Hà
Nội hôm nay và ngày mai của một ngàn năm Thăng Long. Gió đang chở mùa
qua chậm rãi, hương hoa- hương lá ngập tràn các phố. Hà Nội như cựa mình
trong dòng chảy quyện ấy. Tôi vẫn muốn lang thang trên các con đường
con phố để tìm thấy Hà Nội thật riêng trong mắt tôi. Biết đâu, nếu may
mắn tình cờ ngước lên tôi sẽ thấy được một áng rồng bay.
|
Trong
khi tôi đang lo lắng sợ lũ trẻ nghịch chú rùa con tội nghiệp thì cậu bé
đến bên hồ, quỳ gối và nhẹ nhàng thả rùa con vào làn nước trong xanh.
Chú rùa xoà bốn bàn chân xinh như những mái chèo tí hon lặn xuống. Tôi
thở phào nhẹ nhõm. Mấy đứa trẻ còn đứng kháo nhau “Đây chắc là cháu,
chắt của cụ rùa thiêng ngày xưa đấy !”. Tôi chợt nhớ một đứa cháu mới
học lớp tám, khi gia đình chuyển nhà từ khu phố cổ lên Giảng Võ, nó hay
nhìn ra cửa sổ nhớ về nhà cũ. Ở đó, ngõ nhỏ nhưng cảm giác mỗi sáng
đứng bên cửa sổ cho cái hơi đất từ dưới toả lên thấm vào người. Cũng đất
Hà Nội, nhưng nơi nào đặt bàn thờ gia tiên hình như thấy thiêng hơn.
Có
một người bà con từ tỉnh ra Hà Nội có mươi ngày, thế mà níu tay áo tôi
bảo “Này cậu, Hà thành này có cái gì thiêng lắm !” Tôi cười cho rằng
anh ta tưởng tượng ra nên chỉ trả lời: thì vì Hà Nội là Thủ đô của cả
nước chứ sao ? Nhưng anh ta cứ băn khoăn không đồng ý. Không đâu, cậu
nhầm rồi. Hà Nội thiêng bởi cái thế tự trong lòng đất, thế rồng bay ngót
một ngàn năm. Đi thăm thú quanh đây, giữa ồn ảo đông đúc thỉnh thoảng
lại thấy một mái chùa cong cong cổ kính. Bước qua cái ngưỡng ấy, như lạc
mình hẳn vào một thế giới khác, rất cổ xưa. Tôi ngạc nhiên chẳng ngờ
anh ta văn vẻ thế.
Chỉ
đến một lần, tôi lang thang chiều vô tình đi qua tượng đài Quang Trung
gần Gò Đống Đa. Hôm ấy trời mưa lất phất cây trên gò chụm nhau tắm mưa,
giọt ngắn giọt dài trượt nhanh trên lá, nghe như tiếng trống giong cờ
mở, tiếng gọi quân đâu đây hay là mạch đất gặp mưa cựa mình tạo nên hơi
thở ấy. Nếu ai đã đọc vua Quang Trung ra đất Bắc Hà hẳn dễ mường tượng
thấy cảnh hành quân thần tốc của ngàn vạn binh mã thuở nào. Tiếng bước
chân trầm hùng ấy qua thời gian còn chưa tan mà ém vào lòng đất đợi ngày
bật lên. Đó là tiếng nhắn gọi của cha ông.
Tôi
chợt nghĩ, từ ngày nước sông Hồng bắt đầu bồi đắp phù sa, người Việt Cổ
mang gươm đi mở cõi, cho đến khi vua Lý rời đô về Thăng Long, có ai sẽ
nghĩ thành phố của thế kỉ này. Một ngàn năm sau, phố cổ nghiêng nghiêng
trong sự phát triển của cả nước. Tôi không nghĩ về Hà Nội rộng lớn mang
tầm quốc tế mà nghĩ và cảm nhận Hà Nội theo những mảnh những suy nghĩ
của riêng mình. Một bận lang thang bên Tây Hồ rất nhiều người dừng chân
lắng nghe tiếng ghi ta của một chàng trai trẻ. Anh ta ngồi dạo bài hát
Hà nội mùa vắng những con mưa. Tiếng đàn khiến cho người ta phiêu diêu
đến một nơi nào đấy, lướt đi trên những thếp sóng hồ mỏng kia, hay ra
với những bụi cỏ rập, bay trên làn liễu rủ. Trong tôi thức lại tiếng sâm
cầm, mà sương mỏng manh giăng giăng mỗi sớm. Những thứ ấy, giờ này, có
lẽ chỉ còn sống trong tâm thức của những bậc cao niên thế kỉ trước. Giờ
đây, đàn sâm cầm ngày ấy đã cất cành bay về quá khứ mất rồi.
Khi
tiếng đàn dứt hẳn, anh ta ngẩng lên đôi mắt long lanh, tôi hỏi chuyện
mới hay anh là người Nhật Bản sang Việt Nam học và ở Hà Nội bốn năm. Tôi
cứ ngỡ khi nhớ nhà anh ta sẽ đàn một bài về Tô-ki-ô, về núi Phú Sĩ hay
về loài hoa anh đào của xứ sở mình. Anh lắc đầu, cảm giác chiều Hồ Tây
gió lộng, nghe Hà Nội qua tiếng ghi ta mới thật độc đáo. Anh nở nụ cười
rất đỗi hiền lành mới biết không phải chỉ những người ở Hà Nội mới cảm
nhận được vẻ đẹp của nó. Có sao đâu, đối với tôi chỉ cần trong trái tim,
nghe một tiếng Hà Nội, qua cái nhìn của người khác để thu lại những
cách cảm khác nhau về Hà Nội rồi tích lại cho riêng mình như các mạch
máu rồi cũng chảy về tim.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét