Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Trung thu này nhớ trung thu xưa…

>>> Cách làm lồng đèn ông sao
>>> Viết nhân ngày Trung thu 

Trung thu là tết thiếu nhi, vậy nên không khí đón trung thu cũng nhộn nhịp không kém gì ngày Tết nguyên đán: người ta đi mua sắm bánh nướng, bánh dẻo được bao bởi những cái vỏ bắt mắt, được bày bán hấp dẫn ngoài đường với điệu bộ hối hả. Có nhà còn cẩn thận, mua bánh trước cả tuần, chọn lựa những chiếc bánh ưng ý cho đêm đoàn viên, sum họp thêm viên mãn và mâm cỗ trung thu thêm đẹp mắt, góp phần khiến cho bọn trẻ con thêm háo hức để chờ đến lúc phá cỗ trung thu. 

Có lẽ, Trung thu trong mắt người Việt mình là một ngày hội mà cả người lớn và trẻ em đều thích. Nó là những cái cớ để bạn bè gặp gỡ, đi chơi, là dịp để trẻ con vòi vĩnh bố mẹ hoặc người lớn để được mua đồ chơi hoặc đi những chỗ mà nó đã muốn từ lâu lắm, không thì sẽ khóc mếu om sòm. Và rồi, khi ăn vạ thành công, chúng sẽ cầm món đồ ấy chạy đi khoe đám bạn khắp xóm hoặc nhong nhong khắp nhà khi những giọt nước mắt còn chưa kịp khô. Đúng là trẻ con, giòn cười tươi khóc, chẳng phải lo nghĩ gì nhiều. 

Nhớ khi xưa, vào mỗi dịp Trung thu, lũ trẻ con trong xóm, trong đấy có tôi, rồng rắn nối đuôi nhau chạy nô nức khắp cả xóm, rẽ vào nhà từng đứa để so nhau những món quà mà chúng có, nào là đèn lồng ông sao, lồng đèn cá chép, nhà đứa nào khá giả hơn thì có loại đèn lồng điện tử, bấm vào công tác là phát ra nhạc và cả ánh sáng đỏ vàng lấp lánh trong đêm. Còn đứa nào nhà nghèo quá thì đập bẹp vỏ lon, dùng kéo cắt tỉa một chút là được cái lồng đèn nhỏ nhỏ xinh xinh, cắm nến ở giữa, sáng lung linh ra trò. Đứa nào mắt cũng hấp háy, thấy lồng đèn sao đẹp thế, sáng lạ kỳ lắm, như thể thắp lên bao hy vọng trong mắt trẻ thơ, rằng sau này chúng sẽ làm giám đốc, kỹ sư, kiếm thật nhiều tiền để được ăn ngon mặc đẹp, đi ra nước ngoài như những người giàu có mà chúng được nghe kể hàng ngày, hoặc giản dị hơn là được sở hữu những chiếc máy bay điều khiển từ xa hay bộ lego đắt đỏ; rằng sau này chúng sẽ có cuộc sống hạnh phúc, ấm no hơn vào mùa trăng kế tiếp… Những hoài bão to lớn ấy được ẩn sau những nụ cười hồn nhiên ngây thơ đang chăm chú xem múa lân hoà lẫn cùng tiếng trống rộn ràng cả một khu phố nhỏ, còn người lớn thì quây quần lại ở khoảng sân giữa xóm, trải chiếu và cùng phá cỗ, uống trà, truyện trò dăm ba câu chuyện, hỏi han nhau dạo này làm ăn thế nào rồi cùng chia cho nhau những cái thở dài, những lời khuyên, thỉnh thoảng cất tiếng cười như xua đuổi cái tháng cô hồn này nhanh chóng qua mau. 

Do xã hội phát triển quá nhanh hay lòng người vẫn còn vẩn vương hoài niệm những điều xưa cũ ấy nên không bắt kịp với nhịp hở gấp gáp của xã hội hiện đại? Phải chăng lớn lên trong cảnh nghèo đói trong một căn xóm nhỏ, thấy mọi người ở đó nương dựa vào nhau quen rồi nên bây giờ thấy bánh kẹo, đồ chơi đắt tiền với hàng tá mẫu mã mới bắt mắt, bày ê hề mà chẳng còn thèm muốn, nhìn những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, đóng cửa im ỉm, sáng đi tối về mà thấy thích nhà cấp 4 cũ kĩ ngày xưa hơn? Mấy đứa cùng lớn lên với nhau, tuy bây giờ mỗi người đều có định hướng riêng cho tương lai sau này của mình nhưng cứ có dịp là lại tụ tập, ngồi kể chuyện “ngày xưa” tựa hồ như đã lâu lắm, nhưng mới 7 năm trôi qua thôi. 7 năm, nó đủ để khiến con người sống trong xã hội ấy lạ lẫm với chính mình bây giờ đến mức nhiều lần.

Nhiều lúc nhớ về ngày xưa, nhớ cái không khí ấm ấp của những mùa trăng tròn tuổi thơ ấy nhưng nó chỉ còn là làn sương mỏng manh vô tình vắt qua tâm trí trong một vài phút ngẩn ngơ. Có lẽ, mỗi thời mỗi khác. Có lẽ, đây là sự đánh đổi cho 8 chữ vàng: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”? Ừ, cái gì chẳng có giá của nó! Rồi lớp trẻ sẽ ghi sâu vào tuổi thơ của chúng những ký ức mà người lớn mang lại cho chúng những ngày còn nhỏ như tôi bây giờ đang hoài niệm những thứ đã mất này vậy. 

Mong sao chúng còn đủ ngây thơ để tin rằng trên đời chị Hằng là có thật, để không bị sự thực dụng của đời bố mẹ, cha anh nó ám ảnh vào đầu quá nhanh hay bị những khuôn phép, áp lực mà nó bị thế hệ đi trước đè nặng lên vai để rồi mất đi nụ cười ngây thơ và ánh mắt đen láy nghịch ngợm của một đứa trẻ. Mong rằng trung thu này không còn nhớ trung thu xưa…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét