“Hà
Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. Hình ảnh thân thương
trong bài hát ấy cứ đau đáu trong tâm hồn tôi. Với những người đã gần
trọn đời gắn bó với Hà Nội, ấn tượng mùa thu thành phố quá là mạnh mẽ,
xao động khôn nguôi.
Hạt
cơm nguội vàng bé xíu theo gió rắc đầy hè phố, trẻ nhặt về làm đồ chơi.
Lũ con gái giả làm các “bà”, các “cô” bán xôi, bán phở. Bát đĩa là nắp
lọ, nắp chai. Tay phe phẩy quạt lá bàng, mồm chúng réo rắt, đon đả “Ai
xôi, ai phở đơ… ơi…”. Một lũ lít nhít chen nhau “mua”, nhặt cọng lá làm
đũa, thìa, rồi rối rít bưng lên mồm “ăn”. Hối hả và, nhai, cả ngắm
nghía, hít hà, vẻ ngon lành biết bao.
Gió
thu xao xác tràn về, lá bàng trải thảm mặt hè đỏ lịm. Lũ con trai ngỡ
ngàng trước sắc màu thiên nhiên thay đổi, theo lối của chúng: reo hò.
Con gái lổm ngổm bò trên thảm lá chụp bóng nắng tròn lung linh, ẩn hiện.
Mải mê đuổi theo những đốm nắng lúc còn lúc mất, chả đứa nào có thể
ngờ, rằng cuộc đời rồi đây cũng đầy ắp những trò đuổi nắng, bắt bóng như
trong mơ vậy.
Rồi tích tắc sau, bóng, nắng đều chả còn. Mây đen đem theo mưa về trút xuống hối hả, những cơn mưa cuối hạ đầu thu…
Đông
đến, xuân qua, hè trôi, và thu lại tới. Lũ chúng tôi đã cao ngỏng một
với một sào. Đã thôi trò bưng mẹt bán hàng réo rắt. Quên chọi nghé bằng
chiếc lá bàng nghiêng sừng dặt dẹo. Cũng chẳng còn ngồi gốc cơm nguội
rải ô ăn quan. Biết bị “nó” ăn gian mà đếm đi đếm lại vẫn không sao hiểu
được…
Cập
kê đến. Biết hò, biết hẹn. Nhưng gặp nhau, chúng tôi chỉ luống cuống
cười. Lũ trai lộc ngộc, vụng về, gặp mấy đứa con gái lúng túng, ngập
ngừng, lời ra đọng trên môi. Còn các nàng lại bẽn lẽn, mủm mỉm, đã xoay
người đi đầu còn ngoái lại, ánh mắt đầy lưu luyến. Rồi bồn chồn lúc đèn
lên, khắc khoải đợi tiếng huýt sáo da diết đầu ngõ.
Thân
bàng là chỗ dựa vững chãi cho trai gái đón nhau, chẳng biết đến thời
gian đi. Cây lặng lẽ nghe tiếng thì thầm yêu đương muôn thuở. Lá cũng
reo vui theo tiếng khúc khích làm duyên. Còn cây cơm nguội kề bên, nó
cũng bối rối hay sao, mà rùng mình, để hạt nhẹ rơi vương mái tóc mềm.
Và, bàn tay vụng dại của người con trai có cớ lần tìm…
Rồi
đến những đêm chia tay vời vợi. Bên gốc bàng, đôi lứa nói lời đợi chờ.
Các chàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc “nay sơn hà nguy biến…”. Người ở
lại giữ lòng sắt son xây đắp hậu phương. Trong làn mưa ngâu, chùm lá
long lanh ngấn lệ, thương cho đôi trẻ kẻ ở người về.
Ôi
cái đoạn đời vô tư đến tận cùng. Đã qua mất rồi nơi phố cũ Hà Nội xưa.
Nhưng thật lạ, nửa thế kỉ qua rồi mà trong tôi vẫn xao động mỗi khi nhớ
về những trò chơi con trẻ ấy. Cây bàng, cây cơm nguội còn đó, nhưng sao
trông thật cô đơn. Có lẽ giữa dòng đời tất bật, nhộn nhịp, chúng vẫn
đang mải hoài niệm về một thời yên ả quá.
Phố
tôi nay hàng hóa buôn bán thật sầm uất. Ban ngày những lớp người ngược
xuôi, lúc nào cũng hối hả. Còn khi mặt trời buông, khắp nơi rực rỡ sắc
đèn xanh đỏ nhấp nháy. Cho đến tận nửa đêm, tiếng còi tầu xe vẫn rộn rã.
Thời đất nước mở cửa, hàng ngoại nhập tràn lan. Nền kinh tế nhiều thành
phần phát triển, hàng nội cũng ngập tràn. Dãy hàng hoa giả, bằng giấy,
bằng lụa rực rỡ khoe sắc thắm. Đồ dân dụng cũng vô vàn chủng loại. Bát
đĩa Bát Tràng, bát đĩa Trung Quốc, nồi inox, tráng men cao cấp đủ kiểu,
đồ gỗ Sài Gòn, Đài Loan… kiểu cách lịch sự, trang nhã, chẳng thiếu gì.
Khách hàng giờ đây chỉ cần có tiền thì đúng là “Thượng đế”, là muốn gì
được nấy.
Chúng
tôi đã lên chức, làm cha mẹ, sớm ra thì đã thành ông bà. Lũ con cháu
nay khác trước biết bao nhiêu, có rất nhiều đồ chơi đẹp. Những bát đĩa
nồi xoong bé xíu bằng nhựa màu thật tuyệt. Có con búp bê xinh xinh biết
khóc thét khi “không vừa lòng”. Ô tô, máy bay các loại chạy loanh quanh
bằng điều khiển cầm tay, kêu ro ro rất thích. Cả người ôm súng bắn ra
những tia lửa điện…
Nhiều,
nhiều lắm, tôi không sao nhớ hết. Chỉ biết chúng vất khắp xó xỉnh. Đôi
khi tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi, liệu mấy chục năm nữa, ở tuổi mình, chúng có
còn nhớ những trò chơi ngày nhỏ…
Còn
tôi, khi ngắm chúng chơi, chợt nhói trong tim cái ngày xưa ấy, khi tất
thảy niềm vui chỉ là thứ đồ chơi đơn giản, nghèo nàn: bát đĩa nắp lọ
chai, búp bê bằng khăn tay gấp lại, ô tô, máy bay đất sét chẳng bao giờ
biết chạy. Rồi lại nôn nao đến con nghé chọi cuộn lá bàng, cả những xôi,
phở bằng hạt cơm nguội vàng.
Đã
đành, đã biết, cuộc sống không thể đứng yên một chỗ, không thể mãi mãi
như cái thuở ngày xưa. Nhưng vẫn da diết không biết đến bao giờ, những
trò chơi con trẻ vô tư ngày xưa ấy.
Giờ
đây, lũ chúng tôi, người còn kẻ mất, mỗi người một ngả, đứa ở phương
Bắc, đứa tận phương Nam, có người lặn lội trời Tây, bôn ba góc bể. Bươn
bả ngược xuôi trong cái thế giới ngập đầy những điều mới lạ. Và một số
trong đó đã có rất nhiều, những thứ mà ngày xưa, ngay cả trong giấc mơ,
họ cũng không bao giờ nhìn thấy được.
Nhưng
tôi biết, tôi rất biết… Dù ở đâu, tận cùng lạnh lùng cực bắc địa cầu,
hay chốn phương nam ngột ngạt nắng đỏ, trong sâu thẳm mỗi người, tâm
hồn, trái tim vẫn run bắn lên khi nghe thoáng một lời nhắc đến thảm lá
bàng thẫm đỏ những chiều thu. Lòng họ vẫn ngổn ngang, thổn thức đến cây
cơm nguội hạt vàng ươm thuở đó.
Và,
với riêng tôi… Dù có đi đâu về đâu, Hà Nội vẫn luôn là niềm thương nỗi
nhớ. Cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ mãi là kỉ niệm đẹp của tuổi thơ
tôi.
Bài tham gia cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét