tại, vượt khó, dẫn tới hình thành một làn sóng sa thải nhân sự xuất hiện phổ biến từ năm 2023.

Làn sóng mất việc không chỉ gây khó khăn về kinh tế mà còn tác động sâu sắc đến cấu trúc xã hội và tâm lý của người lao động, đặc biệt là nhóm dễ tổn thương như Gen Z. Thêm vào đó, cắt giảm nhân sự tạo ra một thị trường có mức cạnh tranh cao do dư thừa lượng lớn nguồn lao động có kinh nghiệm. Điều đó dẫn đến sự khốc liệt trong việc tìm kiếm việc làm, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên mới ra trường, dễ bị layoff (không có việc làm) do chưa có quá nhiều kinh nghiệm làm việc.

"Gen Z, vốn đã đối mặt với nhiều áp lực từ mạng xã hội và kỳ vọng của xã hội, khi thất nghiệp sẽ dễ cảm thấy mất phương hướng, dẫn đến lo âu, căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Điều này cũng dễ kéo theo xu hướng “quiet quitting” (từ bỏ công việc thầm lặng) hay “lying flat” (nằm yên mặc kệ) có thể gia tăng, khi nhiều người không còn động lực để cố gắng trong công việc", TS. Phan Duy Anh nhận định.

Mặt khác, làn sóng này đã tác động đến sự thay đổi trong phản ứng tâm lý của người lao động theo cả hai chiều hướng tiêu cực và tích cực. Theo TS. Duy Anh, khi mất việc một cách đột ngột, tâm lý nhiều người có thể cảm thấy bàng hoàng, không thể tin rằng mình rơi vào hoàn cảnh này.

Mất việc làm cũng trở thành một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người lao động cảm thấy áp lực tài chính, lo lắng về tương lai và khả năng tìm việc mới. Nhiều người mất tự tin, đặc biệt là nếu họ không có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động hiện tại.

Tuy nhiên, bên cạnh những người có tâm lý bi quan, tức giận và thậm chí là bất mãn, cũng có một bộ phận những người lao động có tinh thần vững vàng hơn sẽ bắt đầu đánh giá lại bản thân, tìm kiếm những cơ hội mới và học hỏi để thích nghi.

Theo báo cáo 6 tháng cuối năm 2024 của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý IV/2024 là 7,96%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,34 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,02%; khu vực nông thôn là 7,40%.

Cách nào giúp người trẻ 'thích nghi' giữa làn sóng mất việc? ảnh 1

Gen Z, vốn đã đối mặt với nhiều áp lực từ mạng xã hội và kỳ vọng của xã hội, khi thất nghiệp sẽ dễ cảm thấy mất phương hướng, dẫn đến lo âu, căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Ảnh minh họa

Bộ kỹ năng "sinh tồn"

Phân tích thêm về cách người lao động phản ứng với làn sóng này, TS. Phan Tấn Lực - giảng viên Trường Kinh tế tài chính, Trường Đại học Thủ Dầu Một nhìn nhận, phổ biến nhất là chủ động nâng cấp kỹ năng thông qua các khóa học trực tuyến, học thêm ngoại ngữ, công nghệ số để tăng khả năng cạnh tranh. Nhiều người lựa chọn chuyển hướng nghề nghiệp sang các lĩnh vực ít biến động hơn, làm việc tự do (freelance) hoặc khởi nghiệp nhỏ để tự tạo thu nhập. Một số khác chấp nhận mức lương thấp hơn, vị trí thấp hơn để duy trì việc làm, trong khi có những người tạm nghỉ việc để chờ đợi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng, bất an vẫn phổ biến, đặc biệt ở lao động trẻ thiếu kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng nghề nghiệp.

Trước bối cảnh này, những kỹ năng quan trọng giúp người lao động thích nghi tốt với thị trường việc làm biến động là khả năng học tập liên tục để cập nhật kiến thức mới, kỹ năng công nghệ số như sử dụng AI, phân tích dữ liệu, vận hành phần mềm chuyên môn.

"Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh với thay đổi là rất cần thiết để bắt kịp yêu cầu mới từ doanh nghiệp. Đặc biệt, kỹ năng quản lý cảm xúc và duy trì tinh thần tích cực sẽ giúp người lao động vượt qua áp lực mất việc, giữ vững động lực phát triển sự nghiệp lâu dài. Đây được xem là bộ kỹ năng "sinh tồn" trong kỷ nguyên việc làm đầy biến động như hiện nay", TS. Phan Tấn Lực nói.

Mặc dù xuất hiện làn sóng cắt giảm nhân sự, nhưng với với xu hướng phát triển công nghệ tạo nên sự xuất hiện của các dạng công việc mới, chẳng hạn như sáng tạo nội dung và hướng đến chiến lược phát triển bền vững, phát triển công nghệ AI... Tất cả cho thấy tiềm năng sẽ gia tăng nhiều cơ hội việc làm và sự thay đổi trong một số vai trò công việc nhất định.

Theo TS. Duy Anh, các nhóm công việc ngày càng mở rộng, nhiều loại hình vô cùng mới mẻ mở ra thêm nhiều cơ hội cho những người thành thạo các kỹ thuật phân tích, tư duy sáng tạo, năng động với cơ cấu công việc linh hoạt, nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo liên tục và khả năng thích ứng trong môi trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng.

Vì vậy, về chính sách xã hội, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo miễn phí hoặc trợ cấp học phí cho người lao động mất việc, đặc biệt trong các ngành dễ bị ảnh hưởng chứ không chỉ chú trọng trợ cấp cho họ khi mất việc làm. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong việc tổ chức các khóa học thực hành, hướng nghiệp giúp người lao động dễ dàng tìm việc mới.

"Cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng họ không đủ tiền duy trì cuộc sống, buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Suy cho cùng, đích đến là các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao", TS. Duy Anh nói.

Trở thành một "nhân sự bền vững"

Theo quan sát của TS. Phan Tấn Lực dưới góc nhìn kinh tế, trong vòng 5 - 10 năm tới, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng mạnh mẽ ở các ngành gắn liền với xu hướng chuyển đổi số và phát triển bền vững. Cụ thể, các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, an ninh mạng và thương mại điện tử sẽ tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu nhân lực nhờ sự bùng nổ của nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan đến năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, logistics thông minh, công nghệ tài chính và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cũng được dự báo sẽ phát triển mạnh trong bối cảnh thế giới ưu tiên giải pháp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, những lĩnh vực sáng tạo như marketing số và giáo dục trực tuyến cũng sẽ cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa và cá nhân hóa dịch vụ.

Đối với người lao động, để bảo vệ vị trí việc làm trước làn sóng cắt giảm nhân sự, việc chủ động thích ứng là yêu cầu cấp thiết. Người lao động cần đầu tư nghiêm túc vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên cập nhật kiến thức mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và ngoại ngữ.

Song song đó, việc phát triển các kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm đa văn hóa và khả năng ứng dụng công nghệ số vào công việc hằng ngày sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng. Ngoài ra, duy trì tinh thần cầu tiến, thái độ chuyên nghiệp và khả năng làm việc trong môi trường linh hoạt, đa nhiệm cũng là yếu tố giúp người lao động thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động.

Về phía doanh nghiệp, để quản trị nhân sự hiệu quả trong bối cảnh bất ổn, điều cần thiết là xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính dài hạn và bền vững. Thay vì chỉ tập trung vào việc tinh giản biên chế nhằm cắt giảm chi phí ngắn hạn, doanh nghiệp nên chú trọng đến công tác đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng để giúp nhân viên đáp ứng được yêu cầu công việc mới.

Theo: Tiền phong

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2025: Nhiều tour kích cầu du lịch hấp dẫn

 Để thu hút khách du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025, tỉnh Phú Thọ sẽ hình thành nhiều tour du lịch kích cầu, giảm giá hấp dẫn.

1553155192_phu-tho.jpg
Để kích cầu du lịch nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2025, tỉnh Phú Thọ sẽ hình thành nhiều tour du lịch hấp dẫn, ưu đãi. Ảnh: S.T

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 29-3 đến 7-4 (tức từ mùng 1 đến 10 tháng 3 năm Ất Tỵ) tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các địa phương với quy mô cấp tỉnh cùng nhiều chuỗi sự kiện, hoạt động.

Theo đó, ngành du lịch tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị lữ hành ra mắt hàng loạt chương trình kích cầu và thu hút khách du lịch đến Phú Thọ năm 2025. Đồng thời, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ với các tiết mục đặc sắc, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh.

Khi đến tham quan, du lịch ở Đền Hùng, Đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu du lịch cộng đồng Hùng Lô..., du khách đặt tour, dịch vụ trực tiếp tới các doanh nghiệp (Homestay Long Cốc, khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ, khách sạn Mường Thanh Phú Thọ...) là các đơn vị tham gia chương trình kích cầu dịp này cũng có cơ hội giảm 20-50% giá dịch vụ (ăn, nghỉ); nhận voucher miễn phí trải nghiệm hát Xoan, đâm đuống, hái chè, làm mì gạo Hùng Lô, gói bánh chưng, giã bánh dày...

Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2025 cho đến hết năm nay, Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Phú Thọ liên kết với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng các chương trình tour du lịch bao gồm nhiều gói dịch vụ ưu đãi giảm giá, tặng quà miễn phí khi khám phá điểm đến, di sản tại Phú Thọ.

Cụ thể, du khách có thể trải nghiệm tour trong ngày Đền Hùng - Đình Hùng Lô - Làng cổ Hùng Lô; tour 2 ngày 1 đêm: Đền Hùng - Đình cổ Hùng Lô - Đền Tam Giang - Long Cốc - Tổ hợp khoáng nóng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy; tour 3 ngày 2 đêm: Đền Hùng - Hát Xoan - Đồi chè Long Cốc - Vườn quốc gia Xuân Sơn; tour liên tỉnh 5 ngày: Về miền Đất Tổ - Hà Nội - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai...

Các đơn vị tham gia chương trình kích cầu du lịch đã có cam kết với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ để bảo đảm chất lượng dịch vụ và các mức ưu đãi cho du khách. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát và tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị thông qua đường dây nóng, đảm bảo quyền lợi cho du khách khi tham gia chương trình.

Theo: hanoimoi.vn

Tuyển Việt Nam: HLV Kim Sang Sik không phụ thuộc vào Tiến Linh

Tiến Linh bị đau trước ngày lên tuyển Việt Nam khiến nhiều người lo lắng cho HLV Kim Sang Sik. Tuy nhiên, vị thuyền trưởng vẫn có phương án dự phòng chất lượng khác.

Gánh nặng của Tiến Linh

Xuân Son chấn thương phải nghỉ thời gian dài, khiến trách nhiệm ghi bàn cho tuyển Việt Nam ở vòng loại cuối Asian Cup 2027 dồn lên vai Tiến Linh.

Kỳ vọng vào Tiến Linh thay Xuân Son là đương nhiên, bởi Quả bóng vàng Việt Nam 2024 đang duy trì phong độ cao, hiệu suất ghi bàn rất ổn định ở V-League cũng như trong màu áo ĐTQG.

vn_11_2.jpg
Tiến Linh dù hội quân với tuyển Việt Nam, nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng ra sân. Ảnh: TH

Tuy nhiên, trước ngày tuyển Việt Nam hội quân chuẩn bị cho trận đấu gặp Lào trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2027, Tiến Linh bị đau gây lo lắng.

Dù mức độ chấn thương của chân sút người Hải Dương theo chẩn đoán ban đầu không nặng và hoàn toàn có thể thi đấu, nhưng trong hoàn cảnh vắng Xuân Son, chỉ cần Tiến Linh “hắt hơi, sổ mũi” cũng đủ khiến ông Kim Sang Sik đau đầu.

Giải pháp của ông Kim Sang Sik

Đặt trường hợp xấu nhất, tức Tiến Linh không thể ra sân trong 2 trận đấu gặp Campuchia (giao hữu) và Lào (vòng loại Asian Cup) vào các ngày 19 và 25/3 tới, rõ ràng đây sẽ là vấn đề đối với chiến lược gia người Hàn Quốc.

HLV Kim Sang Sik vẫn còn Vĩ Hào, Thanh Bình hay Tuấn Hải, nhưng các tiền đạo này chưa đảm bảo phong độ cao nhất như kỳ vọng hay năng lực sở hữu.

tuyen viet nam thai lan 12.JPG
Ngoài Tiến Linh, trọng trách ghi bàn dồn lên các tiền vệ như Hai Long? Ảnh: SN

Không sở hữu các chân sút đạt phong độ quá cao, nhưng đổi lại thuyền trưởng người Hàn Quốc đang có trong tay hàng loạt tiền vệ chơi tấn công rất giỏi và… biết ghi bàn nên có thể phần nào yên tâm trong trường hợp Tiến Linh vắng mặt.

Hoàng Đức, Hai Long, Châu Ngọc Quang, Khuất Văn Khang hay tân binh Minh Khoa, thậm chí Văn Vĩ đều đang sở hữu số lượng bàn thắng khá cao. Điều này đủ cho ông Kim Sang Sik bớt đi những điểm ái ngại đối với hàng công tuyển Việt Nam.

Có Tiến Linh đương nhiên sẽ tốt hơn rất nhiều cho tuyển Việt Nam. Tuy nhiên trong tình huống bất khả kháng, lúc này HLV Kim Sang Sik vẫn có những phương án dự phòng chất lượng cao và hướng tới chiến thắng trước Lào tại vòng loại cuối Asian Cup vào ngày 25/3 tới.

Theo: vietnamnet.vn

Ông Trần Anh Tú xin thôi làm Phó Chủ tịch VFF

Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch HĐQT VPF, bất ngờ xin rút khỏi các vị trí quan trọng đang đảm nhiệm.

Thông tin của VietNamNet cho hay, ông Trần Anh Tú- Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn kiêm Chủ tịch HĐQT VPF đã nộp đơn xin rút khỏi các vị trí then chốt trên của bóng đá Việt Nam. Lý do ông Tú đưa ra cho quyết định trên là để tập trung cho công việc kinh doanh riêng.

Ngoài việc rút khỏi các vị trí ở VFF và VPF, ông Trần Anh Tú vẫn đảm đương vị trí Chủ tịch LĐBĐ TPHCM, đồng thời cam kết tiếp tục đầu tư cho futsal Việt Nam lẫn một số đội bóng đá nữ mà doanh nghiệp của ông Tú hỗ trợ lâu nay.

Việc ông Trần Anh Tú xin thôi công việc ở các vị trí quan trọng tại VFF và VPF khiến nhiều người bất ngờ, bởi ông là người rất tâm huyết với bóng đá. Ông Tú là đầu tàu, có công lớn giúp tuyển futsal Việt Nam có 2 lần tham dự World Cup. Tại ASEAN Cup 2024, ông Trần Anh Tú giữ vai trò Trưởng đoàn, cùng HLV Kim Sang Sik dẫn dắt tuyển Việt Nam lần thứ 3 lên ngôi vô địch Đông Nam Á.

tran anh tu.jpg
Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú.

Hiện tại, cả VFF và VPF đều chưa lên tiếng về việc ông Trần Anh Tú xin nghỉ. 

Trước đó, tại Đại hội VFF khóa 9, ông Trần Anh Tú đắc cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn với 100% phiếu thuận do không gặp phải sự cạnh tranh nào khi là ứng viên duy nhất cho vị trí này.

Tại VPF, ông Trần Anh Tú có 3 nhiệm kỳ giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ở các nhiệm kỳ vừa qua, ông Tú ghi dấu ấn với nỗ lực giúp VPF tăng doanh thu, qua đó hỗ trợ thêm cho CLB, nâng tầm hình ảnh V-League về cơ sở vật chất, chất lượng chuyên môn. Đặc biệt ở mùa giải 2023/24, VAR lần đầu tiên được áp dụng ở V-League.

Theo: vietnamnet.vn