Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Stress và lo âu ảnh hưởng đến chất lượng “tinh binh”


Theo một nghiên cứu mới đây của Italia, khả năng sản xuất “tinh binh” của các quý ông có thể phụ thuộc vào khả năng xử lý stress của họ.

  Stress và lo âu ảnh hưởng đến chất lượng “tinh binh”
Các nhà nghiên cứu thấy rằng những nam giới bị stress và lo âu sản sinh ra ít tinh dịch hơn đồng thời mật độ và số lượng tinh trùng đều giảm hơn. “Tinh binh” của những người có mức độ lo âu cao nhất cũng nhiều khả năng bị dị dạng và “nằm im” nhất.

Tuy nhiên chưa rõ điều này có đúng với tất cả nam giới hay không, vì nghiên cứu được tiến hành trên những người đang điều trị vô sinh.

Tina Jensen, Bệnh viện Rigshospitalet ở Copenhagen, Thụy Điển đặt câu hỏi: “Phải chăng vô sinh khiến người ta bị stress hay stress dẫn đến vô sinh?”.

Nghiên cứu trước đây đã thấy rằng những nam giới đang trong quá trình khám và điều trị vô sinh thường có mức độ stress cao hơn người bình thường, và một số nghiên cứu cũng đã cho thấy mối liên quan giữa stress và chất lượng tinh trùng, theo nhóm nghiên cứu Italia, đứng đầu là Elisa Vellani thuộc Bệnh viện Âu châu ở Rome.

Nhưng chưa ai tìm hiểu xem liệu stress tăng trong thời gian ngắn và lo âu kéo dài có ảnh hưởng khác nhau hay không, Vellani và các cộng sự viết trên tạp chí Fertility and Sterility.

Nhóm nghiên cứu đã thu nhận 94 nam giới đến khám vô sinh tại bệnh viện lần đầu tiên, và so sánh với một nhóm gồm 85 người không điều trị vô sinh.

Từng người sẽ cung cấp một mẫu tinh dịch để phân tích, đồng thời trả lời hai khảo sát đánh giá mức độ stress hiện tại và lo âu trong thời gian dài của họ theo thang điểm từ 20 đến 80, điểm càng cao là mức độ stress hoặc lo âu càng lớn.

Trung bình, nam giới trong cả hai nhóm có điểm số từ 37 đến 40 trên các test, không bị coi là “bệnh lý”.

Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu so sánh 28 nam giới có mức độ stress và lo âu thấp nhất với 40 người có mức độ cao nhất, họ thấy rằng những người bị stress dễ có mật độ và số lượng tinh trùng thấp hơn. “Tinh binh” của những người bị stress nhiều nhất cũng dễ bị bất động hơn và dễ bị đứt gãy ADN hơn.

“Điều này cho thấy stress và lo âu có thể là một yếu tố có ý nghĩa đối với khả năng sinh sản của nam giới”, các nhà nghiên cứu viết.

Tuy nhiên, họ lưu ý rằng mối liên quan giữa stress và chất lượng tinh trùng là yếu hơn ở những người không điều trị vô sinh và những người có vẻ có chất lượng tinh trùng tốt hơn.
Ví dụ, trung bình những người đang điều trị vô sinh có khoảng 29 triệu tinh trùng trong 1ml tinh dịch, so với khoảng 52 triệu tinh trùng trong mỗi ml ở nhóm so sánh.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ có trên 15 triệu tinh binh/ml được xem là bình thường.

Vellani và cộng sự kết luận rằng cần lưu ý đến "các yếu tố xã hội và tâm lý” khi đánh giá nguyên nhân gây vô sinh và khi điều trị vô sinh.

Jensen cho rằng dựa trên nghiên cứu này, rất khó để nói sự khác nhau giữa những người bị stress nhiều nhất và ít nhất, tuy nhiên kết quả có lẽ là đúng nhất với những người sắp điều trị vô sinh, là quá trình vốn rất căng thẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét