Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống không ngừng được cải thiện, nâng cao chất lượng sống. Nhưng đi
kèm với những điều tích cực ấy lại là một sự thật đáng buồn - con người
đang ngày một thờ ơ, vô tâm với những thứ xung quanh mình, từ thiên
nhiên, động vật thậm chí là đòng bào của mình.
Đáng buồn biết bao, chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta còn nhớ đến sự việc hôi của ở
Đồng Nai, mặc kệ một người đàn ông tài xế có gương mặt khắc khổ, quỳ
xuống đường van xin mọi người đừng lấy bia, người dân bên đường, đang đi
trên đường và cả đang yên vị trong nhà đã hồ hởi, tấp nập ra khuôn
những lon bia đấy về với một gương mặt “vui như trẩy hội”, không những thế liên tiếp sau đó là những sự việc đáng trách như hôi ngô, hôi nhãn trên đường, thậm chí là hôi hoa ở hội chợ. Đó chính là
vô cảm – một thái độ dửng dưng, lạnh lùng với tất cả thái độ của mọi
người xung quanh, chỉ chăm chăm phục vụ cho mục đích chính là bản thân
và chỉ bản thân mình mà thôi.
Đó chưa phải là tất cả, một khi con người
đã vô cảm, đã lạnh lùng với mọi thứ xung quanh thì sẽ có đến lúc con
người sẵn sàng chà đạp, đập nát mọi thứ xung quanh kể cả đồng loại mình
nhằm thoả mãn bản thân, làm mọi thứ để đạt được mục đích cá nhân. Đấy không chỉ còn là dự đoán mà nó đang
diễn ra ngay trước mặt chúng ta. Có ai còn nhớ hai
cô trông trẻ ở nhà trẻ Phương Anh đã đối xử với các cháu nhỏ như thế nào
chỉ để mục đích các cháu ăn cơm, có ai còn nhớ vụ việc cháu Hào Anh bị
hành hạ sống dở, chết dở chỉ để thoả mãn bực dọc cá nhân của người chủ.
Vô cảm có thể vô tình đưa đẩy đến những thứ khác còn tồi tệ hơn nó gấp nhiều lần . Nó là
một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động
nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá, gần đây nhất, vụ việc tài xế Đỗ
Anh Tú nhẫn tâm cán chết nữ sinh Hoàng Thị Quyên lại dóng lên hồi chuông
cảnh báo về sự vô cảm đến mức nhẫn tâm của con người. Bao nhiêu câu tục ngữ ca dao gần gũi và thân ái như "thương người như thể thương thân", "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" đã chả còn giá trị gì trong đầu anh tài xế nhẫn tâm kia.
Có câu chuyện
được đồn tai rằng, những người tài xế xe tải khi xảy ra tai nạn, họ luôn
muốn nạn nhân không còn sống để khỏi phải trả tiền viện phí và chữa trị
(thông thường có giá trị rất lớn). Tôi không dám tin và cũng không muốn tin đó là một phần của sự thật cho đến khi vụ tai nạn dã man ở Xã Đàn kia diễn ra. Nạn nhân
Hoàng Thị Quyên sau khi gượng dậy ở va chạm đầu tiên, đã bị tài xế Đỗ
Anh Tú dã man tiếp tục cán bánh xe qua người cô thêm một lần nữa khiến
mặt mũi biến dạng và làm cô bị thương rất nặng. Dã man, tàn bạo, mất
nhân tính… hàng trăm, hang ngàn từ nhục mạ được người dân cả nước nhận
xét trên khắp các trang báo mạng, trên các phương tiện đại chúng.
Hiện nay, các môn quan trọng góp phần hình thành
nên nhân cách con người như thời cấp một là môn Đạo Đức, lên cao hơn nữa thì gọi là Giáo dục công dân và Ngữ văn dường như từ
lâu đã trở thành những môn phụ ko đáng quan tâm, thời lượng tiết học vô
cùng ít ỏi và nội dung học thì quá nặng nề. Các bậc cha mẹ thì liên tục
dạy dỗ con cái về sự quan trọng của sự nghiệp, luôn hướng các con vào khối A,B,D để trở thành cử nhân, tiến sĩ, kĩ sư hay là bác sĩ mà dường như quên mất
bài học đầu đời của trẻ phải là tình thương, là sự đồng cảm. Nếu tình thương và lòng quan tâm của con người mất đi, tôi không thể tượng tượng được điều gì sẽ xảy ra đây, còn cần đến những người, những chứng vụ đã nói ở trên kia làm gì. Và trên hết
lý do chính là một chữ “sợ”. Sợ cái ác, sợ kẻ gian, sợ trách nhiệm, sợ
liên lụỵ đến bản thân, sợ bị lừa đảo... và vô vàn các chữ sợ khác nữa,
như ở trên, nỗi sợ mất tiền, sợ phải chịu trách nhiệm đã biến tài xế Đỗ
Anh Tú trở thành một con quỉ, sẵn sàng cán qua một nữ sinh mới ở độ tuổi
21 một cách không ghê tay.
Vô cảm sẽ vẫn còn tồn tại khi con người vẫn
còn quy hướng về bản thân, chọn phương thức sống cho mình, vì mình hoặc
chỉ hướng đến sự vật trung gian. Sự vật trung gian có thể là những lợi
ích vật chất, tinh thần, có thể là sắc đẹp, tài năng và cả đức độ. Như
vậy, chỉ khi nào con người biết vượt qua những sự vật trung gian, vượt
qua tất cả những gì khác với bản thân và không còn để những thứ trung
gian vây bọc cuộc đời mình, thì lúc đó mới có thể chạm được cõi lòng,
nỗi đau của người khác.
Có một câu rất hay rằng "nhân chi sơ, tính bản thiện". Ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ ông bà xin hãy dạy cho con cháu của mình biết thế nào là tình thương, biết hành xử sao cho mọi người cảm nhận được tình thương, biết sử dụng tình thương và đừng để cái bệnh vô cảm nó lấn át nữa. Như những người dân đã phẫn nộ
đuổi bắt tài xế Tú hay những người dân đã ra sức giúp đỡ tài xế Hậu
trong sự việc hôi của.
Giá như, chỉ là giá như thôi, bộ giáo dục có thể giảm tải hơn nữa những tiết học không thực tế chỉ dựa vào sách vở mà không có thực hành và thay vào đó có thể là những tiết học có thể giúp con người hiểu nhau hơn, bạn bè đoàn kết hơn. Hoặc có thể là những tiết ngoại khoá để cho học sinh tự tìm hiểu và giúp đỡ nhau thông qua những trò chơi chẳng hạn. Dẫu biết quá xa vời nhưng không có gì là không thể, mong rằng trong một tương lai không xa nữa thì căn bệnh vô cảm sẽ bị đẩy lùi để không còn tình trạng hôi của hay vụ tai nạn nhẫn tâm như vừa rồi xảy ra nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét