Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Liên quân thực hiện 30 cuộc không kích mới vào IS


Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 21/11 thông báo Mỹ và các đồng minh đã thực hiện 30 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria kể từ hôm 19/11.

Vụ không kích nhằm vào mục tiêu của IS trên đồi Tilsehir ở Kobane, Syria (ảnh: AFP/TTXVN)
Vụ không kích nhằm vào mục tiêu của IS trên đồi Tilsehir ở Kobane, Syria (ảnh: AFP/TTXVN)
Theo CENTCOM, trong số 23 cuộc không kích ở Iraq có 6 cuộc gần Baiji, phá hủy các tòa nhà, phương tiện đi lại và các đơn vị chiến thuật của IS. Hai đơn vị chiến thuật của lực lượng thánh chiến gần Sinjar cũng đã bị phá hủy trong 4 cuộc không kích. Liên quân cũng tấn công những mục tiêu tương tự ở phía Tây Kirkuk, gần Mosul, Ramadi và ở Tal Afar.
Tại Syria, 6 cuộc không kích gần Kobane đã phá hủy các khu vực tập kết của IS. Trong khi đó, một lán trại của nhóm này gần Ar Raqqah cũng bị không kích.
Trong diễn biến liên quan, giới chức địa phương cho hay các tay súng IS ngày 21/11 đã tấn công một khu nhà chính quyền ở trung tâm Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar. Đây là một phần trong cuộc tấn công phối hợp của IS nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố này, cách thủ đô Baghdad (Iraq) 100 km về phía Tây.
Nga kêu gọi cắt đứt nguồn tài chính của IS
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov ngày 21/11 tuyên bố phải cắt đứt nguồn hỗ trợ tài chính cho IS, đồng thời lưu ý chiến dịch này cần được tiến hành trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền chủ quyền quốc gia.
Hãng tin Interfax dẫn lời ông Bogdanov nói: "Phải cắt đứt các nguồn tài trợ quốc tế cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant (tên gọi khác của IS) bằng những cách tiếp cận dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các nước liên quan".
Theo ông Bogdanov, IS là tổ chức khủng bố giàu có nhất từng tồn tại, bởi nhóm này không chỉ nhận được hỗ trợ tài chính từ bên ngoài mà còn thu được các khoản tiền lớn từ hoạt động buôn bán ma túy và dầu mỏ tại những khu vực mà IS chiếm giữ. Những khoản tiền này được chúng dùng để mua vũ khí và chiêu mộ các tay súng trên toàn thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện người Kurd Iraq
Tờ "Hurriyet Daily News" ngày 21/11 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ huấn luyện các lực lượng người Kurd ở Iraq để chiến đấu chống phiến quân thuộc nhóm IS tại Iraq.
Theo báo trên, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq đang hợp tác thực hiện một chương trình huấn luyện ở miền Bắc Iraq trong 1 tháng qua. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu được báo trên dẫn lời khẳng định Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ người Kurd ở Iraq, trong đó có việc huấn luyện lực lượng Peshmerga (chiến binh người Kurd). Ông Davutoglu nhấn mạnh: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cho khu vực người Kurd".
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm 3 ngày nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo nước này đóng vai trò lớn hơn trong liên minh chống IS.
Trong một diễn biến liên quan, chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen đã lên án nhóm IS vì tuyên bố thành lập vương quốc tại vùng lãnh thổ mà IS chiếm giữ tại Syria và Iraq cũng như kế hoạch của tổ chức này mở rộng hơn nữa các khu vực kiểm soát.
Trong tuyên bố đăng trên một tài khoản Twitter chính thức, Harith al-Nadhari, một thủ lĩnh tinh thần của Al-Qaeda tại Yemen, cho rằng những ý đồ bành trướng như vậy “đang gây chia rẽ” các nhóm thánh chiến, ám chỉ việc thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi mới đây kêu gọi tín đồ “làm bùng nổ các núi lửa thánh chiến ở khắp nơi”. Theo al-Nadhari, đáng lẽ IS phải “tham vấn” các nhóm phiến quân khác.

Lực lượng cực đoan IS ban đầu phát động tấn công nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng các nhóm khác, trong đó có cả Al-Qaeda, đã quay sang chống lại tổ chức thánh chiến này.

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Hà Nội: Nữ CSGT trả lại Iphone 6 "đập hộp" cho người đánh rơi


Đang đi làm nhiệm vụ, nữ CSGT đội 6 (Công an TP Hà Nội) nhặt được một chiếc hộp, bên trong chứa chiếc điện thoại Iphone 6 rất mới. Ngay sau đó, nữ CSGT này đã báo cáo với cấp trên và tìm cách trả lại người đánh rơi.

Thông tin từ đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết, vào khoảng 15h40' chiều nay (21/11), khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ, đoạn trước cổng số 3 của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thượng sĩ Nguyễn Hồng Nhung thuộc đội CSGT số 6 đã phát hiện thấy một túi nilon, bên trong có 1 hộp điện thoại. Khi bóc chiếc hộp này ra, bên trong là một chiếc điện thoại Iphone 6 rất mới. Ngoài ra, bên trong chiếc túi nilon còn có một phiếu mua hàng của chiếc điện thoại mang tên Phạm Đăng Quang (26 tuổi, ở Trúc Bạch, Hoàn Kiếm - Hà Nội).

Anh Phạm Đăng Quang nhận lại chiếc Iphone 6 từ nữ CSGT Nguyễn Hồng Nhung
Anh Phạm Đăng Quang nhận lại chiếc Iphone 6 từ nữ CSGT Nguyễn Hồng Nhung

Ngay sau đó, nữ CSGT này đã báo cáo với cấp trên và lần theo số điện thoại ghi trên phiếu mua hàng để liên lạc tìm chủ nhân trả lại. Đến khoảng 16h20 cùng ngày, sau khi nhận được điện thoại của Thượng sĩ Nguyễn Hồng Nhung, anh Phạm Đăng Quang đã đến trụ sở của đội CSGT số 6 để làm thủ tục nhận lại món đồ trên. Anh Quang cho biết, trị giá chiếc Iphone 6 là 20 triệu đồng.

Sau khi nhận lại được chiếc điện thoại "đập hộp" này, anh Quang đã viết thư cảm ơn gửi tới đội CSGT số 6 và Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội.

Tàu hỏa tông xe máy, 2 người tử vong


Chiếc xe máy chở theo 3 người cắt ngang đường sắt đúng lúc đoàn tàu lao mạnh tới. Vụ tai nạn khiến 2 người trên xe máy tử vong tại chỗ. Riêng 1 cháu nhỏ bị thương hiện đang được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Vụ tai nạn giao thông đường sắt kinh hoàng nói trên xảy ra vào khoảng 18h tối 21/11 trên đường sắt Thống Nhất tại km 241 +100 thuộc địa bàn phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai (Nghệ An).
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng khiến 2 người tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng khiến 2 người tử vong tại chỗ.
Theo những người có mặt tại hiện trường, vào thời điêm trên, chiếc xe máy mang BKS 37P6-8572 chở theo 3 người đang đi từ đường lớn bất ngờ rẽ vào đường ngang dân sinh cắt đường sắt Thống Nhất. Do không để ý nên chiếc xe máy đã bị đoàn tàu hàng số hiệu 233 lưu thông theo hướng Nam - Bắc tông mạnh vào và kéo lê trên đường ray gần 100m.
Vụ tai nạn đã khiến 2 người trên xe tử vong tại chỗ. Riêng 1 cháu nhỏ bị thương nặng và được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Quỳnh Lập trong tình trạng nguy kịch.
Chiếc xe máy của nạn nhân bị kéo lê gần 100m.
Chiếc xe máy của nạn nhân bị kéo lê gần 100m.
Nạn nhân tử vong được xác định là chị Hồ Thị Bốn (SN 1971; trú xóm Tân long, xã Quỳnh Lập - TX Hoàng Mai, Nghệ An). Một nạn nhân cùng đi trên chiếc xe máy tử vong tại hiện trường nhưng cơ quan chức năng chưa thể xác định danh tính. Riêng cháu Trần thị Mến (SN 2006, con gái chị Bốn) bị trọng thương.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, đoàn tàu hàng đã dừng khẩn cấp và phối hợp cùng công an thị xã Hoàng Mai điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tại nạn.

Việt Nam: quốc gia hạnh phúc nhì thế giới, Mỹ xếp 105


Daily Mail đưa tin trong bảng danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới (dựa theo chỉ số HPI), Việt Nam xếp thứ 2 trong khi Mỹ xếp 105. Đây là bảng xếp hạng do tổ chức nghiên cứu xã hội New Economic Foundation có trụ sở tại Anh công bố.

Người Việt Nam luôn lạc quan
Người Việt Nam luôn lạc quan
 
Chỉ số HPI không dựa trên sự giàu có mà dựa theo mứctuổi thọ của người dân, độ hài lòng của người dân và chỉ số môi trường. Theo chỉ số này, Costa Rica là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2014 tiếp theo là Việt Nam.

Trong top 10 các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, duy nhất Việt Nam là nước ngoài khu vực Mỹ Latin. Các nước trong top 10 còn lại là Colombia, Belize, El Salvador, Jamaica, Panama, Nicaragua, Venezuela và Guatemala.
 
Top 10 quốc gia hạnh phúc
Top 10 quốc gia hạnh phúc
 
Một số thứ hạng quan trọng
Một số thứ hạng quan trọng
Một điều kỳ lạ là các nước phương Tây có chỉ số HPI rất thấp, tức là người dân cảm thấy không hạnh phúc lắm với điều kiện sống. Theo chỉ số này, Anh xếp 41, Pháp xếp 50, Tây Ban Nha xếp 62, Canada xếp 65, Úc xếp 76 và Mỹ xếp tận 105.

Năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 12 nhưng đến 2009 đã nhảy lên top 5. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 2 và tiếp tục duy trì vị thế này cho đến nay.

Sự cố ACC Hồ Chí Minh: Hệ thống dự phòng 3 cấp đều... sập!


Do bị hỏng bộ lưu điện UPS nên toàn hệ thống điều hành bay tại Tân Sơn Nhất bị sập. Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng mang tính quốc tế, kíp trực điện bị đình chỉ và Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập tổ điều tra sự cố này.

Một ngày sau khi xảy ra sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh), hôm nay (21/11), những thông tin về nguyên nhân vụ việc và hoạt động ứng phó khẩn nguy đã được tiết lộ.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục Hàng không Việt Nam - khẳng định: Đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng và lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam.
92 chuyến bay đã bị ảnh hưởng trong hơn 1 tiếng ACC bị mất điện vào trưa 21/11
92 chuyến bay đã bị ảnh hưởng trong hơn 1 tiếng ACC bị mất điện vào trưa 21/11
Theo ông Lại Xuân Thanh, nguyên nhân ban đầu được xác định là do, hỏng bộ lưu điện UPS cung cấp điện cho hệ thống thiết bị điều hành bay. Khi đó, điện lưới vẫn có nhưng điện cho hệ thống hoạt động điều hành bay bị mất, vì vậy dẫn đến việc mất năng lực cung cấp năng lực cung cấp dịch vụ điều hành ở ACC HCM và kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, sự cố xảy ra từ lúc 11h5 đến 12h19. Trong 35 phút đầu Tân Sơn Nhất mất khả năng điều hành, đến 12h 19 phút đã điều hành được bình thường các chuyến bay đi đến và Tân Sơn Nhất tiếp thu trở lại, 15h40 thì khôi phục lại được hoàn toàn hệ thống và cho đến trưa 21/11 mới khôi phục được UPS đầu tiên bị hỏng.
“Mặc dù đã có dự phòng 3 cấp theo thiết kế 1 bộ có thể đảm bảo cho toàn bộ hệ thống nhưng khi sự cố xảy ra cả 3 hệ thống dự phòng đều bị sập và ngắt điện cả 3 UPS. Thời điểm mất điện, trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) lúc đó đang có 54 máy bay hoạt động, có 8 chuyến đã nằm trong vùng trời kiểm soát tiếp cận để chuẩn bị hạ cánh. Trong thời gian 35 phút mất năng lực điều hành thì có tới 92 máy bay bị ảnh hưởng, sân bay Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp thu các chuyến bay đến/đi và ảnh hưởng đến các chuyến bay bay qua vùng FIR” - ông Lại Xuân Thanh cho biết.
Hoạt động ứng phó không lưu được triển khai nhanh chóng từ ACC Hà Nội để điều hành bay tại Hồ Chí Minh, ACC Hà Nội đã hoàn thành rất tốt các phương án ứng phó không lưu trong tình huống đặc biệt nghiêm trọng này. Cùng với đó, thiết lập việc cấp điện trực tiếp từ máy nổ không qua UPS, dùng đài chỉ huy Tân Sơn điều hành theo phương pháp cổ điển không radar để điều hành 8 chuyến bay đang ở điểm tiếp cận hạ cánh an toàn. Cùng với đó, liên hệ với tất cả vùng FIR lân cận để giữ các chuyến bay chuẩn bị vào FIR Việt Nam bay chờ bên ngoài.
92 chuyến bay đã bị ảnh hưởng trong hơn 1 tiếng ACC bị mất điện vào trưa 21/11
ACC Hồ Chí Minh khi hoạt động bình thường, thực hiện điều hành bay toàn bộ vùng FIR phía Nam của Việt Nam
Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay, hiện chưa đủ thời gian để tính được về những thiệt hại từ sự cố, bởi sự việc vừa xảy ra hôm qua và việc tính toán cũng không phải đơn giản. Sự ảnh hưởng của sự cố tác động đến các chuyến bay tiếp cận hạ cánh, chuẩn bị cất cánh, chuyến bay hoãn/hủy, các chuyến bay phải quay trở lại nơi xuất phát, chuyến bay phải hạ cánh xuống sân bay dự bị và cả những chuyến bay bay qua vùng FIR.
Nguyên nhân trực tiếp cụ thể từ hệ thống hay nhân viên phải được làm rõ, vì vậy Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết đã đình chỉ nhân viên trực tiếp vận hành hệ thống cấp điện và kíp trưởng của kíp trực về cấp điện tại ACC Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Cục trưởng Cục Hàng không đã ký quyết định thành lập tổ điều tra về sự việc và các yếu tố kỹ thuật, từ đó làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan đến sự cố (nếu có).

“Vấn đề đặt ra là thiết kế hệ thống cấp điện và dự phòng đã làm đúng hay chưa? Công tác bảo dưỡng bảo hành và quy trình vận hành của hệ thống cấp điện có đúng hay không? Có lỗi gì trong vận hành hay không? Công tác đào tạo huấn luyện với nhân viên vận hành như thế nao sẽ phải tiếp tục điều tra. Cục Hàng không Việt Nam sẽ rà soát lại kế hoạch thực hiện ứng phó không lưu và các phương án ứng phó, sau đó tìm hiểu cụ thể nguyên nhân kỹ thuật thì mới biết là nguyên nhân gây hỏng UPS và làm sập toàn hệ thống điều hành bay” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh thông tin.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

20/11, ngày hội tôn vinh các thế hệ thầy cô


Hôm nay, cả nước tổ chức kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây cũng là dịp học trò tri ân các thế hệ thầy cô. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều sự kiện được tổ chức để nhằm ghi nhận công lao và tôn vinh đội ngũ thầy cô giáo.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo trực tiếp đứng lớp là gần 1,2 triệu người. Trong đó, giáo viên mầm non có 244.478 người, giáo viên phổ thông có 847.752 người; giáo viên trung cấp chuyên nghiệp có 18.302 người cùng hơn 61.000 giảng viên các trường ĐH, CĐ.
Ngày 20/11 là dịp học trò tri ân các thế hệ thầy cô.
Ngày 20/11 là dịp học trò tri ân các thế hệ thầy cô.


Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có cuộc gặp gỡ động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo cả nước. Ngày 13/11, tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Năm nay là năm thứ 2 toàn Đảng, toàn dân ta cùng với ngành Giáo dục & Đào tạo thực hiện nghị quyết 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng tìm tòi, đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực, tư duy sáng tạo, đổi mới việc thi tuyển, đánh giá chất lượng giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhiều chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên nghèo dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo không ngừng phát triển.
“Bộ GD-ĐT cần chú trọng chỉ đạo có hiệu quả hơn nữa công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong đó chú trọng việc đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhà giáo, thường xuyên chăm lo việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để người thầy giáo thực sự là biểu tượng của sự hiểu biết và là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ, là những tấm gương sáng để học trò noi theo” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị.
Cũng tại buổi lễ này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thay mặt ngành đưa ra lời hứa với Chủ tịch nước.
“Với ý thức đầy đủ về sứ mạng và trách nhiệm của mình, đội ngũ thầy cô giáo cả nước quyết tâm khắc phục những yếu kém bất cập còn tồn tại, phát huy truyền thống và sức mạnh của tập thể để triển khai sáng tạo và hiệu quả chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH TW Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Ngày 18/11, nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có bức thư chúc mừng đối với đội ngũ thầy cô. Trong thư Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Trong thời gian vừa qua, cùng với việc tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, bằng sự chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta đã triển khai một số công việc liên quan đến việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng cường kỷ cương kỷ luật đi liền với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo, đổi mới việc dạy và học, kiểm tra đánh giá và thi cử… nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, và đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ”…

 

Đôi nam nữ bị nạn nghi do chạy trốn CSGT


Bị lực lượng cảnh sát trật tự truy đuổi do đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, nữ sinh cùng bạn trai đã điều khiển xe bỏ chạy, không may đâm phải cột điện trên đường.

Sự việc xảy ra vào khoảng 16h20 ngày 18/11 tại đoạn đường chạy qua ngã tư gần Phân viện Học viện Ngân hàng Bắc Ninh - TP Bắc Ninh. Theo những người chứng kiến sự việc, thời điểm đó một đôi trai gái điều khiển chiếc xe Wave màu trắng mang BKS 99G1-077.xx không đội mũ bảo hiểm nên bị xe của lực lượng cảnh sát trật tự truy đuổi.
Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.
Khi đến đoạn đường trên, do chạy với tốc độ cao, lại đúng điểm vào cua nên xe của đôi trai gái đã lao thẳng vào một cột điện trên vỉa hè gần đó. Cú đâm mạnh khiến chiếc xe bật văng ra đường cách đó vài mét, hai người trên xe ngã bất tỉnh. Nạn nhân mau chóng được quần chúng nhân dân đưa đi cấp cứu.
Nhận được thông tin, Lực lượng chức năng Công an tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường tổ chức khám nghiệm điều tra vụ việc.
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân nữ tên K.L. (SN 1998), hiện là học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Nạn nhân nam tên C.M (SN 1995). Cả hai cùng trú tại phường Tiền An, TP Bắc Ninh. Người thân các nạn nhân cho biết hiện cả hai đã qua cơn nguy kịch.
Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra, làm rõ.

Uống rượu bia buổi trưa, 20 cán bộ bị kiểm điểm


Trong số 20 người bị kiểm điểm, có 2 công chức là lãnh đạo xã Trà Thủy khi cố tình vi phạm quy định cấm uống rượu bia vào buổi trưa.

Ngày 19/11, ông Hồ Ngọc Thịnh - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định kiểm điểm 20 cán bộ, công chức, viên chức của địa phương do vi phạm Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về nghiêm cấm sử dụng rượu, bia buổi trưa.

Trước đó, vào trưa 28/10, mặc dù đã được lãnh đạo Văn phòng Huyện ủy nhắc nhở nhưng 20 học viên tổ 4, lớp Trung cấp Lý luận chính trị- Hành chính khóa 18, mở tại huyện Trà Bồng và 2 cán bộ lãnh đạo xã Trà Thủy vẫn cố tình vi phạm Chỉ thị cấm sử dụng rượu, bia vào buổi trưa.

Huyện ủy Trà Bồng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan có cán bộ, đảng viên vi phạm tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, cắt tất cả các danh hiệu thi đua của năm 2014 đối với các cá nhân vi phạm.

Đối với cán bộ chưa phải đảng viên, không được giới thiệu kết nạp Đảng trong vòng 1 năm tới.

Huyện ủy Trà Bồng cũng yêu cầu Đảng ủy xã Trà Thủy tổ chức kiểm điểm đồng chí Bí thư, kiêm Chủ tịch HĐND xã, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã do vi phạm Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy  Quảng Ngãi.

Đước biết tháng 6 năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã ban hành Chỉ thị về chủ trương không dùng rượu, bia trong giờ hành chính và buổi trưa của các ngày làm việc.

Chủ trương này được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đồng tình ủng hộ.

Hai con "cá mập" khủng đến từ Thái Lan


Các tập đoàn lớn của người Thái đang từng bước thâm nhập và thống lĩnh thị trường Việt Nam trước sự bất lực của các doanh nghiệp trong nước.

Ông trùm chăn nuôi CPĐồng Nai vừa trao giấy xác nhận "Sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi" cho 9 triệu trứng gà thương hiệu CP Việt Nam được sản xuất, đóng gói trong thời gian từ 01/11/2014 đến 31/12/2014.
Đây là một dấu hiệu cho thấy một một sự thật đáng buồn: các doanh nghiệp trong nước ngày càng lép vế, yếu thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất và cung cấp trứng gia cầm.
Sự thật đáng buồn và đầy lo ngại nằm ở chỗ, thị trường trứng gia cầm trong vài năm gần đây phụ thuộc rất nhiều vào một vài "đại gia" chăn nuôi nước ngoài, trong đó có CP hay Emivest. Giá cả thị trường cũng phải chạy theo quyết định của một vài ông lớn này.
Những lần nâng giá sốc hơn 40% trong vòng 2 tuần rồi hạ giá bất thình lình như hồi Tết năm 2013 đã khiến thị trường chao đảo, các doanh nghiệp nội ù hơi tai, chạy theo mệt lả. Rất nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình... không theo kịp đà biến động của thị trường tất nhiên sẽ bị phá sản và có một cách tiếp tục theo lĩnh vực kinh doanh thế mạnh và đầy tiềm năng của Việt Nam này là làm thuê, chăn nuôi gia công cho các DN nước ngoài với lợi nhuận rất thấp.
CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Không chỉ trứng gia cầm, CP của Thái Lan đang dẫn đầu lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản tại Việt Nam. Hiện tại CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắc Lắc, Hà Nội và Hải Dương. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đang mưa làm gió trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm từ gia cầm, gia súc... ở nhiều hệ thống siêu thị cửa hàng trên khắp thị trường Việt Nam.
Sự thống lĩnh của một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong đó có CP, Emivest, Japfa... trên các thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống, sản phẩm gia cầm... đã và đang khiến người nông dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Họ phải mua con giống giá cao, thức ăn giá đắt... không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nếu chỉ dính dịch bệnh hoặc gặp đúng đợt các "ông lớn" hạ giá trên thị trường.
CP vào Việt Nam từ đầu những năm 90 với lĩnh vực đầu tiên là sản xuất thức ăn chăn nuôi và gà giống. Sau đó, DN này đã mở rộng sang hạt giống ngô, thức ăn thủy sản, chế biến thực phẩm, tôm giống, nuôi lợn và năm 2014 là phát triển hệ thống phân phối thịt lợn trên cả nước.
Trái ngược với sự khốn khó của các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa, sau khoảng 10 năm, CP của tỷ phú Thái Dhanin Chearavanant - ông chủ Tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group) đã thống trị thị trường thức ăn chăn nuôi và không ngừng bành trướng, đang dần thay thế các doanh nghiệp cũng như trang trại, hộ gia đình Việt để tự chăn nuôi với thương hiệu của riêng mình.
Cuộc đổ bộ của tỷ phú Charoen
Với sự yếu thế của các doanh nghiệp nội, những đợt sốt nóng sốt lạnh về giá cả được dự báo còn tiếp diễn và lan ra nhiều loại mặt hàng khác bởi các tập đoàn nước ngoài, trong đó có Thái Lan vẫn không ngừng mở rộng, bánh trướng trên thị trường nội địa Việt Nam.
Không chỉ chăn nuôi, các đại gia Thái Lan đang nhắm tới rất nhiều lĩnh vực kinh doanh tiềm năng tại Việt Nam.
Hồi tháng 8 vừa qua, tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd đã bỏ ra gần 900 triệu USD thâu tóm Metro Việt Nam từ tay người Đức để thâm nhập vào thị trường bán lẻ đầy triển vọng của Việt Nam.
CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd đã bỏ ra gần 900 triệu USD thâu tóm Metro Việt Nam
Trước đó, năm 2013, Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái này cũng đã mua cổ phần Family Mart Nhật Bản trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành B'mart.
Trên thực tế, Tập đoàn TCC của Thái Lan (công mẹ của BJC) đã vào Việt Nam từ khá lâu với các nhà máy sản xuất giấy, thủy tinh, lon nước giải khát... Và TCC cũng không giấu giếm mục đích là đẩy mạnh bán hàng của tập đoàn tại Việt Nam.
Mới đây, Tập đoàn này còn đề xuất xin được mua cổ phần của Bia Sài Gòn. Trước đó, Trước đó, tỷ phú Charoen đã chi 1.800 tỷ đồng mua 11% cổ phần của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua công ty con là F&N Dairy Investments - có trụ sở tại Singapore.
Khá nhiều đại gia Thái khác cũng đang âm thầm thâm nhập và xác lập vị thế trên thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực khác như: nước giải khát, sữa, vật liệu xây dựng...
Sự thâm nhập của các tỷ phú Thái rất quyết liệt nhờ vào sức mạnh vốn, công nghệ và trình độ quản lý cao hơn Việt Nam. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh chỉ hơn một tháng nữa Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Khi đó, hàng hóa và lao động, vốn sẽ tự do lưu chuyển trong khu vực. Nhiều rào cản pháp lý sẽ được gỡ bỏ.

Hội nhập sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Ngay ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp nội đang yếu thế ở nhiều lĩnh vực, về rất nhiều mặt, từ công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, tài chính, cho đến cả những ưu đãi.... Sự yếu thế của các doanh nghiệp nội chắc chắn là cơ hội để các tập đoàn lớn trong khu vực tăng sự hiện diện, bánh trướng hơn nữa.

Nông dân sáng chế máy biến rác thải thành phân hữu cơ


Từ khi sang chế ra máy chế biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, gia đình anh Phúc không phải mua phân ngoài thị trường để bón cho trên 1ha hoa màu. Từ đó, mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng tiền mua phân bón.

Trưa ngày 19/11, chúng tôi tìm tới nhà cũng là lúc vợ anh Vũ Đình Phúc (khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đang sốt sắng chuẩn bị một số nông sản là rau, hoa, cho chồng đem ra Hà Nội làm quà biếu người quen. Anh Phúc cho biết, đầu giờ chiều qua anh bay ra Hà Nội để ngày 20/11 nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt cho sản phẩm máy nghiền rác tạo thành phân hữu cơ do anh sáng chế. Có được thành quả như hôm nay, mấy ai biết rằng anh nông dân này đã phải trải qua những khó khăn, vất vả đến nhường nào.
Ý tưởng sáng chế máy nghiền rác thải xử lý thành phân hữu cơ của anh Phúc hình thành từ năm 2006, bắt nguồn từ một thực trạng ô nhiễm xảy ra tại địa phương.
Anh Phúc cho biết, sống giữa vùng sản xuất nông nghiệp rộng thênh thang tới hàng trăm hecta, sau mỗi vụ thu hoạch nhà vườn thường bỏ lại hàng nghìn tấn phế thải nông nghiệp, nhất là các loại lá bắp sú, cải thảo, hoa… khi phân hủy thường bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đó là chưa kể các loại rác thải này chảy theo khe suối, đẩy vào các hồ cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.
Xem và tìm hiểu thông tin ở những nước có nền nông nghiệp phát triển, khi thu hoạch họ thường không bỏ lại bất cứ thứ gì, phế phẩm, rác thải nông nghiệp sẽ được chế biến thành phân rồi lại bón cho cây, anh nghĩ tại sao nông dân nước mình không làm như họ, vừa kinh tế lại ngăn chặn ô nhiễm môi trường? Đó là còn chưa kể người dân còn mua phải phân kém chất lượng dẫn đến tiền mất tật mang. Từ trăn trở đó đã thôi thúc anh Phúc đi tìm một câu trả lời thích đáng bằng cách phải sáng chế ra máy biến chất thải nông nghiệp thành phân hữu cơ. “Dĩ nhiên, đường tới thành công không bao giờ dễ, nhất là với một nông dân không được đào tạo qua trường lớp như tôi” - anh Phúc cho biết.
Anh Phúc bên sản phẩm của mình
Anh Phúc bên sản phẩm của mình
Anh Phúc kể lại, những tháng ngày triển khai ý tưởng thành hiện thực, anh đã mất ăn, mất ngủ, trắng đêm mày mò tìm đọc tài liệu, cơ chế hoạt động của máy móc. Đó là những nhọc nhằn mà anh đã tiên lượng được, nhưng điều anh không ngờ tới là khi bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế anh lại bị người quen, hàng xóm giễu cợt, nói anh là “loại ấm đầu”, vợ con “không giữ được bình tĩnh” nên cũng đã lên tiếng phản đối. Nhưng cuối cùng, vượt lên tất cả sự khó khăn là thành quả lao động vinh quang: Chiếc máy chế biến rác thải nông nghiệp thành phân hữu cơ đã ra đời trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân. Những người trước đây đã chế giễu giờ họ phải nhìn anh với một ánh mắt khâm phục.
Với 2 bộ phận chính là mô tơ và cối xay cùng với một băng chuyền, chiếc máy có thể nghiền nhỏ, trộn đều các loại phế phẩm và một số phụ liệu nông nghiệp để dùng làm phân hữu cơ. Máy có 3 tầng: tầng cắt thô rác thải, tầng xay nhuyễn và tầng nghiền mịn, hoàn thiện sản phẩm.
Phế phẩm nông nghiệp sau khi xay nát sẽ được trộn với bã mía theo “công thức” cứ 20 tấn chất thải nông nghiệp sẽ trộn với 40 khối bã mía. Sỡ dĩ trộn với bã mía là để cho bã mía hút và giữ nguồn nước từ phế phẩm nông nghiệp, vốn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Sau khi trộn, anh Phúc có được từ 40-50 tấn phân ướt rồi đánh thành đống trộn ủ cho lên men trong vòng 1 tháng, cứ 10 ngày đảo một lần. 
Một phần của chiếc máy
Một phần của chiếc máy
Chiếc máy tự chế đầu tiên của anh ra đời năm 2006 với công suất chỉ chế biến được 3m3/giờ và chưa hoàn thiện cả về quy trình vận hành của máy cũng như sản phẩm phân hữu cơ được sản xuất từ chiếc máy này. Anh tiếp tục cải tiến và đến nay, máy sản xuất phân bón vi sinh từ rác thải đã hoàn chỉnh. Công suất máy lên 10m3/giờ. Từ khi sang chế ra máy chế biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, gia đình anh Phúc không phải mua phân ngoài thị trường để bón cho trên 1ha hoa màu. Từ đó, mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng tiền mua phân bón.
Theo anh Phúc, chất lượng phân hữu cơ do anh sản xuất từ chất thải nông nghiệp không thua kém bất cứ loại phân nào đang được sử dụng trên thị trường hiện nay. Cụ thể, khi bón phân cho cùng loại cây, cùng một vị trí giữa phân của anh với loại phân mua ngoài thị trường có giá 4.000đ/kg, cây được bón phân của anh đã tốt hơn hẳn. Anh tiếp tục mua phân ngoài với giá 12.000đ/kg và bón so sánh với phân do anh sản xuất thì cây phát triển đồng đều như nhau. Trong khi đó, để thành phẩm 1kg phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp chỉ mất từ 2.000-2.200đ, hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Anh Phúc làm phép tính, chỉ cần khoảng 50% diện tích rau, hoa ở Đà Lạt sử dụng phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp thay thế cho các loại phân khác, lợi ích về kinh tế sẽ dôi lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Chiếc máy biến phế phẩm nông nghiệp thành phân bón.
Chiếc máy biến phế phẩm nông nghiệp thành phân bón.
Được anh Phúc chuyển giao công nghệ, hiện nhiều gia đình sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt cũng đã trang bị máy sản xuất phân bón hữu cơ. Nếu như trước đây, vào mỗi vụ thu hoạch nông sản, chất thải nông nghiệp lại được chất đống đầy bờ đường hoặc bị đẩy xuống những con mương dẫn nước, khe suối bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường thì ngày nay thực trạng đó đã không còn. Tất cả các phế phẩm nông nghiệp đã được người dân địa phương thu gom, tận dụng để chế biến thành phân.
Anh Phúc cho biết đến nay đã sản xuất và bán được 21 máy do mình sáng chế, khách hàng đã vượt ra khỏi tỉnh Lâm Đồng vươn tới Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận… Mỗi chiếc máy trung bình trị giá là 35 triệu đồng. Là người sáng chế ra máy chế biến rác thải nông nghiệp thành phân hữu cơ nhưng anh Phúc không có ý định tiến hành các thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Anh giải thích cho việc này đơn giản chỉ là “giúp mình và bà con nông dân giảm bớt chi phí sản xuất”.
Ủ phân...
Ủ phân...
... và phân thành phẩm.
... và phân thành phẩm.
Ông Vi Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, TP Đà Lạt cho biết, anh Vũ Đình Phúc là một tấm gương lao động sản xuất mang tính điển hình của địa phương. Từ mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp do anh Phúc  tiên phong, Hội Nông dân phường đã phối hợp với anh Phúc xúc tiến đưa hô hình này phát triển rộng rãi trong nhân dân nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ghi nhận những thành quả nghiên cứu, lao động, sản xuất, anh Vũ Đình Phúc đã được nhiều cơ quan, tổ chức công nhận và vinh danh. Đặc biệt, anh Phúc còn vinh dự được Thủ tường Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.

Mỹ: Lần đầu tiên người gốc Việt thắng cử thị trưởng Garden Grove


Theo BBC, lần đầu tiên Garden Grove, thành phố đông người Việt ở Quận Cam, bang California (Mỹ) có ứng viên gốc Việt thắng cử ghế thị trưởng.

Ông Bảo Nguyễn (Nguồn: ocweekly)
Ông Bảo Nguyễn (Nguồn: ocweekly)
Truyền thông tại Mỹ hôm 17/11 cho hay Quận Cam đã kiểm xong phiếu bầu, theo đó ông Bảo Nguyễn giành 11.785 phiếu, chỉ hơn 15 phiếu so với đối thủ sát nút là chính khách kỳ cựu Bruce Broadwater.
Tờ "Los Angeles Times" dẫn lời ông Bảo Nguyễn nói: "Tôi rất vui mừng được bắt đầu triển khai những bước cải cách hợp l‎ý và thay đổi văn hóa tại Hội đồng Thành phố sao cho minh bạch, hiệu quả và có nhiều tiếng nói đóng góp hơn nữa".
Tuy nhiên, theo báo "Người Việt", kết quả này là chưa chính thức vì “báo cáo chính thức sẽ được công bố vào đầu tháng 12 tới”.
Báo này cho biết thêm rằng nếu ông Broadwater không xin kiểm lại phiếu, ông Bảo Nguyễn, 34 tuổi, sẽ giành ghế Thị trưởng Garden Grove và là thị trưởng gốc Việt đầu tiên tại thành phố có hơn 100.000 dân này, đồng thời sẽ là thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử Garden Grove.
BBC dẫn lời một nhà báo gốc Việt ở Mỹ nói rằng kết quả bỏ phiếu trội hơn cho ông Bảo Nguyễn là khá bất ngờ với cộng đồng gốc Việt tại đây bởi đối thủ của ông là một nhân vật chính trị khá sừng sỏ từng ngồi ghế thị trưởng Garden Grove.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng với chênh lệch chỉ là 15 phiếu thì nhiều khả năng ông Broadwater sẽ khiếu nại và yêu cầu kiểm lại phiếu.
Little Saigon gồm Garden Grove và Westminster là khu vực tập trung đông người gốc Việt sinh sống và làm ăn.
Thị trưởng gốc Việt đầu tiên tại Mỹ là Trí Tạ cũng đã tái đắc cử Thị trưởng Westminster, thành phố giáp sát Garden Grove, nhiệm kỳ thứ hai trong khi ông Michael Võ cũng vừa tái đắc cử chức thị trưởng thành phố Fountain Valley.

Nếu ông Bảo Nguyễn thắng cuộc (trong cả trường hợp phải tái kiểm phiếu) thì đây sẽ là lần đầu tiên cả 3 thành phố nằm cận kề nhau có đông người Việt có thị trưởng là người gốc Việt./.

Nga khuyến cáo Ukraine không gia nhập NATO


Nga đã kêu gọi Ukraine đứng ngoài liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, khẳng định rằng một "tình trạng không liên kết" có lợi cho nước này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
"Không có gì nghi ngờ khi nói rằng tình trạng không liên kết của Ukraine là điều quan trọng không chỉ từ góc độ đảm bảo sự ổn định tại châu Âu - Đại Tây Dương, mà còn từ góc độ các lợi ích quốc gia căn bản của người dân Ukraine", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto.
Ông Lavrov cho hay Nga từ lâu đã đề xuất một thỏa thuận rằng buộc pháp lý vốn đề cao các nguyên tắc "không chia rẽ an ninh" nhưng phương Tây đã từ chối ý tưởng này.
Ngoại trưởng Nga đưa ra những bình luận trên sau khi phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga cần "sự đảm bảo 100% rằng không ai nghĩ tới chuyện Ukraine gia nhập NATO".
Theo Ngoại trưởng Nga, các đảm bảo bằng miệng từ phương Tây rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông là chưa đủ.
Ông Lavrov cho hay, đó là một "khả năng có thật" và các ý định đó gây lo ngại. "Chúng tôi buộc phải tính đến vấn đề này và sẽ tiếp tục bàn tới nó", ông nói.
Hồi tháng 9, trong chuyến công du Washington, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị Mỹ cung cấp cho đất nước ông quy chế an ninh đặc biệt một nước phi thành viên NATO để giúp tăng cường các biện pháp phòng thủ nhằm đề phòng Nga.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama đã nói không với đề xuất của người đồng cấp Ukraine.

Cổng trường đổ đè chết một học sinh lớp 3


Chiều 19/11, thông tin từ UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra vụ cổng trường đổ làm một học sinh tiểu học tử vong.

Khoảng 14h chiều ngày 19/11, một vụ tai nạn tại đã xảy ra tại trường tiểu học Sơn Định (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách) làm em Nguyễn Lê D., học sinh lớp 3 của trường, tử vong.
Nơi xảy ra tai nạn
Nơi xảy ra tai nạn
Thông tin ban đầu, trường tiểu học Sơn Định đang được sửa chữa, làm mới lại phần hàng rào và cổng. Khi thấy cổng mở, em D. và một bạn cùng lớp đã đến đóng cổng lại thì bất ngờ cánh cổng bị trật đường ray, đổ đè lên hai em.
 
Em D. bị thương nặng nên được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó. Bạn cùng lớp của D. bị thương nhẹ.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ.

Trung tá công an trả lại hơn 63 triệu đồng cho người đánh rơi


Chiều ngày 19/11, tại Công an phường Cái Vồn (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), Trung tá Phạm Văn Sĩ, Phó Trưởng Công an thị xã Bình Minh, đã trao trả lại số tiền 63,3 triệu đồng cho người dân đánh rơi, trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng.

Trước đó, vào khoảng 20h ngày 11/11, trên đường về nhà, đến đoạn trước cổng Tòa án nhân dân thị xã Bình Minh, Trung tá Sĩ bất ngờ phát hiện một chiếc ví. Nhặt lên mở ra xem, anh thấy bên trong đó 63,3 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân gồm thẻ ATM, giấy phép láy xe, CMND, tất cả đều mang tên Lê Trường Giang (ngụ phường 9, thành phố Vĩnh Long).
 
Trung tá Sĩ đã giao nộp chiếc ví cho cơ quan chức năng và tìm tung tích người đánh rơi ví để trả lại.

Theo anh Lê Trường Giang, vào chiều ngày 11/11 anh có đi công việc ngang qua khu vực trên và đã đánh rơi chiếc ví lúc nào không hay biết. Đến khi nhận được điện thoại từ công an mới biết mình đã may mắn không bị mất số tiền trên.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Trung Quốc lần đầu đưa thủy phi cơ tuần tra trên Biển Đông

Trung Quốc ngày 18/11 đã bắt đầu đợt tuần tra định kỳ trên Biển Đông. Tham gia đợt tuần tra này có tàu Hải Tuần 21 và tàu Hải Tuần 1103 và một thủy phi cơ của hãng hàng không Mỹ Á.

Tàu Hải Tuần 21.
Tàu Hải Tuần 21.
 
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng chiếc thủy phi cơ để phục vụ cho tuần tra trên biển Đông. Biên đội tàu tuần tra này sẽ tiến hành tuần tra trên không, mặt biển trong 2 ngày 18-19/11.
Theo hãng tin China news, tham gia tuần tra có 26 nhân viên chấp pháp của Cục Hải sự Hải Nam. Chủ đề chính đợt tuần tra này là “bảo đảm an ninh hàng hải”, “bảo đảm môi trường biển”. Khu vực biển mà biên đội này tổ chức tuần tra chủ yếu ở khu vực eo biển Quỳnh Hải, khu vực biển phía đông và phía nam đảo Hải Nam.
Nhiệm vụ của đợt tuần tra này là: Một là, tuần tra trật tự thông hành và môi trường thông hành trên biển; Hai là, giám sát môi trường biển; Ba là, tìm kiếm vận dụng phương thức tuần tra chung giữa tàu và thủy phi cơ; Bốn là, kiểm tra các thiết bị dẫn hướng trên biển như phao tiêu, các trạm AIS (hệ thống nhận dạng tự động), kiểm nghiệm độ chuẩn xác của các bản đồ hàng hải; Năm là giám sát đôn đốc việc sử dụng thiết bị AIS, thiết bị vô tuyến điện trên tàu thuyền; Sáu là kiểm tra đôn đốc tình hình tác nghiệp của các tàu thuyền, giàn khoan, xà lan trên biển; Bảy là tìm hiểu số lượng, tình hình phân bố và phương thức đánh cá tại khu vực biển phía đông và nam đảo Hải Nam…
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng chiếc thủy phi cơ vào việc tuần tra. Thông qua đợt tuần tra này, Trung Quốc sẽ tích lũy kinh nghiệm tuần tra chung bằng tàu tuần tra và thủy phi cơ, tăng cường năng lực tuần tra chấp pháp cho Cục hải sự Hải Nam, nhằm bảo đảm cái gọi là an ninh hàng hải trên biển.

Tổng thống Philippines hi vọng có giải pháp rõ ràng cho tranh chấp Biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 18/11 cho hay ông hi vọng về một giải pháp rõ ràng cho các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc sau khi có cuộc hội đàm không chính thức với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tuần trước.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
 
Ông Aquino đã gặp ông Tập tại Bắc Kinh bên lề thượng đỉnh APEC, nơi họ thảo luận nhiều vấn đề trong đó có cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vốn khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng.
Trong một cuộc phỏng vấn quan trọng hôm 18/11 trong khuôn khổ “The World 2015" tại Singapore do tạp chí The Economist tổ chức, Tổng thống Aquino đã tiết lộ về cuộc gặp với ông Tập.
Ông Aquino cho hay ông khá bất ngờ với cuộc hội đàm, trong đó ông Tập nói rằng ông hi vọng hai bên sẽ đi theo đúng hướng và giải quyết một cách xây dựng cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Nhà lãnh đạo Philippines nói ông hi vọng cuộc thảo luận với ông Tập cho thấy một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề tranh cãi và báo hiệu quan hệ ấm hơn giữa hai nước.
“Tôi hi vọng rằng điều đó cho thấy một sự thay đổi. Sự thật rằng chúng tôi đang nói chuyện trở lại đã là một thay đổi quan trọng. Trước đó, có rất nhiều những lời lẽ cao giọng vốn khẳng định một quan điểm, lấn át quan điểm của bên kia”.
“Hi vọng điều đó sẽ là dấu hiệu cho một nỗ lực nhằm đi đến một sự thỏa thuận và một giải pháp rõ ràng cho vấn đề (tranh chấp trên Biển Đông)”, ông Aquino nói.
Ông Aquino cho hay Philippines đang đi theo 2 hướng: thiết lập một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc và đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.
Tổng thống Philippines nói rằng các cuộc gặp ban đầu sẽ dẫn tới các cuộc gặp chính thức tại ASEAN để tất cả các bên đi đến một bộ quy tắc ứng xử.
“Tất cả các bên đều khẳng định mong muốn đi tới bộ quy tắc ứng xử vào thời gian sớm nhất có thể”, ông nói.
Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế tại The Hague, Hà Lan về các tuyên bố chủ quyền vô lý ở Biển Đông. Trung Quốc có thời hạn đến ngày 15/12 để gửi phản hồi đơn kiện của Manila.
Bắc Kinh trước đó nói rằng nước này sẽ không tham gia tiến trình giải quyết tranh chấp và khẳng định chỉ đàm phán song phương với Philippines.

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: “Vừa hợp tác vừa đấu tranh”

Khái quát về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dùng 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, lợi ích chính đáng của dân tộc.

Đại biểu Quốc hội đang chất vấn trực tiếp Thủ tướng
Thủ tướng lắng nghe các câu hỏi của đại biểu
 
Vì nội dung báo cáo giải trình kéo dài hơn thời lượng dự kiến, các đại biểu có tối đa 45 phút để chất vấn trực tiếp Thủ tướng. Trong số 10 câu hỏi, đại biểu đặt nhiều mối quan tâm vào vấn đề Biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, giải pháp giữ biển của Chính phủ...
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặt vấn đề tiềm năng “biển bạc” của đất nước mà Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm đã căn dặn “Biển Đông ngàn dặm dang tay giữ”. Ông Đương muốn biết, Chính phủ đã có chiến lược, biện pháp gì để phát huy nguồn lực này?
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến nên lập Bộ Kinh tế biển.
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến nên lập Bộ Kinh tế biển.

Ngoài ra, theo ông Đương, nên lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT để tập trung cho nhiệm vụ này. Ông Đương muốn biết quan điểm của Thủ tướng về đề xuất này.
 
Trả lời chất vấn của ông Đương, Thủ tướng đáp, với Việt Nam, biển quan trọng thế nào ai cũng biết. Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch và triển khai hành động để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển và đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với mong muốn. Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung xem xét việc này, căn cứ vào nguồn lực quốc gia, vào nợ công để có chiến lược đầu tư cho kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
 
Còn việc phân tách hoạt động đầu tư trên biển và trên bờ, theo Thủ tướng là khó ước lượng vì đầu tư cho khu vực nào cũng là tương hỗ, cũng là cùng mục đích để phát triển đất nước.

Ghi nhận đề xuất thành lập Bộ Kinh tế Biển, Thủ tướng cho rằng đã nghe ý kiến này nhiều lần. Tuy nhiên, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia, khai thác dầu khí, vận tải biển, du lịch biển… không thể giao cho một Bộ được. Hiện tại, Chính phủ phân công Bộ TN-MT quản lý về tài nguyên biển còn các lĩnh vực giao cho từng Bộ cụ thể. Ví dụ ngành thủy sản giao cho Bộ NN&PTNT (trước là Bộ Thủy sản); vận tải biển giao cho Bộ GTVT; khai thác tài nguyên dầu khí phải giao Bộ Công thương, du lịch biển giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Như vậy, theo Thủ tướng, các lĩnh vực cần phân tách chứ không thể giao cả cho một Bộ.
 
“Nhiệm kỳ này chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi, làm sao cố gắng phân định nhiệm vụ rạch ròi cho rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì từng lĩnh vực, dù có phối hợp với nhau. Việc thành lập Bộ Biển thì cần nghiên cứu tiếp, để nhiệm kỳ sau xem xét” - Thủ tướng nói.
 
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đặt vấn đề, kinh tế đã qua giai đoạn nghỉ ngơi, bước vào thời kỳ phát triển nhanh và bền vững. Cả dân tộc, dù không nói ra, mọi người đều hiểu về cái giá của hòa bình. Ông Quyết dẫn lại việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua, người dân đã thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng. Ông Quyết đề nghị được nghe thông tin từ “kim khẩu” của Thủ tướng về vấn đề này một cách súc tích nhất.
 
Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu mối lo ngại về vấn đề Biển Đông
Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu mối lo ngại về vấn đề Biển Đông

Đáp lại chất vấn về chủ trương của Đảng, nhà nước với Trung Quốc sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Thủ tướng nói rõ, với Trung Quốc hay tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì nhất quán. Đó là độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ…
 
Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguyên tắc hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc.
 
Trên cơ sở quán triệt đường lối này, đối với Trung Quốc hay nước nào, Việt Nam cũng phải hành động nhất quán như vậy.

"Với Trung Quốc, dù mưa nắng hay bão lũ, Việt Nam cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng, nên Việt Nam mong muốn sự chân thành hợp tác để cùng phát triển vì hòa bình, để thực hiện một cách thực chất, hiệu quả phương châm "16 chữ vàng", tinh thần "4 tốt", để mang lại lợi ích cho cả 2 bên" - Thủ tướng lưu ý, Việt Nam cũng muốn chân thành hợp tác với Trung Quốc để giải quyết mâu thuẫn về biên giới đất liền và trên biển theo nguyên tắc thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. 
 
Với yêu cầu nói khái quát về quan hệ giữa 2 nước, Thủ tướng dùng 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Việt Nam vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, không chỉ với Trung Quốc mà với các nước. Vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, lợi ích chính đáng của dân tộc. Theo Thủ tướng, 6 chữ đó vừa đơn giản vừa dễ nhớ nhất.
 
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề cập việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đó là biện pháp “không đánh mà thắng” của Trung Quốc. Đại biểu muốn biết giải pháp của Chính phủ để đối phó với tình hình này?
 
Với chất vấn của đại biểu Lê Nam, Thủ tướng nói, đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN ký với Trung Quốc DOC về việc giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết trên cơ sở hòa bình, không dùng vũ lực. Việc Trung Quốc bồi lấp biển mà báo chí thông tin, tại đảo Chữ Thập, việc bồi lấp lớn nhất, diện tích 49ha, lớn hơn cả đảo Ba Bình, Thủ tướng khẳng định lập trường là phản đối điều này vì việc làm đó vi phạm Điều 5 DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Lập trường này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nói.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN 25 vừa qua, Thủ tướng khẳng định, ông cũng đã nhắc lại lập trường này tại nhiều nội dung làm việc khác nhau.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi, hiện vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long chỉ phát triển theo quy mô nội bộ, hạn chế tiêu thụ sản phẩm. Bà Bé muốn biết giải pháp liên kết vùng để thúc đẩy kinh tế khu vực.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, theo Thủ tướng, trong không gian, một khu vực, một vùng có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng nhau thì yêu cầu hợp tác liên kết là rất cần thiết, gần như là nhu cầu tất yếu. Chính phủ nhận thức rõ sự cần thiết liên kết để phát huy khai thác tiềm năng lợi thế của vùng, khắc phục đầu tư trùng lặp, lãng phí, liên kết để cả vùng để cùng ứng phó với những khó khăn thách thức đặt ra mà chỉ một tỉnh, một khu vực đối phó sẽ rất khó khăn.
 
Đồng bằng sông Cửu Long cần hợp tác để phát huy 3 lợi thế lớn về lúa gạo, cá tra - cá ba sa - tôm và trái cây. 3 loại sản phẩm lợi thế nhất này, theo Thủ tướng, 12 tỉnh trong khu vực, tỉnh nào cũng có. Vậy việc liên kết để hình thành chuỗi giá trị rất quan trọng để mang lợi cho người nông dân, hiệu quả tăng lên.
 
Liên kết thứ 3 trong vùng là để sử dụng bền vững nguồn nước và ứng phó hiệu quả với lũ của khu vực. Việc này không thể một tỉnh nào làm được, cần phải liên kết, hợp tác. Thêm nữa là liên kết hợp tác để khắc phục khó khăn của vùng về mặt bằng giáo dục chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất 3 mặt hàng chủ lực này chưa tốt, hạ tầng còn yếu kém.
 
Sau nữa là việc hợp tác để bảo đảm quốc phòng an ninh trong vùng.
 
Đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Thủ tướng về vấn đề Biển Đông

“Sự cần thiết hợp tác đã rõ, lĩnh vực cần hợp tác đã rõ và các tỉnh đều đồng tình với Chính phủ nhưng phương thức thực hiện thế nào, cơ chế thế nào, chính sách gì… thì rất khó khăn. Chúng tôi đã dự thảo đi dự thảo lại nhiều lần nhưng việc ban hành cũng còn lúng túng” - Thủ tướng xác nhận.
 
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho biết, hiện trong đồng bào dân tộc thiểu số rất thiếu đất canh tác trong khi các nông lâm trường quốc doanh lại sử dụng đất quá lãng phí và đòi hỏi người đứng đầu Chính phủ nêu giải pháp gỡ vướng cho bà con.
 
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết cả nước còn khoảng 300.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sản xuất. Đây là điều trăn trở của Chính phủ mà khi còn làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo. Theo Thủ tướng, biện pháp đầu tiên xuất phát từ việc đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng, cần xây dựng cơ chế đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong khu vực này. Thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được từ 45% xuống còn 34% ở khu vực, phải giải quyết bằng việc sống với rừng, phải giao rừng cho bà con.
 
Đề án này khi đặt ra thảo luận, Thủ tướng thông tin, khó nhất là câu hỏi tiền đâu, nguồn lực lấy từ đâu. Tinh thần là Chính phủ đã nhận thấy vấn đề này rất quan trọng cần thiết, đã thảo luận nhiều để tìm giải pháp làm sao cho 300.000 hộ này có đất hoặc ngành nghề sản xuất để thoát nghèo.
 
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Thủ tướng làm rõ vấn đề nợ xấu của ngân hàng. Đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc này nhưng ông Nam cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì kết quả hạn chế, kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế. "Chính phủ có chủ trương gì về việc này?"- ông Nam đặt câu hỏi.
 
Với câu hỏi này, Thủ tướng nói rõ quan điểm, không có ngân sách và không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy tình hình khó khăn nhưng cũng sẽ có cách để giải quyết để đến hết 2015 đưa nợ xấu về mức 3% - mức bình thường đối với các tổ chức tín dụng. Thủ tướng giải thích, Quốc hội đã "bấm nút" về ngân sách, không còn khoản nào để chi cho nội dugn này.
 
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nói về những tồn tại bất cập trong nền kinh tế như hạ tầng giao thông, cơ chế khuyến khích khoa học công nghệ... bộc lộ trong 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ vừa qua. Đại biểu muốn Thủ tướng trình bày giải pháp đột phá Chính phủ sẽ chọn để giải quyết bất cập.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp đưa đất nước thành nước công nghiệp hiện đại, Thủ tướng nhắc lại 3 đột phá chiến lược. Đầu tiên là hoàn thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – cơ chế để thu hút nguồn lực. Sau nữa là nhân tố về con người. Nhắc lại vấn đề năng suất lao động còn thấp do yếu tố con người, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Trung ương cũng đã họp và có Nghị quyết về nội dung này. Khâu đột phá thứ 3 là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng

“Tóm lại, không có cách nào khác là quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết đại hội 11 của Đảng, triển khai 3 đột phá chiến lược thì sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu này nhưng việc đó đòi hỏi nỗ lực lớn” - Thủ tướng đáp.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề cập chuyện “hai lúa” làm tàu bay, tàu ngầm và đặt câu hỏi, có cách nào tận dụng tối đa nguồn nhân lực này, không để chảy máu chất xám? Nghịch lý là tiền đầu tư cho KH-CN chi không hết mà việc người dân làm tàu ngầm, như Bộ trưởng KH-CN nói, muốn chi hỗ trợ mà không chi được. Đại biểu yêu cầu Thủ tướng trình bày giải pháp giải quyết vấn đề này.
 
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đề cập đến vấn đề chống biến đổi khí hậu gắn với việc xây dựng hệ thống đê biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu muốn Thủ tướng trả lời bao giờ dự án này được triển khai, trách nhiệm của Thủ tướng về vấn đề này?
 
Quang cảnh buổi trả lời chất vấn của Thủ tướng
Quang cảnh buổi trả lời chất vấn của Thủ tướng.
Tuy nhiên, khi đồng hồ chạy sang mốc 16h50', Chủ tịch Quốc hội nhắc Thủ tướng đã hết thời lượng dành cho phiên chất vấn của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng hứa tiếp tục trả lời các câu hỏi còn lại bằng văn bản, đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Kết quả và cách thức, Công Phượng và những điều khó hiểu.


Từ đầu tháng đến nay tôi để ý rằng cư dân mạng - đại diện chung cho một bộ phận người dân trong cả nước có nhiều ý nghĩ thật là kỳ lạ.

Lần gần đây nhất mà tôi thấy cư dân mạng tranh cãi gay gắt một việc chính là về sự thật Công Phượng sinh năm 1993 hay là 1995 ?????

Em ấy là một nhân tài, nếu nói theo kiểu chuyên nghiệp hơn một chút thì có thể gọi là viên ngọc thô đang dần được mài và đang dần toả sáng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, viên ngọc thô ấy đang phải chịu một sức ép cực kỳ lớn từ dư luận về việc em có gian lận tuổi hay không. Giả sử, điều đó là đúng. Thì sẽ ra sao? Cấm thi đấu từ 1 đến 5 năm. Đối với một vận động viên, nhất là cầu thủ, thì sự nghiệp của họ đâu có kéo dài được lâu, chỉ từ 15 hoặc nhiều lắm là 18-20 năm với một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp.

Như thế thì sự nghiệp bóng đá của Công Phượng sẽ trôi dạt về đâu đây? Quá khó để trả lời rằng em vẫn còn có thể đá với đúng sự kỳ vọng từ người hâm mộ ?

Rõ ràng trong thời gian gần đây, Công Phượng là 1 cái tên rất nổi, nhưng cũng chính vì thế mà sự việc có gian lận tuổi hay không đã bị báo đài và cả vtv làm cho sự việc trở nên cực kỳ hoành tráng và thu hút một lượng người xem cực lớn.

Cách đây vào năm, một tượng đài như Lance Armstrong sụp đổ trong mắt mọi người hâm mộ vì doping mà cũng chỉ ầm ĩ trên các phương tiện thông tin khoảng hơn 1 tuần, đằng này Công Phượng trong vai trò là 1 cầu thủ mới nổi, thành tích cũng chưa có nhiều mà báo đài làm loạn cả lên, phóng viên thì tìm bố mẹ của Công Phượng, học bạ thì soi từng nét chứ một xem là của ai của ai, rồi là cái nhạc nền trong phóng sự thì lại "như kiểu đang truy tìm thủ phạm cực kỳ nguy hiểm làm hại đến xã hội. Vì một thắc mắc là sinh năm bao nhiêu mà phải kỳ công đến thế sao? Phải có đến hàng chục, hàng trăm phóng viên về quê của Công Phượng tìm bố mẹ, rồi là tìm ra bạn học cùng cấp một với em ấy làm phỏng vấn, rồi là che mặt một người phụ nữ khi lên sóng truyền hình? (Có phải vì sợ người ta bị trả thù không?) Đành rằng mọi người nên biết sự thật và sự thật cũng là một phần việc của nghề phóng viên, nhưng tôi cho rằng vtv đang hơi quá lố trong việc này khi mà đi sâu vào bản chất của nó cũng chỉ là câu kéo người xem(?) Họ không biết rằng họ đang vi phạm pháp luật khi tự ý công khai thông tin cá nhân của Công Phượng hay không nhỉ.

Còn một bộ phận cư dân mạng thì phản ứng theo kiểu bất cần, nào là "lắm chuyện, đá hay là được rồi, gian lận có vài tuổi thì làm sao đâu" hoặc là "thấy Công Phượng đang nổi nên gato à, sao bao nhiêu chuyện tham nhũng hối lộ không nói đi mà có mỗi việc này thì làm to thế". Thiết nghĩ nếu sai thì phải nhận, nhận để mà sửa chứ không nên lấp liếm sự việc bằng vô vàn lý do như thế được. Tôi chỉ bất bình trước cách làm quá lố của các phương tiện truyền thông chứ việc họ đi tìm sự thật thì chẳng có gì sai cả.

Cái gọi là đố kỵ và ghen ghét khi mình không bằng người dường như đã thấm vào máu của tất cả chúng ta, tuy so sánh hơi khập khiễng nhưng từ lòng ghen ghét tôi lại liên tưởng đến hai người đại diện khác của bóng đá đó là Lee Nguyễn và Thái Sung. Một người thì không có chỗ đứng ở giải V-League nhưng lại có một vị trí trên tuyển Mỹ (?) còn một người thì ngay cả đến tiền vệ của đội tuyển Pháp là Ribery đã nói rằng "tôi đánh giá rất cao tài năng chơi bóng của Thái Sung" vậy mà cậu ấy lại không có nổi một chỗ dự bị trong đội SHB, chẳng lẽ tôi nhầm hay sao, chẳng lẽ trình độ bóng đá của Việt Nam lại cao hơn Mỹ và Pháp (?) hay là họ đánh giá nhầm nhỉ (?) hay rộng hơn là việc phát minh của một bác nông dân ở Việt Nam thì lại bị chính Việt Nam phủ nhận và nói rằng bác không nên phát minh làm gì, đó không phải việc của bác. Giờ thì bác ấy đang được mời ở lại Campuchia và được Campuchia công nhận rồi đấy. Khó hiểu quá nhỉ cái lòng đố kỵ ấy.
Tóm lại, việc của Công Phượng dù em có gian lận hay không cũng sẽ được làm rõ trong tương lai, nhưng những ngôn từ và cách làm quá lố của các phương tiện truyền thông và dự luận xã hội đang dần huỷ hoại đi Công Phượng. Kết quả đúng thực là quan trọng, nhưng mà cách thức để tìm ra kết quả ấy mới là quan trọng hơn cả.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Đại biểu Quốc hội có 1 giờ để chất vấn Thủ tướng


Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 bắt đầu từ sáng nay, 17/11, sẽ kéo dài trọn 3 ngày, kết thúc vào chiều thứ 4 tuần này, 19/11, với phần đăng đàn chốt lại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Người đứng đầu Chính phủ có gần 1 tiếng đồng hồ để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phần nội dung sáng nay, Quốc hội nghe Phó Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của UB Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp UB thường vụ Quốc hội.
Sau đó, Quốc hội dành thời gian để các đại biểu thảo luận, đánh giá về báo cáo thực hiện lời hứa sau chất vấn này của Chính phủ đến hết buổi làm việc sáng.
 
Thủ tướng và 4 Bộ trưởng: Công thương, Nội vụ, GTVT, LĐ,TB&XH trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Thủ tướng và 4 Bộ trưởng: Công thương, Nội vụ, GTVT, LĐ,TB&XH trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Buổi chiều, sau khi nghe Trưởng Ban dân nguyện của UB thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội chính thức bước vào nội dung chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn kỳ này. Trong 3 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, đến thời điểm này, Bộ trưởng Hoàng là người được chọn trả lời chất vấn nhiều nhất. Đây là lần thứ 3 ông đăng đàn.
 
Các nhóm vấn đề đặt ra đối với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn là việc phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo trong nước, các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu; Sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này.
Quốc hội đã yêu cầu các Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia phiên chất vấn ở vị trí “chia lửa” với ông Hoàng.
Bộ trưởng Công thương được dành thời gian cả buổi chiều, kéo dài thêm 45 phút sang phần đầu buổi sáng ngày mai, 18/11, trước khi nhường “ghế nóng” cho Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Bộ trưởng Nội vụ được bố trí tiếp quản “ghế nóng” tối đa đến 14h30 chiều cùng ngày. Sau đó sẽ đến phần đăng đàn của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Bộ trưởng Thăng có thời gian giới hạn đến 9h sáng ngày thứ 4, 19/11.
Sau thời điểm này là chương trình trả lời chất vấn của Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền. Phần đăng đàn của nữ Bộ trưởng sẽ gối sang đầu buổi chiều ngày 19/11.
Sau đó, Quốc hội dành khoảng 1 tiếng đồng hồ nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn.
Các đại biểu có thêm gần 1 tiếng sau đó để chất vấn trực tiếp người đứng đầu Chính phủ tại hội trường, trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Về nơi nhà nhà nuôi cá sấu như... nuôi lợn


Cá sấu xiêm, loài động vật hoang dã quý hiếm được cho là gần như đã tuyệt chủng trong tự nhiên nhưng ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, Đồng Nai) đang được người dân nuôi như nuôi lợn ở gia đình.

Một trại nuôi cá sấu tại xã Phú Ngọc (Định Quán, Đồng Nai).
Một trại nuôi cá sấu tại xã Phú Ngọc (Định Quán, Đồng Nai).

Phong trào nuôi cá sấu ở đây đang tăng nhanh khi mà giá cá sấu ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến lo ngại về phong trào tự phát này, nhất là hành lang pháp lý cho việc nuôi cá sấu. Ấp 4, xã Phú Ngọc nằm ven sông La Ngà - đầu nguồn của hồ Trị An, nơi đang rộ lên phong trào nuôi cá sấu. Ngay từ con đường dẫn vào La Ngà đã có nhiều tấm biển rao mua bán cá sấu.

Thấy tôi tìm hỏi về trại nuôi cá sấu, chị bán bánh mì ở đầu cầu La Ngà hỏi lại: “Ở đây nhiều trại cá sấu lắm chú phải hỏi trại của ai”. Không chờ câu trả lời của khách, chị hướng dẫn luôn: “Chú cứ vào con đường này thì sẽ gặp nhà nào cũng nuôi cá sấu”.

Ở khu vực này, hầu như nhà nào cũng có ít nhiều các chuồng nuôi cá sấu. Chuồng nuôi loài vật nổi tiếng hung tợn này được làm khá đơn sơ. Chỉ cần xây bao bờ tường gạch với nền chuồng đổ xi măng, có phần trũng, giữa chuồng làm hồ cho cá ngâm nước là đã hoàn chỉnh một chuồng nuôi cá sấu. Tùy theo diện tích chuồng lớn hay nhỏ để nuôi số lượng phù hợp.

Với 2 chuồng có diện tích mỗi chuồng 75m2, ông Nguyễn Văn Nhật nuôi hai đàn cá sấu, đàn lớn 70 con với trọng lượng trên 10kg/con và đàn nhỏ khoảng 4 tháng tuổi.

Trên nền chuồng, những con cá sấu nằm phơi nắng, há mồm nhe hàm răng lởm chởm như bàn chông. Thấy động, chúng quăng mình lao rầm rầm xuống hồ nước. Chỉ đàn cá sấu lớn, ông Nhật cho biết, đang chờ bán trong tháng này. Với giá thương lái mua vào hơn 200 ngàn đồng/kg, ông Nhật dự tính đàn cá sấu của mình sẽ thu được khoảng 200 triệu đồng. Theo ông Nhật, sau nhiều năm, giá cá sấu mới đạt được mức khá cao như vậy.

Không nuôi nhiều cá sấu thương phẩm, bà Sáu Nam ở xã Phú Ngọc lại nổi tiếng với kinh nghiệm nuôi cá sấu đẻ và có kỹ thuật ấp nở cá sấu với tỷ lệ khá cao. Trong phong trào nuôi cá sấu đang lên, đàn cá sấu nào nở ra chỉ vài ngày là người nuôi đã đặt mua hết.

Người được xem có nhiều kinh nghiệm nuôi và tạo giống cá sấu ở khu vực huyện Định Quán là anh Huỳnh Văn Tấn. Anh Tấn thừa hưởng từ kinh nghiệm của cha là ông Huỳnh Văn Nam, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá sấu. Đến nay, anh Tấn vừa là chủ trại nuôi cá sấu La Ngà vừa là đầu mối cung cấp cá sấu giống lại vừa là nơi mua lại cá sấu thương phẩm của người nuôi.

Anh Tấn cho biết, ở khu vực xã Phú Ngọc, rất nhiều hộ nuôi cá sấu, hộ nuôi ít khoảng 50 con, hộ nuôi nhiều lên đến hàng ngàn con. Cá sấu rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là thực phẩm loại thải từ cá cho đến gà, heo mua từ các trang trại. Nhà ít vốn có thể cho cá sấu nhịn ăn cả tháng cũng không thành vấn đề.

Theo anh Tấn, thời gian gần đây, thị trường thu mua cá sấu phát triển, giá lên cao đến 210 ngàn đồng/kg, trong khi những năm trước, giá chừng 130 -140 ngàn đồng/kg. Lãi cao, nên số lượng nuôi tăng đột biến. Cá sấu giống vài ngày tuổi trước đây chỉ 320 – 350 ngàn đồng/con, nay đã tăng lên 400 – 450 ngàn đồng/con vẫn không kịp nguồn cung cấp.

Cá sấu giống thương phẩm vì sao tăng giá và xuất bán đi đâu? Là chủ thu mua lớn trong vùng, anh Tấn cũng không biết “đường đi” của cá sấu. Anh chủ trại này chỉ biết mình làm trung gian mua gom trong các hộ dân và xuất bán theo đặt hàng, giá cả, số lượng đều do các đầu nậu đưa ra. “Với cá sấu nguyên con, nghe đâu xuất sang Trung Quốc, còn da cá sấu thì tôi bán cho các công ty ở thành phố và xuất sang Nhật”- anh Tấn cho hay.

Vật nuôi hay động vật hoang dã?
Trong khi người dân đang lao vào nuôi cá sấu khi thấy lợi nhuận đang cao, thì không ít người hoài nghi khi cá sấu không có thị trường ổn định.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, do cá sấu nằm trong danh mục động vật hoang dã nên quản lý cá sấu thuộc về kiểm lâm và không được xem là vật nuôi trong cơ cấu nông nghiệp. Còn ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thì cho rằng: Cá sấu thiên nhiên không còn từ lâu, cá sấu đã được người dân nuôi tạo giống nuôi thương phẩm.

Tuy nhiên, cá sấu vẫn nằm trong danh mục động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và theo công ước Cites thì cá sấu là động vật cấm buôn bán quốc tế.

Do vậy, ngành kiểm lâm cũng chỉ cấp phép, giám sát nuôi, vận chuyển trao đổi, kiểm tra chuồng trại đảm bảo các biện pháp an toàn, vệ sinh môi trường. Còn việc người dân nuôi thì chỉ là tự phát, kiểm lâm cũng không thể nắm về giá cả, thị trường tiêu thụ…

Với những ràng buộc bởi luật pháp, nghề nuôi cá sấu công khai mà cũng không công khai. “Ôm” con cá sấu, người nuôi gần như “tự bơi”.

Cũng có không ít lo ngại đối với con cá sấu bởi vấn đề an toàn. Người nuôi thì khẳng định, mỗi con cá sấu giá hàng triệu đồng, nên ai cũng phải lo trông giữ. Tuy nhiên, đã có không ít vụ cá sấu sổng chuồng gây hoang mang trong người dân.

Cách đây không lâu, mưa lũ đã làm sập bờ bao khu vực nuôi cá sấu tại một khu du lịch ở TP Biên Hòa, làm hàng chục con cá sấu thoát ra ngoài. Mặc dù sau đó chủ trại nuôi cá sấu cho rằng, đã bắt lại đủ số lượng, người dân vẫn không khỏi lo âu. Mới đây nhất, một con cá sấu được cho là sổng từ trại nuôi của người dân xuất hiện trên hồ Trị An rộng lớn, đến nay vẫn chưa được tìm thấy.


Ông Trần Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho rằng, cá sấu sổng ra ngoài cũng có, nhưng người dân không báo chính quyền. Nghe có cá sấu xuất hiện, người dân đổ ra săn bắt cho bằng được. Không khỏi lo ngại về vấn đề này, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai kiến nghị với các ngành chức năng không nên cho người dân phát triển nuôi động vật hoang dã trong khu vực khu bảo tồn.

Nhà giá rẻ hết thời hạnh họe


Sức hút nhà giá rẻ của một chủ đầu tư có tiếng tại Hà Nội giảm mạnh khi mức chênh những căn hộ mở bán chỉ vài chục, thậm chí là 2-3 triệu đồng/căn. Hàng nghìn căn hộ giá rẻ bung ra thị trường gần đây khiến nhà giá rẻ hết thời hoạnh họe người mua nhà.

Sau thời gian thị trường BĐS trầm lắng, người mua nhà đã quay trở lại, đặc biệt là phân khúc nhà giá rẻ do đáp ứng nhu cầu của người dân. Không chỉ vậy, được sự hỗ trợ của Nhà nước từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giúp cho phân khúc này tăng nhiệt.

Thị trường nhà đất Hà Nội đang chứng kiến một lượng lớn dự án nhà ở bình dân bung hàng với mức giá trên dưới khoảng 1 tỷ đồng. Chẳng hạn, giá căn hộ Gemek Tower chỉ vào khoảng hơn 800 triệu đến 1,3 tỷ đồng mỗi căn. Nhà dự kiến được bàn giao nhà vào quý II năm 2016. Chủ đầu tư dự án Thăng Long Victory cũng tiếp tục tung căn hộ có giá dao động 13-13,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT và nội thất cơ bản).
Dự án Helios Tower do Công ty CP đầu tư xây dựng NHS làm chủ đầu tư, chuẩn bị chính thức chào bán ra thị trường với mức giá chỉ 1,4 tỷ đồng/căn (giá đã bao gồm VAT và nội thất cơ bản). Hiện dự án đã thi công xong phần móng và tầng hầm, chủ đầu tư cho hay sẽ bàn giao căn hộ vào quý IV/2016.
Chung cư giá rẻ ồ ạt tung hàng
Chung cư giá rẻ ồ ạt tung hàng
Ngoài ra, các chủ đầu tư nhà giá rẻ cũng đang tiếp tục mở bán các căn hộ còn lại như The Sparks - Lê Văn Lương, OCT1 Resco Cổ, căn hộ Dream Town...
Theo khảo sát thị trường, hiện tượng mua chênh tại các dự án giá rẻ đã giảm nhiệt. Đơn cử như dự án chung cư ở Linh Đàm, mức chênh thấp nhất chỉ khoảng 2 triệu đồng/căn, thấp nhất trong các dự án trước đây của của đầu tư ở khu vực này. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư căn hộ giá rẻ cũng thường xuyên tổ chức mở bán, khuyến mại và ưu đãi đi kèm để thu hút khách hàng.
Không còn lợi thế về giá
Nếu như trước đây, các chủ đầu tư chỉ chăm chăm vào việc giảm giá để thu hút người mua nhà bình dân. Nhưng hiện nay, họ không còn quan tâm tới vấn đề này mà thay vào đó họ đánh giá cao vấn đề chất lượng cuộc sống đi kèm. Các chủ đầu tư cũng đang gánh sức ép thêm một sức ép.
Đại diện một đơn vị tiếp thị cho rằng, mặc dù bán giá thấp nhưng các chủ đầu tư còn chịu chi phí cho các tiện ích như trung tâm thương mại, nhà trẻ, rạp chiếu phim... để lôi kéo dân về ở.
Người mua nhà sẽ có nhiều sự lựa chọn
Người mua nhà sẽ có nhiều sự lựa chọn
Chủ đầu tư Gemex Tower lắp đặt hệ thống nước nóng tổng để cư dân có thể dùng nước nóng quanh năm giống như tại một số dự án chung cư cao cấp trong nội thành Hà Nội. Khách hàng mua căn hộ Thăng Long Victory còn có cơ hội nhận thêm 1 căn hộ khi đăng ký mua, cùng với đó là được miễn 2 năm phí dịch vụ. Dự án Helios Tower được chủ đầu tư mạnh tay chi tiền xây ba tầng hầm và cả trường học.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho hay, yếu tố pháp lý của dự án là vấn đề được người mua nhà hết sức quan tâm.
Theo ông Quyết, khi BĐS nóng sốt, người mua không quan tâm nhiều đến vấn đề này nhưng hiện tượng này hiện nay hầu như không xảy ra. Rất ít dự án liên quan đến hình thức góp vốn mà thành công trong khoảng 2 năm vừa rồi. Đa số dự án muốn bán được phải thông qua hợp đồng mua bán. Khách hàng luôn quan tâm đến việc chủ đầu tư có phải là chủ đầu tư cấp 1 hay không, đồng thời rất quan tâm đến giấy chứng nhận đầu tư của dự án...

GS. Đặng Hùng Võ nhận định, cần phải nghiêm túc nhìn vào chất lượng cuộc sống của người thu nhập thấp, không phải người nghèo không cần chất lượng cuộc sống. Theo ông Võ, quan niệm nội thất đẹp đã là quan niệm của vài thế kỷ trước, còn hiện nay, quan niệm là cuộc sống phải có môi trường sống tốt và điều kiện sống tốt.

Cái chết oan nghiệt của một lao động Việt tại Malaysia


Đêm 15/11, thi hài Trần Văn Tuyên, SN 1991, người bị chết cháy khi đang lao động ở Malaysia, đã được gia đình đưa về mai táng tại thôn 3, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.


Cái chết oan nghiệt của Tuyên đẩy gia đình anh vào cảnh khốn cùng, người dân vùng quê nghèo ai cũng xót thương, tiếc nuối.
Oan nghiệt!
Chúng tôi có mặt tại thôn 3, xã Sơn Hồng vào chiều ngày 16/11. Cơn mưa nặng hạt khiến không khí trong gia đình bà Nguyễn Thị Loan - mẹ anh Tuyên - càng thêm đau đớn. Bà Loan cùng hai đứa con bơ phờ đứng trước bàn thờ con trai đang nghi ngút khói hương.
Di ảnh nạn nhân Trần Văn Tuyên, nạn nhân bị chết cháy tại Malaysia
Di ảnh nạn nhân Trần Văn Tuyên, nạn nhân bị chết cháy tại Malaysia

Bà Loan kể, vợ chồng bà sinh hạ được 3 người con trai, Tuyên là con đầu lòng. Cách đây 10 năm, khi cuộc sống đang hết sức khó khăn thì chồng bà qua đời. Kể từ đó, cuộc sống của mẹ con bà càng khốn đốn, chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Thời gian rảnh rỗi, mấy mẹ con lại kéo nhau vào rừng chặt củi về bán, kiếm thêm thu nhập.
Thương mẹ và hai em nên khi vừa tốt nghiệp cấp 3, Tuyên nghỉ học, xin mẹ cho đi xuất khẩu lao động. Tuyên tìm manh mối đi lao động tại Malaysia. Đầu năm 2010, Tuyên lên đường sang Malaysia làm việc. Đơn vị đưa con trai bà đi là Cty Hải Dương, ở Hà Nội, với chi phí ban đầu là 1.200USD. Theo các giấy tờ liên quan thì Tuyên làm việc tại Cty Zazatyguocta, thuộc tỉnh Kelantan.
“Khi mới sang cháu nó liên tục gọi về. Cháu nói quyết tâm lắm. Luôn bảo với mẹ là sẽ cố gắng dành dụm gửi về cho mẹ trả nợ, sửa nhà cho mẹ ”- bà Loan gạt nước mắt kể.
Nhưng mọi chuyện diễn ra không thuận lợi như suy tính. Công việc phập phù khiến thu nhập của Tuyên không được là bao. Sau 3 năm lao động tại Malaysia, Tuyên chỉ gửi về cho mẹ được khoảng 30 triệu đồng.
Kết thúc chính thức hợp đồng lao động sau 3 năm, Tuyên ra làm ngoài với công việc là thợ lái máy xúc cho một ông chủ người Trung Quốc. Thời gian gần 1 năm nhưng Tuyên chỉ gửi về cho em trai là Trần Văn Tưởng được 3,8 triệu đồng.
Ngày 6/7/2014, Tuyên gọi về cho mẹ bảo, ông chủ người Trung Quốc hứa cuối năm sẽ trả hết lương khoảng 100 triệu đồng cho Tuyên, để Tuyên gửi về cho mẹ trả bớt nợ nần, giúp mẹ có thêm vốn nuôi con lợn, con gà. Nhưng đó là lần cuối cùng bà Loan được nghe tiếng con trai.
Người mẹ đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con.
Người mẹ đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con.

Ngày 2/8/2014, khi đang đi làm, bà Loan bất ngờ nhận được điện thoại từ Malaysia. Một thanh niên giới thiệu là người Đô Lương (Nghệ An) báo tin Tuyên đã tử nạn, bị chết cháy đen trong xe ủi.
Kiệt sức chờ xác con trai
Hơn 3 tháng qua là khoảng thời gian tưởng chừng dài như vô tận của gia đình bà Loan. Cứ nghĩ đến đứa con ruột thịt, máu mủ đang phải nằm lạnh lẽo, không người thân ở xứ người, lòng bà quặt thắt. Muốn đưa con về ngay để biết đâu có thể nhìn mặt con lần cuối, nhưng gia cảnh quá nghèo khiến bà không thể thực hiện được ý nguyện. Chi phí giám định ADN, đưa xác con về tốn kém hàng USD. Vì thế đành để thi hài con tại một nhà xác của một bệnh viện nước bạn tới hơn 3 tháng trời.
Để có tiền cho chú và em trai bay sang Malaysia giúp cơ quan chức năng kiểm tra ADN con, suốt mấy tháng qua bà Loan phải xoay sở khắp nơi để vay tiền. Ngoài 50 triệu đồng vay từ ngân hàng, bà còn vay thêm anh em, bà con lối xóm. Thương hoàn cảnh gia đình bà quá éo le, nên khi được chị đặt vấn đề, ai cũng thương, sẵn sàng ủng hộ tiền để bà đưa xác con về.
Hoàn cảnh quá nghèo khó nên phải mất hơn 3 tháng bà Loan mới xoay đủ tiền đưa xác con về
Hoàn cảnh quá nghèo khó nên phải mất hơn 3 tháng bà Loan mới xoay đủ tiền đưa xác con về

18 ngày có mặt tại Malaysia, người em chồng và em trai của bà Loan đã làm hết sức từ liên hệ cơ quan chức trách Việt Nam tại đây hỗ trợ giám định ADN, liên hệ cảnh sát phía bạn truy tìm manh mối về cái chết oan nghiệt của Tuyên... Tốn kém, mệt mỏi, nhưng nguyên nhân cái chết của Tuyên vẫn là một điều bí ẩn.  
Ngày 15/11/2014, sau khi kết quả giám định ADN được phía bạn công bố, các thủ tục được hoàn tất, thi hài nạn nhân Trần Văn Tuyên đã được chuyển bằng máy bay từ Malaysia về Hà Nội. Đêm cùng ngày thi hài Tuyên đã được người thân chuyển từ Hà Nội về xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Một ngày sau chính quyền địa phương, gia đình, bà con lối xóm đã làm lễ đưa tang, mai táng Tuyên tại nghĩa trang địa phương.