Hà
Nội có một điều gì lạ lắm, nghĩ về nó ta tưởng như mình vừa lên tàu mà
Hà Nội là nơi bâng khuâng sắp đến với bao nhiêu hứa hẹn chứa chan hồi
hộp, mà cũng có khi là ngược lại, đó là nơi ta vừa chia tay đầy lưu
luyến say mê tiếc nhớ, không dễ gì gặp lại để âu yếm đến nao lòng...
Hà Nội xưa.
|
Không
hiểu ở trăm phương, có bao giờ thế này không? Gặp hôm trời đẹp, động
lòng nhớ cảnh giang hồ, xao xuyến tri âm, có ai khăn gói gió đưa nhảy
lên con tàu về Hà Nội một ngày không định, rồi khi về đến Hà Nội chẳng
để làm gì, cũng chẳng gặp ai, lang thang một buổi bên hồ Gươm, nghe gió
cây thì thào, nhìn sóng biếc lăn tăn như tâm sự... rồi lại theo con gió,
bước lên toa tàu về căn nhà cũ mà vợ con đang ngơ ngác chẳng hiểu mình
vừa đi đâu?...
Hoặc
thế này: Gặp tiết trời mang mang một ngày không mưa không nắng, nghe
hàng cây trên đường phố xao động như vừa đón hồn từ muôn nẻo xa xăm trở
về, lại cũng nghe như từ mái chiếc quán vắng nào đã có ai ngửa chiếc
chén ra chờ ta ghé vào nhắp môi niềm thi vị, thế là phải khoác chiếc áo
sờn vai ra đường, đi lang thang qua bao ngã tư chẳng cần nhớ nổi, gặp
cây hoa gạo bên bờ hồ Gươm nở bung những chấm son để khuyên vào bầu trời
ai vừa khai bút những bài thơ non nước thiên nhiên. Hoa gạo đưa ta ra
tới ngoại ô có con đường dẫn về nẻo hút chân đê, tiếng trống hội làng
thôi thúc người vào cuộc vui suốt sáng, có tiếng đàn đáy phừng phừng, có
ca nữ yểu điệu thục nữ mà mái tóc bỏ đuôi gà mượt như trong truyện Liêu
Trai khiến một Hà Nội như lan toả mãnh liệt niềm ham sống để mỗi linh
hồn bỗng cũng say sưa trong hoan lạc được làm người Hà Nội.
Có
nhiều buổi sáng sương chưa tan, gió còn ngại ngùng vào ngày mới, mặt
đường còn thênh thang chưa quen với những vệt bánh xe thắng gấp, ta đi
qua một con phố nào không có biệt thự, vỉa hè nhỏ bé chật chội, bỗng nôn
nao lòng dạ. Thì ra mùi bánh mì nóng đang ra lò, nó vô hình mà như hữu
hình vẽ lên miếng nhai giòn tan và ngọt mê tơi trong cổ họng. Bánh mì là
thứ không thể làm giả, chỉ có người này có kỹ thuật cao, người kia kém
lành nghề mà bánh không hấp dẫn cái mắt, cái lưỡi, cái mũi, cả lúc đói
lòng lẫn khi no bứ…
Ta
lang thang trong hồn phố cổ, nghe dĩ vãng đầy hoài niệm lãng đãng như
hồn cô Đạm Tiên “sương in mặt tuyết pha thân” mà ta đâu có Kim Trọng hay
nàng Kiều buông bắt ngón đàn TÂM.
Ta
gặp phố Hàng Ngang. Từng có món gì, mặt hàng gì tên là Ngang không nhỉ,
hay chỉ có người nói ngang, thói ngang tàng, con đường xuyên ngang? À
mà có. Có món rượu ngang, tức rượu lậu một thời gian dài phổ biến mọi
làng quê, phố thị làm say sưa bao người, ai cũng có thể hoá thi tửu Lý
Bạch hay ít ra thành cụ Tản Đà muốn đào nền nhà lát gạch lên mà trồng
rau húng Láng để nhâm nhi với cái “ngang” êm đềm ấy.
Nhưng
hình như mặt phố này hoàn toàn tỉnh táo, tỉnh táo đến lạnh lùng trong
mua bán giao tiếp như là “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Hình như
lịch sử còn ghi lại trên nhiều cánh cửa bức bàn và những mái ngói lô nhô
cùng những cửa hàng là mặt tiền những ngôi nhà hình ống, hẹp ngang
nhưng sâu hun hút như tràn đầy bí mật của bao tiền nhân trong những thế
kỷ qua. Phố này nguyên có tên là phố Đường Nhân, nghĩa là phố những
người nhà Đường, nói nôm na là phố người Hoa, Hoa kiều, một thời mọi
người Trung Hoa đều được gọi là người nhà Đường hết, giống như ngày nay
chúng ta quen gọi mọi người châu Âu từ Pháp, Anh, Mỹ đến Nga, Bỉ, Ả
Rập.... đều là Tây hết. Người nước ngoài đánh bật người Việt Nam
đi sang phố khác, họ làm nghề buôn là chính, từ buôn tạp hoá đến mứt
kẹo và tơ lụa. Khi người Pháp ổn định Hà Nội, người Pháp gọi là phố
người Quảng Đông (Rue du Cantonnaise) lâu dần chữ ấy đọc chệch ra thành
Hàng Ngang.
Người
sở tại của phố Hàng Ngang cũ, xưa có nghề nhuộm. Nghề tinh xảo, cả nước
đã tín nhiệm, các cô gái muốn làm đỏm bằng vuông yếm sáng, cái thắt
lưng hoa lý, hồ thuỷ, tấm áo màu thiên thanh, chiếc quai nón tím hững
hờ... thường phải về đây thuê nhuộm. ở đây chuyên nhuộm loại màu mang
sắc thái thanh thoát, ngày nay gọi là “gam” màu mát, nhẹ. Đó chính phố
Hàng Lam. Những tấm gấm màu lam, màu xanh dương, màu lá cây... các đại
gia, công tử, nho sinh, thầy đồ, cụ túc nho… cũng ưa màu lam từ phố này
mà ra.
Nếu
phố Hàng Lam chuyên nhuộm màu thanh nhạt, tươi mát, thì hàng xóm của nó
lại có nghề nhuộm những màu tưng bừng, ấm nóng, đó là “gam” màu nóng,
màu tươi, màu đỏ, màu điều, nên nó có tên là phố Hàng Đào (tên chữ là
phường Thái Cực). Phố không chỉ có nghề nhuộm, làm các cô có chiếc yếm
thắm hớp hồn trai trẻ nhiều trăm năm, bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã
nhắc đến cái yếm đào trễ tràng khi cô ngủ ngày, làm mê mẩn sĩ tử, thi
nhân: “Đi thì cũng dở, ở không xong”. Bởi vì cái yếm đào kia “trễ xuống
dưới nương long”, mà làn da trinh bạch cứ phau phau trắng ngần như bãi
cát non mùa xuân chưa bước chân nào đụng đến, thêm nữa: “Đôi gò bồng đảo
sương còn ngậm. Một lạch đào nguyên suối chửa thông”… Yếm đào là một
thứ áo hớ hênh tinh nghịch, nó nửa che kín, nửa chểnh mảng để cuộc đời
thầm ao ước khôn nguôi, nó không đỡ ngực, không độn ngực như cái áo
coóc-xê ngày nay mà có người mẫu làm cho hai ngọn đồi, đôi gò bồng đảo
kia bừng sáng dưới ánh đèn sân khấu, làm đến nửa thế giới này phải hồi
hộp!
Hà Nội nay.
|
Có
thứ vải the rất mỏng, màu sợi trắng ngà, chuyên bán ở chợ Rồng Nam
Định, được đem về đây nhuộm nâu may áo dài phụ nữ, loại áo mớ ba mớ bẩy,
áo tứ thân thắt vạt hay buông tà, còn gọi là vải Rồng, hay vải Đồng
Lầm, mà bất cứ người phụ nữ nào của Hà Nội khi ra đường đều phải mặc tấm
áo dài loại ấy, kể cả chị đi đổi cốt chăn bông, đi bán bưởi rong, đi
thu gom chè chai đồng nát...
Lại
còn phố Thợ Nhuộm, tức phố chuyên nhuộm vải đen, còn gọi là phố vải
thâm. Trước thế kỷ XX, khu vực này còn nhiều bãi cỏ hoang, người dân
nhuộm vải xong tha hồ mang ra dây phơi nắng, những tấm vải dài mấy chục
thước, giăng trên những thanh nứa cong cong cho vải khỏi nhàu, đã làm
nền cho nhiều hình tượng trong phim điện ảnh.
Tất
cả những làng nhuộm này đều đã thành một nét hồn xưa Hà Nội, nó bàng
bạc mông lung như có như không, như một mối tình anh Trương Chi với cô
gái đẹp cứ khuất chìm vào mộng mị phôi pha.
Cũng
nhớ đến một nghề đã khuất chìm, ngay tại những bãi phơi vải này: Nghề
làm hỏa lò bằng đất sét. Vì thế mà nhà tù của Pháp dựng lên ở khu vực
này mới gọi là Hoả Lò, chứ không phải mùa hè trong phòng giam nóng như
hỏa lò. Dân ở đây có nghề đắp hỏa lò bằng đất, loại hỏa lò có thể sắc
thuốc, sưởi ấm cho gái đẻ, đốt bằng mấy thanh củi chẻ nhỏ hoặc bằng ít
than hoa mua từ Hàng Chiếu hoặc Hàng Than.
Khi
người Pháp không thuê nhà ở số 10 phố Mã Mây của Hoa kiều để làm nhà
tạm giam nữa mà xây trụ sở Toà án và nhà tù “xăng tan”, họ đuổi hết dân
xuống khu vực chợ Đuổi để lấy đất. Nghề làm hỏa lò từ đấy cũng mất luôn
vì có nhiều thứ bếp đun khác thay thế. Và nay, phố Thể Giao, phía sau
phố Bà Triệu, vẫn còn tên cũ, nhưng nghề mới đã nhiều. Người Hà Nội lâu
nay đã quen đun bếp dầu, bếp than tổ ong, bếp điện, bếp ga và lò vi
sóng... Chiếc hỏa lò màu hồng đất sét khô đã nổi lửa trong không trung
có mây gió đưa đường chăng, khiến ta nghĩ về nó mà thấy như bàn tay còn
ấm trong ánh lửa giữa tiết đại hàn một Thăng Long cổ kính!
Hàng Gai đang là phố tơ lụa xuất khẩu tại chỗ. Tên có chữ Gai nghĩa là gì?
Phố
Hàng Bè, phố Gia Ngư nguyên là đất gần kề bờ sông Hồng, cũng là ven hồ
Thái Cực, tức hồ Hàng Đào. Người dân quanh vùng này sống bằng nghề đánh
cá, nhất là chài lưới, vì thế họ phải đến phố Hàng Gai mua những sợi gai
đánh thành từng con (hơi giống những con chỉ thêu) để về đan lưới vá
chài. Đến những năm 50 thế kỷ XX, phố Hàng Gai vẫn còn nhiều nhà treo
lưới và gai ra cửa bày hàng, chứ không phải như có người tưởng rằng phố
này chuyên làm bánh gai.
Còn
phố Hàng Bè nằm ngay trên bờ sông, nên số nhà 15 có một hiệu buôn cau
lớn, nổi tiếng. Đó là nhà bà vợ ông Nguyễn Trường Tam, nguyên Bộ trưởng
Ngoại giao trong Chính phủ liên hiệp đầu tiên, ông cũng là nhà văn lừng
danh Nhất Linh trong nhóm Tự lực văn đoàn, sau là một lãnh tụ Quốc dân
đảng và đã tự vẫn ở Sài Gòn khi chính quyền Ngô Đình Diệm định đưa ông
ra toà xử về tội chống đối chế độ ngụy quyền...
Nếu
ngày xuân đủ cho hồn ta phơi phới thanh tân, ta lang thang vào Hà Nội
cổ như đi trong quyển từ điển nghìn năm, hẳn ta gặp bao nhiêu trang kỳ
thú mà nay nhiều cái không còn ở trên dời, nhưng thực ra vẫn còn trong
lịch sử và nhất là vẫn còn trong hồn người cả nước. Khi chiếc đồng hồ
đếm ngược được dựng lên để đo thời gian 1000 ngày dẫn tới đại lễ Nghìn
năm Thăng Long- Hà Nội, thì mỗi hồn ta đang dâng trào con sóng yêu
thương trước lịch sử huy hoàng một kinh thành cổ kính và oai hùng. Bao
điều mất đi trong tiếc thương, nhưng những gì còn lại, chúng ta tâm niệm
đó là của cải quý giá vô song, không thể để mất đi thêm được nữa!
Ta
lang thang, ta làm tâm hồn ta phong phú, như đi trong ánh mặt trời mùa
xuân, ta thấm vào mình sức mạnh và lửa ấm mùa xuân tràn trề hy vọng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét